Kết nối thị trường, chắp cánh những ước mơ

Một Sơn La đang hiện hữu trên bản đồ nông sản của cả nước với nhiều nông sản đặc trưng, có sức cạnh tranh cao... mùa nào, quả nấy, từng đoàn xe nối đuôi nhau chuyển quả về các vùng miền. Nhiều lô hàng vượt không gian địa lý đến với người tiêu dùng nước ngoài. Tất thảy chắp cánh cho nông sản Sơn La bay ra thế giới và ước mơ làm giàu của nông dân Sơn La thành hiện thực.

 

 

Sản phẩm nhãn và nông sản an toàn Sơn La được bày bán tại Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc).

Ảnh: TS

 

Đã bốn mùa xuân qua, câu chuyện chọn cây gửi đất làm giàu cho dân vẫn luôn là tâm điểm được bàn thảo và hoạch định thành chủ trương của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh. Xuất phát từ quan điểm tạo đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng gắn với lợi thế đất đai, lao động của địa phương và thị trường tiêu thụ. Chủ trương đó được thể hiện bằng chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh, thể hiện ý chí của cả hệ thống chính trị; sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, của doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trong tỉnh, nhằm xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả.

 

 

Các đại biểu dự Hội nghị sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh thăm gian hàng sản phẩm nông nghiệp an toàn của huyện Thuận Châu.

 

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp người dân ghép giống mới, cải tạo vườn tạp, chuyển hướng từ cây nông nghiệp đơn thuần giá trị thấp sang các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 70.240 ha cây ăn quả, một số loại cây có diện tích và sản lượng lớn như: xoài, nhãn, chanh leo, bơ, na, chuối, hồng giòn, cam, bưởi, mận, sơn tra… trồng tập trung tại các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Phù Yên, Mường La... sản lượng năm 2019 đạt 250 nghìn tấn quả. Dự kiến, đến năm 2020, có trên 80.500 ha cây ăn quả.

 

Không chỉ tập trung chỉ đạo sản xuất, cấp ủy, chính quyền địa phương còn cùng vào cuộc để tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân. Sơn La đã thành lập các đoàn công tác đi trao đổi học tập kinh nghiệm xuất khẩu nông sản tại các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thanh Hóa; ký kết hợp tác với thành phố Hà Nội và nhiều tập đoàn kinh tế lớn, nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức các hội nghị tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm xúc tiến thương mại tại tỉnh Sơn La và các tỉnh bạn.

 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch xúc tiến thương mại, xuất khẩu sản phẩm hàng hóa; tổ chức các chuỗi sự kiện hàng năm; kế hoạch xuất khẩu từng loại sản phẩm quả; cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, cung ứng nông sản và địa chỉ của các cơ sở sản xuất cây ăn quả trong chuỗi cung ứng nông sản an toàn của tỉnh. Vận dụng các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất, chế biến, bảo quản, xuất khẩu nông sản... Đặc biệt, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về coi trọng chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Công tác quản lý vùng nguyên liệu có nhiều chuyển biến tích cực, đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGap). Xây dựng đề án và tổ chức triển khai mô hình sản xuất, thu hái, bảo quản các loại quả và sản phẩm trong định hướng xuất khẩu; tiếp tục hoàn thiện các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, chế biến và tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu...

 

 

Nông dân xã Chiềng Mung (Mai Sơn) thu hái nhãn xuất khẩu.

 

Nét đột phá nữa trong sản xuất, tiêu thụ nông sản là tỉnh đã chỉ đạo triển khai chương trình quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm một cách dài hơi, bài bản, toàn diện, hiệu quả. Ngoài ra, còn hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX in hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Sở Công Thương chủ động cập nhật, tuyên truyền các thông tin quy định về xuất nhập khẩu, các điều kiện, quy định đối với sản phẩm cây ăn quả của các bộ ngành Trung ương, các nước nhập khẩu để các doanh nghiệp, HTX định hướng sản xuất.

 

Thành công của Sơn La được đánh giá cao chính là công tác quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm thông qua các hội nghị đẩy mạnh xuất khẩu nông sản an toàn hoặc kế hoạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản sang thị trường Trung Quốc. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức 75 hội chợ, quy mô khoảng 7.500 gian hàng. Tổ chức các Tuần hàng nông sản, thực phẩm an toàn của Sơn La tại thành phố Hà Nội; Showroom Trung tâm trải nghiệm hoa quả Sơn La - Bằng Tường tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); Siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội; Siêu thị Hapromart; Siêu thị Lotte; Siêu thị Co.opmart thành phố Thanh Hóa. Ngoài ra, hàng năm còn tổ chức các lễ hội hái quả của huyện Mộc Châu, Lễ hội Cam và nông sản an toàn của huyện Phù Yên; lễ hội Xoài huyện Yên Châu, Ngày hội Nhãn Sông Mã và Lễ công bố xuất khẩu Nhãn Sơn La...  Tổ chức cho 10 doanh nghiệp, HTX của tỉnh kết nối với thương vụ 15 nước trong công tác quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh, trong đó Thương vụ Mỹ, Đức (sản phẩm cà phê), Pháp (cà phê, chanh leo), Hà Lan, Nga, Trung Quốc, Úc, Newzelan (xoài, nhãn, thanh long) Hàn Quốc (rau, than sinh học, lõi ngô), Nhật Bản (chè, dưa, cà chua, cải bắp), Ấn Độ (xuất khẩu tơ tằm, than sinh học, chè), Ả Rập Xê út, Agranixtan (xuất khẩu chè), Lào (ngô giống, cây giống), Thái Lan (chè, cà phê). Cùng với đó là sự tham gia, hỗ trợ xuất khẩu của các doanh nghiệp như Công ty CP nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Hùng Thảo (Bắc Giang), Công ty CP Đầu tư và Thương mại xuất nhập khẩu IVN,  Công ty TNHH MTV Thanh Tùng, Công ty CP thương mại Duy Khánh... Các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh bước đầu chủ động tham gia vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn như BigC, Lotte, Hapro, VinMart, Fivimart, Co.opmart,... Sản phẩm nông sản an toàn, đặc biệt là sản phẩm trái cây của tỉnh từng bước tạo dựng uy tín, thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng biết đến và đánh giá cao.

 

Với nỗ lực trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, các sản phẩm nông sản, trái cây của Sơn La trong những năm gần đây đều tiêu thụ tốt cả trong nước và xuất khẩu. Năm 2018, tiêu thụ 218.193 tấn (trong đó xuất khẩu 17.500 tấn, giá trị tham gia xuất khẩu đạt 13,94 triệu USD); năm 2019, tiêu thụ 237.130 tấn (xuất khẩu 20.800 tấn, giá trị tham gia xuất khẩu đạt 17,56 triệu USD). Tính trung bình giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản phẩm cây ăn quả tham gia xuất khẩu đạt 10,15 triệu USD/năm. Thị trường xuất khẩu gồm: Trung Quốc (xoài, nhãn, chuối, chanh leo, thanh long...), Úc (xoài), Hàn Quốc (xoài, nhãn), Anh (xoài), Campuchia (xoài, mận hậu), Dubai (xoài, thanh long). Giá trị sản phẩm cây ăn quả tham gia xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đã có bước tăng trưởng nhảy vọt. Năm 2016, mặt hàng nông sản của tỉnh chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc với sản phẩm là quả mận hậu, mơ, số lượng ít, giá trị dưới 100.000 USD. Đến năm 2019, đã có 6 sản phẩm cây ăn quả tham gia xuất khẩu (xoài, nhãn, chanh leo, chuối, mận hậu, thanh long) với số lượng trên 20.570 tấn (xuất khẩu sang thị trường 9 nước), giá trị tham gia xuất khẩu đạt 17,56 triệu USD (trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh năm 2019 là 150 triệu USD). Với những kết quả của hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm quả đã góp phần thành công trong chương trình phát triển cây ăn quả của tỉnh trong các năm qua, đó là được mùa, được giá, cơ bản khắc phục được tình trạng ép cấp, ép giá; sản phẩm trái cây của Sơn La dần khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước; nhiều mô hình sản xuất trái cây có hiệu quả được nhân rộng, đời sống của người dân từng bước được nâng cao, nhiều hộ làm giàu từ trồng cây ăn quả.

 

Khép lại một năm thành công trong xuất khẩu nông sản, đón năm Canh Tý với bao dự định tốt lành, Sơn La đã xác định xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả, nông sản an toàn ứng dụng công nghệ cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường (nhu cầu về sản lượng, chất lượng, chủng loại, hình thức) “là cốt lõi”, “là gốc” trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm cây ăn quả nói riêng, các mặt hàng nông sản nói chung. Kết nối thị trường trong nước, nước ngoài trên cơ sở tranh thủ sự hỗ trợ trực tiếp của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn; sự tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí trong tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu... tạo sự kết nối chặt chẽ, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu.

 

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu và hệ thống cơ chế chính sách phù hợp thực tiễn, cùng những chủ trương lớn dựa trên tầm nhìn chiến lược phù hợp với lòng dân đã và đang góp phần làm đổi thay diện mạo, đưa Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, thực hiện khát vọng làm sáng lên hòn ngọc miền Tây Bắc của Tổ quốc.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới