Hồng dẻo - Quà tặng mùa xuân

Tết đến xuân về, người ta dành tặng nhau những món mứt đầu xuân đầy ý nghĩa như một lời chúc cho năm mới may mắn, nhiều niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc. Xuân này, nếu ghé thăm Mộc Châu, du khách sẽ có thêm một món quà mới mùa xuân dành tặng người thân đó là món “mứt hồng dẻo”.

 

Sấy hồng tại cơ sở sản xuất hồng dẻo Quyết Thanh, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Tôi tình cờ được biết và thưởng thức món “mứt hồng dẻo” khi huyện Mộc Châu tổ chức Hội chợ chào xuân mới 2019. Tôi đã đến, đã nghe và đã thử rất nhiều sản vật của Mộc Châu như: Mận hậu, đào, bơ, sữa chua, sữa tươi... Nhưng lần này ghé thăm Hội chợ, tôi muốn tìm ra một sản vật mới của vùng đất này mà còn ít người biết đến. Dạo quanh một vòng Hội chợ, tôi đã tìm thấy món “mứt hồng dẻo”, một đặc sản đang được nhiều người ưa thích, nhưng thường phải mua với giá đắt vì đa phần nhập khẩu từ các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc. Hồng dẻo trong Hội chợ được bày bán tại gian hàng của những người cựu chiến binh vui tính, họ cười nói vui vẻ, mời khách ghé thăm, ăn thử.

Lựa cầm lên tay gói hồng dẻo có nhãn mác và địa chỉ ở Mộc Châu, tôi đặt câu hỏi: Cô ơi, hồng dẻo này, cháu chưa thấy Mộc Châu bán nhiều, có phải do chính tay người dân địa phương làm ra không? Hay nhập ở nơi khác về bày bán đấy ạ.

Một người phụ nữ nhanh nhẹn trả lời: Cháu cứ ăn đi, sẽ biết hồng dẻo Mộc Châu có vị tươi ngon hơn với những nơi khác. Nếu muốn, cô sẽ đưa đến cơ sở sản xuất, tha hồ mà tham quan.

Được lời như cởi tấm lòng, sau khi thử ăn miếng hồng dẻo và mua 5 kg về làm quà tết, tôi đã nhận được lời hẹn đưa đi tham quan cơ sở sản xuất chế biến hồng dẻo. Như đã hẹn, 14 giờ cùng ngày, tôi được người cựu chiến binh già đưa đến thăm cơ sở sản xuất chế biến hồng dẻo. Ngồi sau xe máy của bác cựu chiến binh, thỏa chí hít thở không khí trong lành của sức xuân Cao nguyên Mộc Châu, nhìn ngắm từng tốp người dân đi sắm Tết đông vui. Sau 10 phút đi xe máy từ trung tâm huyện, chúng tôi đến cơ sở sản xuất hồng dẻo Quyết Thanh, ở Thị trấn nông trường Mộc Châu.

Đang vào vụ sấy, cơ sở có những công nhân đang mải miết phân loại và gọt hồng, để chuẩn bị nguyên liệu cho vào lò sấy. Ngồi cùng với những người công nhân đang gọt hồng hỏi chuyện, chị  nói: Để có những mẻ hồng dẻo, ngon, đẹp mã, thì sau khi hái hồng về, chúng tôi phải rửa thật sạch, để ráo nước rồi đem ủ, đến khi quả hồng chín kỹ, ăn có vị ngọt lịm, lên màu vàng đẹp, thì lúc đó mới mang ra gọt để đưa vào sấy dẻo.

Bên chiếc máy sấy hồng hiện đại chạy bằng điện, chị Lương Thị Thanh, Chủ  cơ sở sản xuất hồng dẻo Quyết Thanh nhanh tay lật mẻ hồng đang sấy để đưa trở lại vào lò nói: Nếu quả hồng được cắt làm đôi, thì sấy xong một mẻ cũng mất 1 ngày. Còn để nguyên quả, hồng phải sấy trong hai ngày, hai đêm với nhiệt độ đúng yêu cầu mới có mẻ hồng chất lượng. Ngoài ra, để có một sản phẩm hồng đẹp mắt bán ra thị trường, còn cần những bàn tay khéo léo của người sấy hồng để tạo dáng cho quả hồng. Khi hồng sấy sắp khô, sẽ đưa ra tạo dáng. Tùy vào kích cỡ quả hồng to hay nhỏ để lựa chọn cách tạo dáng khác nhau, rồi tiếp tục lại cho vào sấy. Sau khi hồng sấy khô, còn phải tạo dáng lại lần cuối trước khi đóng gói bán ra thị trường. 

Sấy hồng dẻo cả quả cho chất lượng sản phẩm thơm ngon.

Nghỉ tay sấy hồng, bên ấm trà ấm nóng đầu xuân, chúng tôi ngồi nhấm nháp miếng hồng dẻo mới sấy ra lò, cảm nhận hồng sấy dẻo có hương thơm đặc biệt, vị ngọt đậm của mật hồng khi sấy bị cô lại làm cho miếng hồng dẻo hơn, khiến cho người ăn một lần có thể nhớ mãi, chị Thanh cho biết: Ông xã tôi là một người đam mê nghiên cứu khoa học và thích tìm tòi, ứng dụng các giống cây trồng mới trên đất Mộc Châu. Hiện nay, gia đình đang có hơn 7 ha đất trồng hồng để tự cung cấp hồng tươi cho lò sấy. Được biết, sau 2 năm tìm tòi việc sấy hồng sao cho đẹp, ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... gia đình chị Thanh đã quyết định đặt mua một chiếc máy sấy hồng của Thái Lan. Sau 1 năm đưa vào hoạt động, niên vụ hồng năm 2018, chiếc máy sấy hồng dẻo này đã tiêu thụ được 40 tấn hồng tươi cho người dân địa phương (tương đương với 6 tấn hồng dẻo ra lò), đầu ra của sản phẩm do người dân làm ra không lo ế nữa. Vinh dự, trong Hội nghị đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018, sản phẩm hồng dẻo của gia đình chị Thanh đã được lãnh đạo tỉnh tin tưởng chọn làm sản phẩm tặng tại Hội nghị. Đây là dịp quảng bá cho sản phẩm của gia đình nói riêng và sản vật địa phương trong tỉnh nói chung.

Hỏi về cơ duyên nào đưa anh, chị đến với việc sản xuất hoa quả thành sản phẩm khô, dẻo, anh Phạm Văn Quyết, chồng chị Thanh cho biết: Mộc Châu vốn là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu hợp với việc trồng các loại quả ôn đới như: Hồng, đào, lê, mận... Với tiềm năng địa phương rất lớn, nhưng tôi thấy, khi người nông dân trúng mùa lại bị tư thương ép giá, mua rẻ, nên tôi đã nghiên cứu làm thử rất nhiều mẻ sấy khô, sấy dẻo các loại quả khác nhau như: Mít, hồng, xoài, mận... Sau khi thành công, gia đình đã quyết định đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, vừa thu mua sản phẩm cho người dân, lại vừa tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương.  

Sản phẩm Hồng dẻo được đóng gói hút chân không cẩn thận, trước khi bán ra thị trường.

 

Trong 2 năm trở lại đây, một trong những món mứt Tết được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng là Hồng dẻo sấy, được coi là “đặc sản” phù hợp làm quà biếu, tặng trong dịp Tết. Hiện các sản phẩm được bán trên thị trường có xuất xứ chủ yếu từ Hàn Quốc và Đà Lạt (Lâm Đồng) có mức giá tương đối cao từ 700 đến hơn 2 triệu đồng/hộp. Còn hồng dẻo Mộc Châu sản xuất tươi ngon, đang có giá tương đối phong phú, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, có giá từ 250.000 đồng/1kg và 300.000 đồng/1 kg.

Hồng dẻo được nhiều người ưa chuộng.

Đam mê nghiên cứu khoa học, ứng dụng cây trồng mới thành công, song nỗi trăn trở lớn nhất của vợ chồng anh chị Quyết Thanh là làm thế nào phát triển thương hiệu, thu mua sản phẩm cho người dân thường xuyên, lâu dài. Nỗi trăn trở được giải tỏa, khi anh chị vận động, thuyết phục được 7 hộ gia đình khác tham gia là thành viên HTX để thành lập HTX, dấu ấn chào xuân mới 2019, một HTX mới được thành lập mang tên Phú Quý sẽ ra đời. Đồng thời, HTX đang xây dựng Nhà máy sấy hoa quả sau thu hoạch, đây sẽ là nơi tiêu thụ sản phẩm cho người dân bền vững, góp phần làm cho đời sống người dân trên Cao nguyên ngày một sung túc.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới