Hỗ trợ đào tạo nghề cho hội viên nông dân

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh, trực thuộc Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố khảo sát, rà soát nhu cầu học nghề của hội viên nông dân để hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu nhiều hội viên nông dân vào làm việc tại các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, giúp hội viên có việc làm, ổn định cuộc sống.

Cán bộ Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh hướng dẫn học viên kỹ thuật chăm sóc cây giống.

 

Trung tâm xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của hội viên và đáp ứng yêu cầu thực tế. Các đối tượng được tạo điều kiện học nghề, gồm: Hội viên nông dân nghèo; học sinh đã tốt nghiệp bậc trung học phổ thông; quân nhân xuất ngũ… Sau mỗi khóa học, Trung tâm kiểm tra kiến thức, kỹ năng của từng học viên, đánh giá chất lượng đào tạo; rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng các lớp đào tạo nghề tiếp theo. Đồng thời, kết nối, giới thiệu một số lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Anh Hùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh, cho biết: Chúng tôi phối hợp với Khoa Nông lâm, Trường Đại học Tây Bắc và Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đào tạo các nghề: Sơ chế sản phẩm nông nghiệp và nghề trồng trọt. Các học viên được thực hành tại một số HTX, doanh nghiệp chế biến nông sản, tại một số nhà vườn trong tỉnh. Năm 2021, Trung tâm đã tổ chức 60 lớp đào tạo nghề cho trên 2.000 học viên, trong đó 30% học viên sau đào tạo được kết nối, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp, HTX.

Theo ông Trần Anh Hùng, lý do lựa chọn hai nghề sơ chế sản phẩm nông nghiệp và nghề trồng trọt để đào tạo xuất phát từ kết quả của các cuộc khảo sát nghề nông nghiệp tại các địa phương trong những năm qua. Khâu sơ chế, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp của người nông dân sau thu hoạch còn khá yếu, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn đầu vào nguyên liệu của các nhà máy. Hơn nữa, một số nông dân có nguyện vọng làm việc tại các cơ sở chế biến nông sản, nhưng không có kinh nghiệm làm việc, trong khi đó, nhà máy lại cần tuyển lao động có kỹ năng cơ bản. Việc thực hiện quy trình chăm sóc cây trồng trước và sau thu hoạch chưa đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật để cây tiếp tục phát triển ổn định.

Tại các lớp đào tạo nghề, những nội dung được tập trung triển khai tới học viên, gồm: Cách xử lý sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; phân loại nông sản theo kích thước; vệ sinh, sơ chế nông sản; bảo quản trước khi giao bán cho khách hàng; đốn tỉa cây sau khi thu hoạch và thời gian bón phân, chuẩn bị các điều kiện cần thiết trước khi bước vào vụ sản xuất mới...

Tham gia lớp đào tạo nghề, anh Giàng A Chinh, HTX Sơn tra Nậm Lộng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, chia sẻ: Thông thường đến mùa thu hoạch quả sơn tra, chúng tôi thu hái, rồi đóng bao để xuất bán. Sau khi được tiếp thu kiến thức về sơ chế sản phẩm quả, tôi nhận ra rằng, sau khi thu hái, cần rửa sạch quả, kết hợp với phân loại, nhất là những quả có dấu hiệu bị sâu, bị dập để loại bỏ trước khi đóng bao xuất bán. Như vậy, sản phẩm chuyển đến tay khách hàng bảo đảm chất lượng, không bị hư hỏng, tạo được uy tín và mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Anh Mùi Văn Khánh, bản Nà Cang, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, cho hay: Đa số các chủ vườn tại xã Hát Lót đều trồng các loại cây nhãn, xoài và bưởi theo quy trình VietGAP, đòi hỏi các nhân công làm thuê phải có kiến thức, kỹ năng chăm sóc cũng như thu hoạch quả. Khi có thông tin được tạo điều kiện học nghề trồng trọt tại Trung tâm Hỗ trợ nông dân, tôi đã theo học, để nắm bắt được những kiến thức cần thiết của việc làm vườn. Ngoài ra, tôi còn học thêm các kỹ năng sơ chế sản phẩm quả để làm thêm trong mùa thu hoạch khi các chủ vườn có nhu cầu.

Trong năm 2022, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố rà soát nhu cầu học nghề của hội viên để tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của lao động nông thôn; tiếp tục hỗ trợ hội viên vào làm việc tại các HTX, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản. Phấn đấu hỗ trợ đào tạo nghề cho từ 1.000-1.500 hội viên về nông nghiệp để có cơ hội tìm việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới