Khi thất bại là tiền đề để Việt Nam vươn tới những tầm cao

Đội tuyển Việt Nam đã nhận thất bại thứ 4 ở vòng loại cuối World Cup 2022. Không có gì bất ngờ cả bởi chúng ta quá thiếu kinh nghiệm, mà kinh nghiệm là thứ không thể có ở một đội lần đầu tiên bước ra sân chơi đẳng cấp này.

HLV Park Hang-seo cùng các học trò ở Muscat, Oman. (Ảnh: VFF)

“Thất bại không gây chết người. Thất bại là thầy, không phải người làm tang lễ. Nó thách thức ta vươn tới những tầm cao mới, không phải để lôi ta xuống vực thẳm tuyệt vọng. Từ thất bại, ta có thể có được những trải nghiệm đáng giá”, nhà giáo dục người Mỹ, tác giả cuốn Suối nguồn Niềm tin, William Arthur Ward nói.

Vì vậy, ngay cả khi ĐT Việt Nam nhận thất bại thứ 4 liên tiếp ở vòng loại cuối World Cup 2022, đó không phải là thảm họa. Nó nhắc nhở về điểm tới hạn của chúng ta. Thực tế là Việt Nam vẫn kém các nền bóng đá tiên tiến ở châu lục một khoảng cách. Đồng thời, chỉ ra điều mà chúng ta, tân binh của sân chơi này, còn thiếu. Chính là kinh nghiệm. 

Cả 4 trận đấu với Saudi Arabia, Australia, Trung Quốc và mới nhất là Oman, đội quân của HLV Park Hang-seo luôn mang đến cảm giác tiếc nuối. Rằng lẽ ra trận đấu có thể kết thúc theo cách khác, và rằng chúng ta đã để thành quả tuột khỏi tay quá nhanh. Tất cả chỉ vì đội tuyển của chúng ta không đủ kinh nghiệm cho một đấu trường tầm cỡ như thế này.

Như ở trận đấu với Oman, nỗ lực tuyệt vời của Tấn Tài và pha đá bồi của Tiến Linh đã giúp Việt Nam mở tỷ số phút 42. Thế nhưng chỉ 4 phút sau, Oman đã có bàn gỡ dễ dàng. Đó là thời điểm nhạy cảm nhưng hàng thủ áo trắng lại không giữ được sự tập trung cần thiết.

Bàn thua thứ hai, sự non kém tiếp tục bộc lộ. Chúng ta hoàn toàn bối rối trước chiến thuật đá phạt góc của đối phương. Thủ môn Văn Toản cũng không thể làm chủ không gian và cuối cùng, thất thế khi bóng bay tới. 

Rồi bàn thua thứ ba, đó là sai lầm của Duy Mạnh. Nó cũng tương tự tình huống của Tấn Tài phút 15. Cả hai đều không kiểm soát cánh tay trong khu cấm địa và dẫn tới quả phạt đền. Chỉ khác là Tấn Tài được cứu rỗi bởi Mohsin Jouhar dứt điểm vọt xà. Nhưng Duy Mạnh thì không may mắn như vậy. Salaah Al Yahyaei đã đánh lừa Văn Toản và nâng tỷ số lên 3-1. 

Có thể những lỗi đó được trọng tài ở V-League bỏ qua, nhưng các cầu thủ dường như quên mất đây là đấu trường đẳng cấp quốc tế, cộng thêm sự can thiệp của công nghệ VAR, mọi sai lầm đều phải trả giá đắt. Nhất là khi VAR lại không ủng hộ chúng ta. 

Suốt từ đầu vòng loại cuối World Cup 2022, hầu như trận nào cũng có tranh cãi xoay quanh VAR và phần thiệt thường nghiêng về phía ĐT Việt Nam. Tại Muscat, trọng tài đã không tham khảo VAR tình huống Quang Hải ngã trong vòng cấm, nhưng lại kiểm tra tới 2 pha bóng dẫn tới bàn thắng của Tiến Linh. Trọng tài cũng quyết định bàn thắng thứ 2 của Oman là hợp lệ, sau đó quyết định thổi penalty khi cánh tay Duy Mạnh vung vào đối thủ.

Một loạt tình huống gây tranh cãi có thể mang tính ngẫu nhiên, cũng có thể xuất phát từ chủ quan của các trọng tài. Mặc dù trọng tài luôn cố gắng duy trì tính công bằng, nhưng đôi khi họ bị chi phối một cách vô thức bởi ý niệm về đội bóng lớn hay nhỏ. Chúng ta buộc phải chấp nhận điều này, sau đó tự nâng cao vị thế của mình. 

Vậy làm thế nào nâng cao vị thế? Cách tốt nhất là duy trì sự hiện diện ở những giải đấu hàng đầu. Việt Nam phải tham dự vòng loại cuối World Cup thêm nhiều lần nữa sau lần đầu tiên này. Qua đó, chúng ta sẽ có kinh nghiệm để có cách tiếp cận tốt hơn, thành thạo trong việc giữ vững lợi thế và tìm ra phương án đối phó với những chiêu trò tinh quái bên phía đối thủ. Khi trưởng thành, những sai lầm cũng không còn lặp lại. 

Vì lẽ đó, thất bại không có gì phải lo lắng. Nó cung cấp những bài học, những trải nghiệm quý giá và là tiền đề để chúng ta vươn tới những tầm cao mới. 

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới