Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp

Ngày 21/2, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đại diện một số viện, trường, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trong lĩnh vực tổ chức sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản. Tại điểm cầu tỉnh ta, dự Hội nghị có đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

 

 

Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp tại điểm cầu tỉnh ta.

 

Trong 10 năm trở lại đây, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản phát triển mạnh. Đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình. Công nghiệp chế biến nông sản đã làm nền nông nghiệp thay đổi mạnh mẽ, từ tự cung tự cấp sang xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân 8-10% trong nhiều năm qua, năm 2019 đạt mức 41,3 tỷ USD. Nông sản Việt Nam đã xuất sang hơn 180 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có cả các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Các nhà máy chế biến đã giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động mà phần lớn là con em nông dân, với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi (tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cây nông nghiệp đạt 94%; khâu gieo, trồng đạt 42%; các khâu chăm sóc đạt 77%; khâu thu hoạch lúa đạt 65%).

 

Tại tỉnh ta, triển khai các chính sách hỗ trợ chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, việc thực hiện cơ giới khâu làm đất cơ bản đã đạt 100% đối với  diện tích một số cây trồng như mía, cao su, chè; trên 50% đối với một số cây trồng như: Lúa, sắn, ngô, cà phê; khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật lúa và các cây trồng khác đạt trên 40%; khâu thu hoạch chiếm trên 80% đối với chè... Đồng thời, khai thác các vùng nguyên liệu có sẵn, tập trung thu hút các cơ sở chế biến nông sản. Đến nay, toàn tỉnh có 47 cơ sở, xưởng, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Hiện, đang xây dựng 2 nhà máy, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

 

Tại Hội nghị đã có nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu về những chính sách cần tập trung, những khó khăn vướng mắc, kiến nghị những giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, đẩy mạnh công nghiệp chế biến trong thời gian tới. Phát biểu tham luận của tỉnh Sơn La, đồng chí Lò Minh Hùng kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông (hệ thống đường cao tốc) cho các tỉnh miền núi để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư vào nông nghiệp. Chính phủ hỗ trợ cho các tỉnh chưa cân đối ngân sách đầu tư khu công nghiệp để phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thu hút lao động địa phương…..

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, các bộ ngành cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp, tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nhiều hơn nữa về cơ giới hóa và đẩy mạnh chế biến. Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, cùng các Bộ, ngành sớm nghiên cứu, soạn thảo và trình Thủ tướng chỉ thị về chiến lược phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030, nghị định về chính sách cho công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Tiếp tục áp dụng sâu hơn nữa khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị và chất lượng các sản phẩm nông sản; tập trung nghiên cứu nhằm có chính sách giảm giá thành sản xuất nông sản, đặc biệt là chi phí về giao thông cho việc lưu thông nông sản…

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới