Hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện Quyết định 2214/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt “Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, 5 năm qua trên địa bàn tỉnh ta đã góp phần hỗ trợ nhân dân xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống.

 

Người dân bản Kiểng A, xã Mường É (Thuận Châu) tham gia làm đường giao thông nông thôn.

“Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” được thực hiện ưu tiên trên 7 lĩnh vực: Phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí và xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc; đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo; đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và HIV/AIDS; bảo tồn, phát triển văn hóa các tộc người và bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực xây dựng chính sách cho đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác dân tộc.

Trên cơ sở các lĩnh vực được quy định ưu tiên, tỉnh ta đã ban hành nhiều văn bản như: Quyết định 1065/QĐ-UBND ngày 03/6/2013 về Chương trình vận động viện trợ nguồn phi chính phủ nước ngoài; Công văn số 721/UBND-NC ngày 13/3/2017 về việc tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1065/QĐ-UBND ngày 03/6/2013 của UBND tỉnh. Ngoài ra, hàng năm tỉnh đã chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực cán bộ, công chức các cấp, ngành; thu hút nguồn lực phát triển, hỗ trợ hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển nông thôn mới. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh ta đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vận động các nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài tài trợ đối với các chương trình, dự án vào vùng dân tộc thiểu số đảm bảo đúng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2014 - 2018, tỉnh đã tiếp nhận và triển khai 57 dự án NGO (Dự án của Tổ chức phi Chính phủ - của Chính phủ Nhật Bản) và các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Các dự án triển khai tại các vùng dân tộc thiểu số, tập trung vào các lĩnh lực: Phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí; đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo; đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường; chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Việc triển khai 57 dự án của các tổ chức quốc tế, thời gian qua vùng dân tộc và miền núi của tỉnh đã có những chuyển biến, đời sống đồng bào được cải thiện; kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm y tế được đầu tư xây dựng. Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được triển khai.

Thời gian tới, tỉnh ta tập trung thu hút viện trợ vào một số lĩnh vực chủ yếu: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; giáo dục - đào tạo - dạy nghề; y tế; văn hóa - thế thao - du lịch; môi trường; giải quyết các vấn đề xã hội, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn tài trợ đảm bảo các quy định của pháp luật, phát huy hiệu quả các nguồn tài trợ. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong việc vận động, tiếp nhận và thực hiện nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Đẩy mạnh việc trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin; đa dạng hóa các kênh kêu gọi, khuyến khích phát huy vai trò chủ động của các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhu cầu viện trợ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy trình tiếp nhận tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức triển khai các chương trình, dự án tài trợ tại tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các quy định liên quan đến công tác hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, tham mưu cho tỉnh về công tác hợp tác quốc tế thông qua tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Tiếp tục đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, phân bổ, giới thiệu các nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ và các nguồn vốn nước ngoài cho tỉnh Sơn La thực hiện Đề án 2214 giai đoạn 2018-2020.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới