Khó khăn giảm thiểu tảo hôn ở Chiềng Ân

Chiềng Ân là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mường La, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tình trạng tảo hôn khá phức tạp. Đây là những bài toán khó mà cấp ủy, chính quyền xã đang cố gắng, nỗ lực tìm lời giải.

Cán bộ xã Chiềng Ân (Mường La) tuyên truyền,

vận động người dân không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống. 

Cùng cán bộ xã về bản Nong Hoi Dưới, chúng tôi đã gặp vợ chồng trẻ Cứ A V. Anh chồng sinh năm 1997, còn vợ sinh năm 1998, do cuộc sống khó khăn nên vợ V. chưa từng đến lớp học. V. học hết lớp 9 rồi nghỉ và lấy vợ khi mới 16 tuổi. 5 năm sau, vợ chồng V. mới đến UBND xã để làm đăng ký kết hôn. V. thật thà: Vì muốn gia đình có thêm lao động nên lấy vợ sớm thôi. Cả nhà 7 người, gồm ông bà, 2 vợ chồng và ba đứa con chỉ trông vào 4.000 m2 lúa ruộng và một ít đất trồng ngô, khó khăn lắm! Vợ chồng Sùng A L. ở bản Nong Bông cũng vậy. Học đến lớp 7, L. lấy vợ. Để vợ ở nhà làm nương, L. đi học tiếp đến hết lớp 12 mới nghỉ. Bây giờ, hai vợ chồng đã có 3 con trai. Có mỗi ngôi nhà gỗ vẫn dở dang chưa làm xong. L bảo: Lấy vợ sớm làm khổ cả mình, khổ cả vợ con.

Những trường hợp tảo hôn như V. và L. chỉ là ví dụ trong rất nhiều cặp vợ chồng tảo hôn ở địa bàn xã Chiềng Ân, nơi có 95% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Chỉ tính riêng năm 2018, trong số 36 cặp kết hôn thì 13 cặp tảo hôn; 8 tháng đầu năm nay 10 cặp kết hôn thì một nửa là tảo hôn..., đây cũng chỉ là con số mà xã nắm được khi các cặp vợ chồng đến khai sinh cho con, có thể còn nhiều cặp tảo hôn khác xã chưa phát hiện được. Nguyên nhân của tảo hôn là do nhận thức về công tác dân số rất hạn chế; ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu muốn có thêm nhiều lao động... Tình trạng tảo hôn dẫn đến các cặp vợ chồng “nhí” vẫn sống phụ thuộc bố mẹ, sớm phải gánh vác trách nhiệm gia đình trong khi chưa hội đủ khả năng, nên đã nghèo lại càng nghèo hơn, do chưa biết chia sẻ nên thường xảy ra mâu thuẫn, đã có trường hợp ăn lá ngón tự tử. Tảo hôn còn ảnh hưởng tới chất lượng dân số, nhiều trẻ sinh ra không được chăm sóc đầy đủ về tinh thần và thể chất; nhiều trường hợp tự sinh con tại nhà, nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con; có trường hợp trẻ không được khai sinh đúng thời điểm hoặc phải đăng ký khai sinh dưới dạng không xác định được bố để được đi học và hưởng các quyền lợi bảo hiểm y tế khi ốm đau, bệnh tật... 

Nhằm hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng này, cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Ân đã chỉ đạo Trạm Y tế xã, các tổ chức đoàn thể và các trường học trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách dân số - KHHGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình; giải thích cặn kẽ tác hại của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống... Ông Sùng A Chu, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trong các buổi tuyên truyền, cán bộ xã đã dẫn chứng các trường hợp tảo hôn cụ thể ở xã, ở bản để phân tích sâu sắc cho người dân hiểu rõ hơn về hệ lụy của tảo hôn. Đồng thời, chỉ đạo các bản đưa nội dung không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống vào quy ước, hương ước của bản để bà con thực hiện; quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các cặp đôi tảo hôn; tăng cường tuyên truyền, vận động các gia đình cho con em đi học để nâng cao dân trí, hiểu rõ hơn về hệ lụy của tảo hôn, từ đó tự nguyện không vi phạm chính sách dân số...

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền xã, cũng như các cơ quan chuyên môn của huyện trong việc tuyên truyền, vận động người dân. Trong quá trình đó, nâng cao vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia tuyên truyền, vận động, làm gương xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong hôn nhân... tạo chuyển biến về nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi, từng bước giảm thiểu tình trạng tảo hôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn xã.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới