Hội nghị quản lý giao thông cấp huyện năm 2019

Ngày 17/1, đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị quản lý giao thông cấp huyện năm 2019. Dự Hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố.

42.jpg

Hội nghị quản lý giao thông cấp huyện năm 2019.

Toàn tỉnh hiện có 10.343 km đường giao thông, trong đó: 883 km quốc lộ, 922 km tỉnh lộ; 2.057 km đường huyện; 6.056 km đường xã; 143 km đường đô thị; 282 km đường chuyên dùng; 16.773 km đường trục thôn, xóm, bản, tiểu khu và đường trục chính nội đồng. Năm 2018, trên địa bàn tỉnh có nhiều đợt mưa lớn, kéo dài, tập trung trên một số vùng, gây sụt trượt taluy nền đường, xói trôi nền mặt đường gây ách tắc nhiều giờ tại nhiều vị trí trên 272 tuyến đường huyện, xã; khối lượng sụt lún trên 2 triệu m³ đất đá, xói lở, hư hỏng 160 cầu, cống. Tổng kinh phí khắc phục đường huyện, xã trên 141,9 tỷ đồng.

Về hiện trạng cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh, tính đến tháng 12/2018, toàn tỉnh có 412 cầu treo dân sinh, trong đó, 106 cầu đang sử dụng tốt cần bổ sung hệ thống biển báo hiệu và tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên; 306 cầu đã bị hư hỏng, xuống cấp cần phải sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới. Theo rà soát, nhu cầu sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới 283 cầu, tổng kinh phí khoảng 438,6 tỷ đồng.

Với mục tiêu giảm chi ngân sách, huy động tối đa các nguồn lực khác trong xã hội để đảm bảo nâng cao hơn chất lượng của hệ thống đường bộ sau đầu tư và trong quá trình khai thác, thời gian qua, Sở Giao thông vận tải được giao thí điểm 3 đường tỉnh, tổng chiều dài 65 km; UBND các huyện được giao thí điểm thực hiện 4 tuyến đường huyện, tổng chiều dài 88 km. Nội dung công việc thực hiện xã hội hóa bảo dưỡng thường xuyên là các hạng mục công việc không sử dụng vật liệu, gồm: phát cây, dãy cỏ, vệ sinh mặt đường; khơi thống cống rãnh; nắn chỉnh cọc tiêu, biển báo. Huy động các đoàn thể chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cơ sở hoặc người dân ở các xã, bản có tuyến đường đi qua. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, là bước thí điểm đổi mới công tác quản lý Nhà nước về công tác bảo trì đường bộ gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả, trách nhiệm của nhân dân, nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc xã hội hóa công tác bảo dưỡng không sử dụng vật liệu đường tỉnh, đường huyện; đề xuất phương án quản lý, bảo trì cầu giao thông nông thôn.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lò Minh Hùng đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, huy động người dân thực hiện bảo dưỡng thường xuyên đường huyện, xã thuộc phạm vi địa giới với tinh thần là người hưởng lợi. UBND các huyện, thành phố chủ động bố trí nguồn kinh phí hằng năm từ nguồn ngân sách để quản lý, bảo dưỡng, bổ sung các biển báo tải trọng khai thác tại các cầu treo dân sinh; ưu tiên lồng ghép bố trí các nguồn vốn, kêu gọi đóng góp, ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp về vật liệu, thiết bị thi công để thực hiện; tập trung nguồn nhân lực, vật lực đảm bảo giao thông tại các điểm sạt, lở, xác định những tuyến đường trọng tâm, trọng điểm cần sửa chữa, bảo dưỡng.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới