Khi lòng dân đồng thuận

Trước khi lên Ngọc Chiến, huyện Mường La, chúng tôi gọi điện hẹn với Bí thư Đảng ủy xã Bùi Tiến Sỹ. Anh nói, thời gian này khá bận, vì đang cùng bà con mở tuyến đường tránh từ bản Phày đi vùng kinh tế bản Lướt - Nà Tâu - Mường Chiến, vì vậy sẽ có ít thời gian để tiếp đón nhà báo. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn háo hức lên đường để được “thực mục sở thị” sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, cũng như sự đồng thuận của người dân vùng cao nơi đây trong phát triển kinh tế, xã hội.

Nghị quyết sát thực tế cuộc sống

           

Gặp Bí thư Đảng ủy xã, ấn tượng đầu tiên là anh không còn thư sinh như thời gian đảm nhiệm vị trí Chánh Văn phòng huyện ủy Mường La, nước da nhuộm nắng, bộ quần áo xanh công nhân, đi giày ba ta, đầu đội mũ cối, gần gũi, hòa đồng với người dân vùng cao. Không nói về bản thân, anh kể về cách làm của Ngọc Chiến để bà con có cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn trước.

           

Một góc bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến (Mường La).

           

Câu chuyện đầu tiên là nội dung Nghị quyết Đảng ủy xã ban hành về lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khá đặc biệt. Đơn cử như Nghị quyết số 06-NQ/ĐU ngày 2/3/2021, về bổ sung công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn xã, gồm 38 nhiệm vụ. Người dân Ngọc Chiến gọi 38 nhiệm vụ này là “dự án 0 đồng”, vì tất cả đều do dân đóng góp, thực hiện và hưởng lợi. Đảng ủy xã thành lập 15 tổ công tác của Ban Thường vụ phụ trách 15 bản cùng nhân dân thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết số 06-NQ/ĐU. Trong đó, chỉ đạo UBND xã và các tổ chức đoàn thể xã vận động nhân dân phát huy lợi thế hơn 300 ha ruộng lúa, gieo cấy các loại giống lúa mới, đạt năng suất cao, nhất là giống nếp tan đặc sản làm hàng hóa; chăm sóc tốt diện tích cây sơn tra - cây đa mục tiêu; phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đặc biệt, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch…

           

Đến thời điểm này, xã đã hoàn thành 22 nhiệm vụ. Trong đó, có nhiệm vụ số 3 về phát triển đường giao thông nông thôn, hoàn thành đổ bê tông 95 tuyến đường, tổng chiều dài 45 km và mở rộng 7 tuyến đường lớn. Điều ghi nhận là, việc mở các tuyến đường đều do nhân dân hiến đất, tự mang máy xúc, ô tô đến thi công, tổng trị giá khoảng 30 tỷ đồng. Nhiệm vụ số 17: Thắp sáng bản làng tại các trục đường chính và đường liên bản, hiện đã có 2.072 cột điện tại 15/15 bản, trị giá khoảng 2 tỷ đồng. Nhiệm vụ số 29: Huy động xã hội hóa xóa nhà tạm, nhà dột nát, Ngọc Chiến trở thành xã đầu tiên trong huyện hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng nguồn lực tại địa phương…

           

Ngọc Chiến khá sáng tạo trong việc cụ thể hóa Nghị quyết vào thực tế cuộc sống. Tỷ dụ, nhiệm vụ số 26 trong Nghị quyết 06-NQ/ĐU của Đảng ủy xã: Tuyên truyền, vận động nhân dân vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở, xây dựng không gian sống xanh - sạch - đẹp, Đảng ủy xã đã chọn bản Kè làm điểm. Đây là bản được đánh giá khó thực hiện nhất, do nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường hạn chế, tình trạng nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở khá phổ biến, rác thải không được thu gom…Mục đích chọn bản Kè là, khi thành công sẽ thuận lợi hơn trong việc nhân rộng mô hình. Tổ công tác của Đảng ủy xã thực hiện “cùng ăn, cùng ở”, hướng dẫn người dân vệ sinh thân thể; thu gom rác thải; làm chuồng chăn nuôi ra xa nhà ở… Kết hợp phân tích sâu sắc lợi ích của việc ăn, ở hợp vệ sinh… Bây giờ bản Kè đã trở thành điểm sáng của xã về vệ sinh môi trường.

           

Cũng với cách làm trên, nhiệm vụ số 33: Phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với “trồng cỏ voi diệt cỏ dại” đã được nhân dân trong xã đồng thuận thực hiện. Bởi việc làm này mang lại nhiều lợi ích: Tăng nguồn thức ăn cho đàn đại gia súc; nếu không sử dụng hết có thể bán với giá từ 100-120 nghìn đồng/gánh cỏ; hơn nữa, loại cỏ này trồng ở diện tích đất bạc màu, nên góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc. Cũng từ thực hiện chủ trương này, Ngọc Chiến duy trì chăn nuôi trên 4.500 con trâu, bò nhốt chuồng làm hàng hóa…                        

           

Trong khoảng 40 phút tiếp chúng tôi, anh Sỹ liên tục nhìn đồng hồ. Anh nói: Nhà báo thông cảm, hôm nay, người dân bản Phày đang tiếp tục tự phá dỡ hàng rào của các gia đình để mở rộng tuyến đường trục bản, có đoạn cần điều chỉnh, tôi đã hẹn với Ban Quản lý bản cùng bàn bạc, giải quyết. Vậy là rất nhanh, chúng tôi cùng anh Sỹ về bản Phày.

           

Nghe theo cán bộ nói, làm để cuộc sống tốt hơn

           

Về bản Phày, chúng tôi nhận thấy không khí lao động khẩn trương, sôi nổi. Người dùng búa tạ đập bê tông hàng rào cũ; người sử dụng xe goòng chở đất, đá đi đổ vào những chỗ trũng của bề mặt đường mở rộng. Có người đang chặt cây ăn quả lâu năm nhường đất làm đường, xây hàng rào mới… Hy sinh lợi ích của gia đình, nhưng ai cũng hồ hởi, hăng hái, vì cùng có chung suy nghĩ: Thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển nông sản hàng hóa và làm cho bản đẹp hơn, thu hút khách du lịch đến với vùng quê “cổ tích” này nhiều hơn.

           

Người dân bản Phày, xã Ngọc Chiến (Mường La) mở rộng đường giao thông nội bản.

           

Tiếng nói, tiếng cười rôm rả, tiếng người dân bàn nhau làm cho tuyến đường thẳng hơn, rộng hơn và thi công nhanh hơn. Không ai tính toán thiệt hơn, tất cả đều tin rằng, tuyến đường được mở rộng sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và làm cho cảnh quan của bản thêm đẹp. Dừng tay xúc đất đổ lên xe goòng, bà Lò Thị Tối (bản Phày) nói giản dị: "Bản muốn lấy chỗ nào cũng cho thôi, đường bản đẹp thì nhà tôi cũng đẹp mà". Câu nói giản dị mà chứa đầy cảm xúc, giá như ai cũng như bà, thì làm gì có chuyện tranh chấp đất đai, kiện tụng nhau; bản làng vừa đẹp vừa đầy ắp tình người và tiếng cười trong nhịp sống hằng ngày.

           

Tranh thủ lúc giải lao, Trưởng bản Phày Lò Văn Thin, chia sẻ: Tuyến đường này đã đổ bê tông từ năm 2017, nhưng mặt đường mới chỉ rộng từ 2,5-3 mét. Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ xã về mở rộng tuyến đường tránh từ bản Phày đi vùng kinh tế bản Lướt - Nà Tâu - Mường Chiến, Ban Quản lý bản đã họp toàn thể nhân dân trong bản thống nhất việc mở rộng tuyến đường. Điều rất mừng là, các hộ dân sống hai bên tuyến đường đều đồng thuận hiến đất, bản cần đến đâu sẽ hiến đến đó. Họp hôm trước, hôm sau 100% hộ dân trong bản ra quân phá dỡ hàng rào để mở rộng tuyến đường.

           

 Ông Thin còn khoe: Không chỉ đồng thuận mở rộng đường, bà con trong bản còn đồng thuận trong việc hiện thực hóa nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế. Đó là trồng 28 ha cỏ voi lấy thức ăn chăn nuôi 300 con trâu, bò; chăm sóc 700 con lợn trên 2 tháng tuổi; đưa giống lúa mới vào thâm canh trên 40 ha ruộng 2 vụ, bảo đảm an ninh lương thực tại bản… Hiện bản chỉ còn 14 hộ nghèo/142 hộ dân.

           

Chia tay Bí thư Đảng ủy xã và nhân dân bản Phày, chúng tôi đến bản Lướt. Bản được Đảng ủy xã chọn xây dựng điểm phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, bản Lướt có 5 homestay, phục vụ khách du lịch theo quy trình khép kín từ ăn, ngủ, tắm khoáng, tham quan du lịch trải nghiệm. Bản còn thành lập 3 đội văn nghệ phục vụ du khách, với các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Bản Lướt được đánh giá là phát triển khá của xã trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

           

Du khách tham quan, chụp ảnh tại guồng nước bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến (Mường La).

           

Dừng chân tại cổng chào bản Lướt, trò chuyện với anh Tòng Văn Sim, đảng viên Chi bộ bản Lướt. Anh Sim chia sẻ: Gia đình tôi là hộ đầu tiên ở bản trồng cỏ voi theo Nghị quyết của Đảng ủy xã, với 2 ha. Ngoài cắt cỏ nuôi 2 con trâu, tôi còn bán cho các hộ dân trong bản để nuôi trâu, bò, mỗi năm riêng tiền bán cỏ voi cũng thu gần chục triệu đồng. Cả bản hiện có trên 700 con trâu, bò nuôi nhốt chuồng làm hàng hóa… Cuộc sống của chúng tôi đang khá dần lên từ phát triển dịch vụ du lịch, chăn nuôi gia súc, trồng rau xanh… Bản còn 12% hộ nghèo.

           

Để được tham quan những chiếc guồng nước ven suối Chiến, chúng tôi về bản Mường Chiến. Đứng trên đỉnh đồi phóng tầm mắt, cánh đồng Mường Chiến rộng mênh mông, tuyến đường thẳng tắp rộng 2 làn xe ở chính giữa cánh đồng; bên cạnh là dòng suối Chiến trong xanh, hiền hòa; phía xa là những ngôi nhà sàn mái ngói đỏ, nhà xây kiên cố - Vùng quê thật đẹp – đây là cảm nhận chung của tất cả những ai đã đến vùng đất này.

           

Có anh Lò Văn Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã làm “hoa tiêu”, chúng tôi có mặt tại đoạn suối Chiến có 10 chiếc guồng nước khá to. Tiếng guồng quay hòa cùng tiếng nước chảy, tạo nên một bản nhạc thiên nhiên độc đáo. Khi chúng tôi đến, ông Lò Văn Nghiễm, chủ nhân của 10 chiếc guồng nước cũng có mặt. Xởi lởi như đã thân quen, ông khoe: Gia đình tôi và 2 hộ khác cùng làm những chiếc guồng này. Đã có hàng nghìn khách du lịch vào đây tham quan, chụp ảnh check in, chúng tôi thu phí 10.000 đồng/lượt người. Ông Nghiễm nói thêm: Việc làm guồng nước là chủ trương trong Nghị quyết số 06-NQ/ĐU của Đảng ủy xã, cùng với “đôi cây tình yêu”, gắn với truyền thuyết về một tình yêu chung thủy của đôi trai gái năm xưa; cây sa mu nghìn tuổi; đồi thông bon sai (thông tự nhiên), tạo điểm đến hấp dẫn, độc đáo cho khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm ở Ngọc Chiến.

           

Những con số… “biết nói”

           

Cổng chào bản Lướt, xã Ngọc Chiến (Mường La) được xây dựng khang trang

           

Ban hành Nghị quyết sát với cuộc sống; sáng tạo trong hiện thực hóa Nghị quyết, cùng với những tiềm năng, lợi thế và hơn hết là sự đồng thuận khát khao đổi mới của người dân, Ngọc Chiến đang bứt phá vươn lên trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội. Điều này được minh chứng qua những con số “biết nói”: Lương thực bình quân đạt 666,7 kg/người/năm; 2.657 ha cây ăn quả trên đất dốc, sản lượng đạt 8.500 tấn quả các loại, trị giá hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 75%; tổng đàn vật nuôi hơn 63.000 con. Đặc biệt, Ngọc Chiến đang từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, trong 5 năm (2015-2020) thu nhập từ dịch vụ du lịch khoảng 2,5 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm giảm được 8,87% hộ nghèo, hiện xã còn 16,06% hộ nghèo; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và có nước sạch hợp vệ sinh…

           

Người dân bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến (Mường La) chăn nuôi gia súc nhốt chuồng.

           

Một ngày ở Ngọc Chiến đã để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc đặc biệt, nhất là cách làm sáng tạo trong việc hiện thực hóa nghị quyết của Đảng vào thực tế, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Nhớ lời Bác dạy khi sinh thời: “Dễ vạn lần không dân cũng chịu; khó vạn lần dân liệu cũng qua”. Cấp ủy, chính quyền xã Ngọc Chiến đã và đang thực hiện tốt lời dạy của Bác, tạo được sự lan tỏa và đồng thuận cao trong nhân dân tham gia xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

 

Hồng Luận - Trường Sơn

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới