Kế hoạch Triển khai Cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề "Khu căn cứ cách mạng Lao Khô - Biểu tượng quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào"

           

ĐỀ CƯƠNG

Giới thiệu địa danh Lao Khô và phát huy giá trị di tích

Lao khô - Biểu tượng trong xây dựng, củng cố mối quan hệ hữu nghị

đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

-----

           

Nằm sát biên giới, bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu có vị trí địa lý hết sức quan trọng, phía Tây và Nam giáp huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào); địa hình hiểm trở, núi cao, nhiều thung lũng sâu, rừng rậm, là điều kiện thuận lợi cho việc đóng quân và hoạt động bí mật của du kích trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Cách đây hơn 70 năm, vào ngày 20 tháng 5 năm 1948, Ban xung phong Lào Bắc được Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam ra chỉ thị thành lập. Ban Xung phong Lào Bắc do đồng chí Caysone Phomvihan (người sau này là Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Thủ tướng, Chủ tịch Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) làm Trưởng Ban, được giao nhiệm vụ: gây cơ sở vùng sau lưng địch, phát động phong trào du kích để thành lập căn cứ địa kháng chiến chống thực dân Pháp, đào tạo cán bộ địa phương. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam, Ban Xung phong đã hành quân từ Khu bộ Liên khu 10 hướng lên tỉnh Sơn La, lấy vùng tự do Mộc Châu - Yên Châu làm bàn đạp để phát triển sang hữu ngạn sông Mã, xây dựng cơ sở cách mạng vùng Bắc Lào. Sau thời gian hành quân đầy gian khổ, vượt đèo cao, suối sâu và các điểm kiểm soát của địch, đến ngày 27/6/1948, Ban Xung phong đã lên đến khu căn cứ Mộc Hạ, Mộc Châu của tỉnh Sơn La. Tại đây, đồng chí Trần Quyết - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đã tiếp đón đồng chí Caysone Phomvihan và cùng nhau trao đổi kinh nghiệm về xây dựng cơ sở cách mạng, công tác dân vận, xây dựng lực lượng du kích, tổ chức đánh du kích. Trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình, vị trí, địa bàn chiến lược, Ban Xung phong Lào Bắc đã quyết định chọn bản Phiêng Sa xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La nay là bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu làm căn cứ để triển khai nhiệm vụ tiến vào vùng Bắc Lào xây dựng căn cứ địa, phát triển lực lượng và tổ chức nhân dân các bộ tộc Lào kháng chiến chống thực dân Pháp. Bản Phiêng Sa đã trở thành căn cứ đầu tiên của lực lượng cách mạng Lào.

           

Được sự đùm bọc, che chở của bà con dân tộc Mông, đặc biệt gia đình ông Tráng Lao Khô, Ban xung phong Lào Bắc có cơ sở vững chắc để thâm nhập vào các bản làng đồng bào dân tộc Lào thuộc khu vực tả ngạn sông Mã tuyên truyền, vận động nhân dân kháng chiến, tiến tới lập căn cứ cách mạng tại các địa bàn Lao Hùng, Phiêng Xả, Moong Nặm, Thà Luông, thuộc huyện Xiềng khọ tỉnh Sầm Nưa (nay là tỉnh Hủa Phăn). Trong thời gian này đồng chí Caysone Phomvihan đã được tổ chức bố trí đến ở nhà ông Lao Khô thuộc bản Phiêng Sa.

           

Những hoạt động tích cực của Ban xung phong Lào Bắc dưới sự chỉ huy của đồng chí CayxonPhomvihan và sự giúp đỡ chí tình của tỉnh bộ Việt Minh Sơn La, đặc biệt là nhân dân vùng Phiêng Sa - Lao Khô đã đã tạo tiền đề cơ bản, nền móng vững chắc cho sự phát triển phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Lào thắng lợi.

           

Để giúp nước bạn Lào có được căn cứ địa kháng chiến của Trung ương làm chỗ dựa lâu dài cho cơ quan lãnh đạo công cuộc kháng chiến cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nghiên cứu xây dựng Sầm Nưa thành căn cứ chiến lược cho cách mạng Lào. Đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ đạo phải tìm cho được một số anh em Lào có tinh thần yêu nước, hình thành một đội công tác xung phong để đưa về hoạt động vùng Bắc Lào. Sau khi bắt liên lạc được với đồng chí Kayson Phomvihan, hai bên đã bàn bạc đi đến thống nhất cùng việc cử cán bộ, bộ đội Việt Nam sang phối hợp với lực lượng vũ trang nhân dân Lào đấu tranh chống thực dân Pháp ở Lào và phải xây dựng Khu căn cứ kháng chiến Trung ương Lào, làm chỗ dựa cho cuộc kháng chiến của nhân dân Lào nói chung và các tỉnh Bắc Lào nói riêng. Trên tinh thần đó, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam đã chỉ thị cho Bộ Chỉ huy Liên khu 10 thành lập Ban Xung phong Lào Bắc, nhằm tiến hành vũ trang tuyên truyền giúp Lào xây dựng căn cứ địa kháng chiến của trung ương làm chỗ dựa lâu dài cho cơ quan lãnh đạo công cuộc kháng chiến cả nước.

           

Để tạo thuận lợi cho Ban Xung phong Lào Bắc hoạt động, Tỉnh ủy Sơn La thống nhất lấy Bản Phiêng Sa, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La (nay là Bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu) làm căn cứ cho đơn vị hoạt động, Từ đây, Bản Phiêng Sa trở thành bàn đạp cho Ban Xung phong Lào Bắc tiến quân sang vùng Thượng Lào, tiến hành vũ trang tuyên truyền để thiết lập căn cứ địa cho cách mạng và quân đội Lào độc lập. Với sự hoạt động của Ban Xung phong Lào Bắc, lực lượng chính trị, cơ sở kháng chiến ngày càng phát triển là tiền đề quan trọng để tại cuộc hội nghị cán bộ của Lào họp ở căn cứ Lao Húng, do đồng chí Kayson Phomvihan chủ trì, đã quyết định thành lập một đơn vị quân đội Lào Ítxala (Lào Tự do) của Khu Lào Bắc, lấy tên là Látxavông - tiền thân của Quân đội nhân dân Lào, là điều kiện quan trọng để ngày 20/1/1949, tại khu căn cứ Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, đồng chí Kayson Phomvihan tuyên bố thành lập Quân đội Lào Ítxala, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của cách mạng Lào, là nguồn gốc quyết định tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của nhân dân Lào, là nhân tố quan trọng tăng cường mối quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa quân đội hai nước Lào - Việt.

           

Thành công đó có sự đóng góp của bà con dân bản Phiêng Sa. Chính Phiêng Sa là căn cứ đầu tiên để nhân dân Lào tạo lập thành công những điều kiện cho cuộc kháng chiến của khu vực Bắc Lào nói riêng và của cả nhân dân các bộ tộc Lào nói chung. Bởi vậy, Phiêng Sa (Lao Khô) đã giữ vị trí quan trọng trong tiến trình cách mạng của nhân dân Lào.

           

Việt Nam cùng chung đường biên giới dài hơn 2.340km, hai nước Việt Nam và Lào cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, uống chung dòng nước sông Mê Kông. Lịch sử đấu tranh và phát triển của nhân dân hai nước đã khiến hai dân tộc Việt Nam và Lào thân thiết, gắn bó với nhau từ bao đời nay. Mối quan hệ keo sơn đó càng được phát triển và đậm nét hơn khi nhân dân hai nước cùng tiến hành sự nghiệp cách mạng chống kẻ thù chung, giành độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng. Truyền thống bền chặt kết hợp với chủ nghĩa quốc tế vô sản cao cả là cội nguồn để hai dân tộc ngày càng thắt chặt mối quan hệ. Đó chính là tiền đề, là cơ sở để nhân dân Bản Lao Khô hành động một cách hết sức tự nhiên, tự nguyện như lời Bác Hồ dạy “giúp bạn là mình tự giúp mình”, nhường cơm sẻ áo, bất chấp khó khăn để cưu mang, giúp đỡ Ban Xung phong Lào Bắc, ghi thêm dấu ấn trong mối quan hệ hai nước.

           

Trong ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng được cán bộ cách mạng và ông Tráng Lao Khô tuyên truyền, vận động, đồng bào bản Phiêng Sa đã hết lòng giúp đỡ, chở che, tạo điều kiện cho Ban xung phong Lào Bắc hoạt động. Đó thực sự là những ngày “nhường cơm sẻ” áo của bà con dân bản cho các đồng chí cách mạng Lào. Ban xung phong Lào Bắc còn được nhân dân cho mượn đất để xây dựng cơ sở; góp tiền để mua sắm vũ khí; là "tai, mắt” cung cấp tin tức về địch, giữ bí mật, bảo vệ và che giấu, dẫn đường cho Ban hoạt động. Đặc biệt, trong thời gian ở Phiêng Sa, đồng chí Cayxỏn Phômvihản được bố trí ở tại gia đình ông Tráng Lao Khô, được gia đình ông nhận làm con nuôi, hết lòng cưu mang, giúp đỡ, nguyện đồng lòng sống chết có nhau để chiến đấu chống kẻ thù chung. Điều này đã thể hiện sự tôn trọng, đoàn kết, tin cậy lẫn nhau những giữa dân Việt Nam đối với người cán bộ, chiến sĩ của cách mạng Lào. Đây thực sự là tình cảm hiếm có, chỉ có thể được bắt nguồn từ sự chân thành và tin cậy lẫn nhau. Sự cưu mang đùm bọc của bà con Phiêng Sa đã để lại dấu ấn quan trọng, giúp Ban Xung phong Lào Bắc hoàn thành nhiệm vụ.

           

Dưới sự chỉ huy của đồng chí Kayson Phomvihan, được sự giúp đỡ tận tình của các đơn vị bộ đội Liên khu 10 (Việt Nam), các đội vũ trang tuyên truyền thuộc Ban Xung phong Lào Bắc đã đi sâu vào khu vực Pa Háng - Xiềng Khọ, xây dựng vùng này thành căn cứ kháng chiến đầu tiên ở Xiềng Khọ (Hủa Phăn), thúc đẩy phong trào cách mạng các tỉnh Bắc Lào phát triển. Đến tháng 10/1948, Ban xung phong Lào Bắc đã gây dựng được cơ sở ở 44 bản, gồm 333 gia đình với số dân hơn 1500 người. Vùng này được xây dựng thành căn cứ kháng chiến đầu tiên ở huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn. Cuối năm 1948, Khu căn cứ được mở rộng xuống vùng đồng bằng ven sông Mã, từ Xiềng Khọ, Xốp Xan, Mường Ét… đến sát biên giới Lào - Việt. Từ những khu căn cứ nhỏ buổi đầu kháng chiến ở vùng hẻo lánh, vùng biên giới, đến cuối năm 1949, lực lượng cách mạng đã xây dựng được căn cứ du kích vùng chiến lược quan trọng ở hầu hết các tỉnh từ Bắc Lào, có chính quyền, có đoàn thể cứu nước, có bộ đội địa phương, có dân quân du kích và có cơ quan lãnh đạo. Nhân dân các bộ tộc trong các vùng căn cứ ngày càng giác ngộ, hăng hái tham gia cuộc kháng chiến. Đây là bước phát triển quan trọng về lực lượng và thế trận cho cuộc kháng chiến của nhân dân Lào. Bởi vậy, các tham luận đều thống nhất nhận định Phiêng Sa (Lao Khô) là căn cứ đầu tiên để nhân dân Lào tạo lập những điều kiện cho cuộc kháng chiến của khu vực Bắc Lào nói riêng và của cả nhân dân các bộ tộc Lào nói chung. Bởi vậy, Căn cứ Lao Khô đã giữ vị trí quan trọng trong tiến trình cách mạng của nhân dân Lào. Nơi ươm mầm, nơi xuất phát cho lực lượng kháng chiến Lào phát triển. Căn cứ Lao Khô trở thành biểu tượng cao đẹp của liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

           

Từ kết quả hoạt động của Ban Xung phong Lào Bắc, từ tình cảm, sự giúp đỡ của nhân dân bản Phiêng Sa đã đưa một địa danh nằm sâu trong rừng núi, sát biên giới Việt Nam - Lào trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết của hai dân tộc, nơi ghi dấu ấn hoạt động của vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân các bộ tộc Lào, là nơi ghi đậm tình đoàn kết, chiến đấu đặc biệt của đồng bào bản Lao Khô nói riêng và nhân dân Sơn La nói chung đối với cách mạng Lào.    

           

Chính nhờ có niềm tin mà Ban Xung phong Lào Bắc dưới sự chỉ huy của đồng chí Kayson Phomvihan đã gửi gắm toàn lực lượng nơi bà con dân bản. Cũng chỉ bằng niềm tin mà bà con dân bản Phiêng Sa hết lòng giúp đỡ Ban Xung phong Lào Bắc. Và đi đến thống nhất, nhận định: niềm tin và lòng chân thành là một trong những cơ sở quan trọng nhất để mối quan hệ giữa hai nước trở nên bền chặt, khăng khít, trở thành mối quan hệ đặc biệt. Cùng với niềm tin là cần có sự giúp đỡ thiết thực và hiệu quả. Lịch sử thế giới đã cho thấy, nếu không có sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình mà sự viện trợ nhằm mục đích tranh thủ, tạo đồng minh thì mối quan hệ đó không bao giờ bền chặt, mà đó là mối quan hệ có đi, có lại; khác hẳn với mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Do vậy, sự giúp đỡ của bà con Phiêng Sa đã được nhân dân các bộ tộc Lào ghi nhận như câu nói của người Việt “một miếng khi đói bằng cả gói khi no”. Với niềm tin và sự cảm thông, hiểu biết sâu sắc, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả sẽ càng củng cố, làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

           

Kể từ ngày Ban Xung phong Lào Bắc chọn bản Phiêng Sa làm căn cứ, bàn đạp để tiến quân về thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở kháng chiến trên đất Lào đến nay đã hơn 70 năm. Những con người ngày ấy nay đã không còn, nhưng câu chuyện về bà con Phiêng Sa hết lòng giúp đỡ các đồng chí cách mạng Lào vẫn còn lưu truyền, được hậu thế ghi nhận về vai trò, ý nghĩa của Căn cứ cách mạng Lao Khô đối với cuộc kháng chiến của nhân dân nước Lào, đối với tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Qua đó, góp phần củng cố, thắt chặt thêm mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

           

Thời gian đã lùi xa, nhưng những tình cảm, ký ức cao đẹp về tình hữu nghị Việt Lào, liên minh đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù, giành độc lập dân tộc, vẫn còn nguyên giá trị, minh chứng cho tình đoàn kết đặc biệt, là tài sản vô giá của hai dân tộc Việt Nam - Lào anh em.

           

Trên thế giới hiếm có mối quan hệ nào sâu sắc, bền chặt như hai nước Việt Nam - Lào, cùng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, chiến đấu chống kẻ thù chung, phấn đấu vì hòa bình độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ cho mỗi nước. Tình hữu nghị đó ngày càng bền chặt, càng được vun đắp bởi các thệ hệ lãnh đạo, công dân của hai nước Việt Nam - Lào, Lào Việt Nam.        

           

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định:

           

“Việt - Lào hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

           

Với giá trị quốc tế, lịch sử nổi bật của cách mạng hai nước Việt Nam - Lào, ngày 03/4/2012, Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nhằm bảo tồn di tích cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi ôn lại truyền thống lịch sử, ghi nhớ công ơn của thế hệ cha, ông trong quá trình giải phóng dân tộc Việt Nam - Lào, góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc. Nhằm phát huy di tích gắn liền với phát triển du lịch, Quốc hội hai nước đã quyết định và chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô và được khởi công vào năm 2012, khánh thành đưa vào hoạt động ngày 06/7/2017, chào mừng Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào. Khu di tích là nơi giới thiệu, tôn vinh những giá trị lịch sử to lớn, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, khẳng định tinh thần quốc tế cao cả và sự hy sinh to lớn của quân đội và nhân dân Việt Nam giành cho nhân dân Lào. Tính từ sau ngày khánh thành đến nay, đã có trên 10.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan khu di tích.

           

Việc bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô không chỉ là trách nhiệm đối với lịch sử của hai dân tộc, hai đất nước, mà còn thể hiện nghĩa tình, tri ân công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng hai nước của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ cha, ông. Để phát huy hơn nữa những giá trị của di tích, các cơ quan thông tấn, báo chí tại địa phương và Trung ương tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá; tổ chức thường niên một số hoạt động của địa phương tại di tích và khu vực xung quanh, như: Ngày hội văn hóa Việt Nam - Lào, Ngày Tết độc lập 2/9, Ngày hội văn hóa các dân tộc của huyện, Hội chợ triển lãm... để thu hút du khách tham quan di tích.

           

Khu di tích là địa điểm giáo dục truyền thống yêu nước, tình đoàn kết, trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau, góp phần củng cố mối quan hệ truyền thống, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào. Đồng thời, tiếp tục củng cố tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời kỳ mới./.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới