Khôi phục diện tích cà phê bị thiệt hại do sương muối

Tỉnh ta hiện có khoảng 17.000 ha cây cà phê được trồng chủ yếu tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố. Đợt rét đậm, rét hại kèm theo sương muối xảy ra vào cuối năm 2019 đã làm nhiều diện tích cà phê trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề, gây tổn thất cho người nông dân. Để giúp người dân khôi phục diện tích cây bị thiệt hại, nhiều giải pháp đã được ngành Nông nghiệp và PTNT và các địa phương tích cực triển khai.

 

 

Người dân xã Chiềng Ban (Mai Sơn) trồng xen cây mận hậu vào nương cà phê.

 

Có mặt tại nương cà phê của gia đình ông Lèo Văn Bong, bản Sàng, xã Chiềng Ban (Mai Sơn) những ngày cuối tháng 3, khi gia đình ông đang tích cực chăm sóc diện tích cà phê sau ảnh hưởng của sương muối. Ngoài 60 tuổi, nhiều lần chứng kiến cây cà phê bị chết cháy vì sương muối, phải cưa đốn đi những cây cà phê đang sinh trưởng và tới kỳ thu quả, không khỏi xót xa, ông Bong cho hay: Sau hơn 2 tháng cưa đốn, hiện các gốc cà phê đã đâm chồi. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, mỗi cây chỉ để lại từ 2-3 chồi và bón thêm phân vào gốc để cà phê có thể ra quả vào năm tới. Hiện, gia đình tôi đang đào hố để trồng xen cây mận hậu vào diện tích cà phê. Ngay nương bên cạnh, gia đình chị Lò Thị Thao cũng tích cực xới đất để chuẩn bị trồng xen các cây ngắn ngày. Chị Thao cho biết: Gia đình có 5 nhân khẩu, nguồn thu chủ yếu trông chờ vào 2 ha cà phê. Vậy mà, đợt rét hại cuối năm ngoái, một nửa diện tích đang chuẩn bị cho thu hoạch đã bị chết cháy vì ảnh hưởng của sương muối. Sau khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật do cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, những gốc cà phê đã đâm chồi, tranh thủ diện tích cà phê chưa khép tán, tôi trồng xen đậu và lạc để có thêm thu nhập.

 

Trao đổi với bà Cầm Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban được biết, hiện xã có trên 1.200 ha cà phê, chiếm hơn 80% diện tích đất nông nghiệp. Cây cà phê trở thành cây chủ lực ở xã, mang lại thu nhập cao, nhiều hộ giàu lên từ trồng cây cà phê. Nhưng việc canh tác cà phê gặp nhiều khó khăn, do chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, cây cà phê thường xuyên bị ảnh hưởng do sương muối. Để giúp bà con chủ động trong sản xuất, xã đã chỉ đạo các bản tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cây trồng. Đến thời điểm này, 11 bản có các hộ đăng ký tham gia chuyển đổi sang trồng cây ăn quả với diện tích trên 140 ha, cụ thể là trồng cam, bưởi. UBND xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Hội Nông dân và cán bộ khuyến nông tập huấn chuyển giao KHKT để các hộ dân học tập, áp dụng vào sản xuất,  đạt hiệu quả cao hơn.

 

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp & PTNT, đợt rét đậm rét hại cuối năm 2019 đã làm gần 3.200 ha cà phê bị thiệt hại. Trong đó, huyện Mai Sơn 1.200 ha, Thuận Châu 860 ha, Yên Châu gần 150 ha và Thành phố trên 950 ha. Ngành Nông nghiệp & PTNT đã vào cuộc cùng chính quyền các địa phương và người dân khẩn trương khắc phục thiệt hại ban đầu. Các đơn vị liên quan đã cử cán bộ xuống hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật khắc phục thiệt hại cho cây cà phê. Trong tổng số diện tích cà phê bị sương muối có gần 1.000 ha phải cưa đốn để đảm bảo khả năng tái sinh. Cùng với đó, trong thời gian chờ cây cà phê khép tán, ngành Nông nghiệp cũng vận động người dân trồng xen canh các cây ngắn ngày để đảm bảo độ ẩm cho cây cà phê và có thu nhập tạm thời.

 

Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Đối với cây cà phê bị thiệt hại nhẹ, đơn vị hướng dẫn bà con thực hiện cắt tỉa các cành lá bị cháy, bón phân, chăm sóc để cây sớm phục hồi. Đối với diện tích cà phê bị thiệt hại nặng, tùy từng độ tuổi cây phục hồi bằng cách cưa đốn cây để tạo cành mới. Trên những diện tích cây cà phê đã được cưa đốn, người dân tranh thủ làm đất trồng xen những cây lương thực ngắn ngày. Nguồn thu nhập từ cây lạc, đậu tương cũng sẽ góp phần đảm bảo sinh kế trước mắt cho người dân. Riêng đối với diện tích cây cà phê không thể phục hồi, hướng dẫn bà con nhổ bỏ trồng mới hoặc chuyển đổi cây trồng khác.

 

Ngành Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo, giải pháp về lâu dài để phòng, chống rét đậm rét hại, sương muối, băng giá đối với cây cà phê, người dân cần trồng xen các cây che bóng trong vườn cà phê (nhất là cây ăn quả). Điều này không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân, hạn chế rủi ro về giá cả, biến động của thị trường mà cây trồng xen còn có tác dụng làm cây che bóng, chắn gió, hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm, góp phần phát triển bền vững vườn cà phê trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới