Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững

Với những điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai, tỉnh ta đã và đang phát triển một nền nông nghiệp đa dạng với nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mang tính đặc trưng của vùng miền. Từ năm 2017 đến nay, nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh đã được xuất bán tới các thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên trước những đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là hướng phát triển bền vững, nhằm tạo sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng cũng như góp phần bảo vệ môi trường.

Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của huyện Mộc Châu trưng bày

tại Hội nghị tổng kết 10 năm chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Được thành lập từ tháng 1 năm 2018, HTX Chanh leo hữu cơ 666.28 Phiêng Pằn (Mai Sơn) có 7 thành viên đã chuyển đổi 10 ha trồng cây ngô kém hiệu quả sang trồng cây chanh leo… Anh Lê Anh Sỹ, Phó Giám đốc HTX cho biết: Với phương châm canh tác thân thiện với môi trường, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, quá trình sản xuất, chúng tôi hạn chế thấp nhất việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV hóa học, chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ, thuốc BVTV sinh học, định kỳ 1 tháng 20 ngày, HTX tổ chức cắt cỏ cho vườn cây. HTX đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, cây giống là cây ghép mắt chất lượng cao, xuất xứ rõ ràng. Đầu tư hệ thống tưới ẩm tự động trên đất dốc tới từng gốc cây; sử dụng máy móc, thiết bị phục vụ cho việc canh tác như máy cắt cỏ, súng bấm ghim cây, hệ thống châm phân bán tự động, tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ, nấm đối kháng từ cám gạo, dịch chuối, dịch trùn quế. Đặc biệt, năm 2019, các thành viên của HTX đã được Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc chuyển giao kỹ thuật ủ phân hữu cơ, tập huấn cách thức sản xuất theo hướng hữu cơ sạch, bảo đảm không sử dụng phân bón hóa học vô cơ. Hiện, HTX đã được cấp chứng nhận quy trình sản xuất VietGAP và đăng ký khảo sát cấp mã số vùng trồng.

Nông nghiệp hữu cơ là xu thế của nền nông nghiệp thế giới. Trong năm 2019, tỉnh ta đã triển khai tuyên truyền sâu rộng đến người dân, các HTX nông nghiệp về định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ; triển khai tới 89 doanh nghiệp, HTX thực hiện 24 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất 10 loại sản phẩm nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Quế Lâm Phương Bắc (Tập đoàn Quế Lâm) tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 9 doanh nghiệp, HTX, gồm: HTX Rau an toàn Tự Nhiên (Mộc Châu); HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (Yên Châu); HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng, Hợp tác xã Chanh leo hữu cơ 666.28 - Phiêng Pằn, HTX Mé Lếch, HTX Ngọc Lan (Mai Sơn); HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hoàng Tuấn (Sông Mã); HTX Cam Văn Yên (Phù Yên); Công ty TNHH Trà Thu Đan (Thuận Châu). Triển khai 12 mô hình ủ phân hữu cơ tổng hợp trên địa bàn 12 huyện, thành phố để hỗ trợ cho 85 doanh nghiệp, HTX bón cho cây ăn quả, rau các loại. Qua triển khai mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng hợp lý phân bón trong trồng trọt; nâng cao sự hiểu biết của người sản xuất về tác dụng, sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt.

Sau khi triển khai các lớp tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX, đã có 2 mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ triển khai trên địa bàn huyện Mộc Châu với diện tích 10 ha; 2 mô hình sản xuất chè 20 ha; 8 mô hình trồng 40 ha cây ăn quả và 1 mô hình HTX liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại xã Quang Huy (Phù Yên) sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm trên các giống lúa thuần chất lượng cao với diện tích 10 ha. Theo đánh giá, các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ đã giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm

Với những kết quả khả quan bước đầu và nhu cầu của thị trường, tỉnh ta đang có kế hoạch ưu tiên quy hoạch và chính sách phát triển vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho các loại cây trồng, vật nuôi sản xuất hữu cơ. Đẩy mạnh tuyên truyền người dân ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh trong nông nghiệp; khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón vô cơ để nông sản hữu cơ trở thành thế mạnh và thương hiệu của địa phương.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới