Khắc phục tình trạng trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính

Với sự nỗ lực của các cấp, ngành trong công tác cải cách hành chính (CCHC), đặc biệt là việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) đã góp phần nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn trên địa bàn tỉnh. Song, tình trạng trễ hẹn giải quyết và trả kết quả một số TTHC tại các lĩnh vực vẫn còn xảy ra, cần giải pháp chấn chỉnh, khắc phục.

 

Người dân đến làm thủ tục cấp lý lịch tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

 

Theo thống kê, hết quý I/2021, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã tiếp nhận 72.795 hồ sơ; trong đó, hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn trên 99%. Hồ sơ giải quyết quá hạn chỉ chiếm 0,78%, nhưng lại chủ yếu ở lĩnh vực đất đai, cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân. Đến nay, toàn bộ số hồ sơ trả quá hạn đã được các cơ quan, đơn vị thực hiện đầy đủ văn bản công khai xin lỗi theo quy định.

Là cơ quan tham mưu trực tiếp cho UBND tỉnh thực hiện 2 trong 6 nội dung CCHC của tỉnh, gồm cải cách thể chế và kiểm soát TTHC, Sở Tư pháp đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai nghiêm túc, đồng bộ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh về đẩy mạnh CCHC. Tuy nhiên, giải quyết hồ sơ TTHC của sở vẫn có tình trạng trễ hẹn. Hầu hết hồ sơ bị trễ hẹn thuộc thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Bà Lò Thị Mường Pha, Trưởng phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp, giải thích: Phiếu lý lịch tư pháp được coi là giấy tờ pháp lý quan trọng chứng minh cá nhân có hay không có án tích khi tham gia vào các quan hệ pháp lý. Nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của người dân trên địa bàn ngày càng tăng, năm 2018, chỉ có 2.011 trường hợp xin cấp, thì năm 2020 tăng lên hơn 5.150 trường hợp. Tất cả hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp đều được Sở chuyển cho Trung tâm lý lịch tư pháp Quốc gia (Bộ Tư pháp) để thực hiện việc tra cứu, xác minh tình trạng án tích và phối hợp với Công an tỉnh, Cục C53 (Bộ Công an) tra cứu thông tin (đối với trường hợp có thời gian cư trú ngoại tỉnh), do đó dẫn đến việc giải quyết hồ sơ trễ hẹn do các cơ quan liên quan chưa kịp thời xác minh theo quy định.

Với số lượng hồ sơ lớn như trên, Sở Tư pháp đã tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan; ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai việc cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính và đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến giúp hồ sơ xác minh được gửi đến các cơ quan nhanh hơn và sở tiếp nhận kết quả sau khi các đơn vị xác minh hoàn tất việc tra cứu kịp thời hơn. Do đó, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn đã giảm đáng kể, từ 6,26% (năm 2018) xuống còn 1,22% (năm 2020).

Đối với lĩnh vực đất đai, là lĩnh vực thường xuyên phát sinh nhiều hồ sơ. Theo số liệu tổng hợp từ Phòng CCHC và Văn thư lưu trữ (Sở Nội vụ), từ 1/1 đến 15/3/2021, tổng số hồ sơ tiếp nhận thuộc lĩnh vực đất đai tại 12 huyện, thành phố là hơn 6.290 hồ sơ; trong đó hồ sơ trả trước và đúng hạn trên 98,5%, hồ sơ chậm hạn trên 1,46%.

Sự chậm trễ trong giải quyết hồ sơ đất đai tại các huyện chủ yếu do tính chất tài liệu, hồ sơ địa chính phức tạp, biến động nhiều, vừa mang tính pháp lý, vừa có sự phối hợp giữa các tổ chức sử dụng đất, địa phương và sở, ngành liên quan thì mới có đủ cơ sở trình hồ sơ giải quyết theo thẩm quyền nên mất thời gian trong quá trình thẩm tra, xác minh. Một phần do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chậm bổ sung hồ sơ và thực hiện nghĩa vụ tài chính khi đã được thông báo... ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ.

Các huyện đang đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tăng cường phối hợp với các phòng, ban, ngành thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn trong việc nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các hồ sơ, TTHC; tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn đối với công chức địa chính cấp xã; tuyên truyền tổ chức, cá nhân tích cực ứng dụng dịch vụ công trực tuyến khi thực hiện TTHC về đất đai và tiếp tục hỗ trợ các huyện tồn đọng nhiều hồ sơ quá hạn.

Dù tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn thấp, nhưng ảnh hưởng đến quyền lợi và làm giảm mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh cần xây dựng và thực hiện quy trình nội bộ cũng như quy chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa, nhằm khắc phục những bất cập; xác định rõ nguyên nhân trễ của từng loại TTHC để có hướng đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Lãnh đạo các cơ quan tiếp tục nâng cao trách nhiệm; theo dõi, đánh giá, có hình thức xử lý nghiêm đối với công chức giải quyết hồ sơ quá hạn nhiều lần không có lý do chính đáng và thực hiện nghiêm quy định xin lỗi cá nhân, tổ chức khi để xảy ra tình trạng sai sót, trễ hẹn; từng bước khắc phục tình trạng hồ sơ trễ hẹn trong giải quyết TTHC; góp phần tăng niềm tin, sự hài lòng của cá nhân, tổ chức vào bộ máy chính quyền các cấp.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới