Hiệu quả từ lò đốt rác thải mini ở Chiềng Hặc

Hiện nay, nhiều vùng nông thôn trên địa bàn huyện Yên Châu đang gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí môi trường, nhất là xử lý rác thải sinh hoạt. Phần lớn người dân đổ rác ra lề đường, hoặc ném xuống suối, kênh mương thủy lợi... làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường.

Người dân bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc tận dụng tro đốt rác để làm phân bón cho cây trồng.

 

Để từng bước khắc phục tình trạng này, Hội LHPN các cấp của huyện Yên Châu vừa tuyên truyền đến cán bộ, hội viên thực hiện cách phân loại, xử lý rác thải ngay tại chỗ để thí điểm mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt gia đình, cụm dân cư (lò đốt rác mini). Mô hình lò đốt rác thải mini bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực trong giữ gìn vệ sinh môi trường, giải quyết cơ bản vấn đề rác thải sinh hoạt tồn đọng không được thu gom, xử lý.

Chiềng Hặc là một trong những xã của huyện Yên Châu có nhiều lò đốt rác thải mini nhất. Các tuyến đường trên địa bàn bây giờ không còn thấy rác đổ đống, những túi, bọc nilon đủ màu vứt bừa bãi, gây mất mỹ quan như trước đây, đường làng ngõ xóm sạch đẹp hơn, hầu như nhà nào cũng có lò đốt rác kiểu này. Tùy nhu cầu của mỗi gia đình mà lò đốt rác được xây theo kích cỡ khác nhau, trung bình mỗi lò chỉ khoảng 1-1,2 m². Từ khi lò đốt rác mi ni nơi đây được xây, nhiều hộ dân các xã lân cận thấy được hiệu quả từ mô hình này cũng đến học hỏi và làm theo. Tìm hiểu được biết, mô hình này được Hội LHPN xã Chiềng Hặc thực hiện từ năm 2017, bởi phần lớn việc xử lý rác thải hay vệ sinh nhà cửa, làng bản đều do phụ nữ đảm trách. Bà Hà Thị Diếm, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Để triển khai mô hình, Hội giao cho chi hội phụ nữ xây dựng thí điểm, các đảng viên và hội viên phụ nữ tại các bản làm trước. Các lò đốt được xây dựng tại ngã ba, khu tập trung các hộ dọc tuyến đường của bản, qua một thời gian sử dụng, lò đốt rác thải phát huy tốt hiệu quả, tiện lợi, không gây ô nhiễm môi trường, được các hội viên ủng hộ và nhân rộng nhanh chóng. Bây giờ cả xã đã có 58 lò đốt tại 10 bản.

Theo thiết kế, các lò đốt rác mini xây bằng gạch, cao khoảng 1,2 m, rộng 1 m; phía trong, cách 1/3 chiều cao thân lò được gắn những thanh sắt đan vào nhau để đổ rác lên trên; mái che bằng tấm lợp fibroximăng, tổng chi phí xây 1 lò đốt khoảng 700.000 - 800.000 đồng. Tùy lượng rác mà xây lò, không nhất thiết hộ nào cũng xây, mà có thể 2-3 hộ ở gần nhau xây một chiếc, sử dụng chung; rác thải được phân loại sau đó bỏ vào lò từ 3-5 ngày đốt một lần, có lò đốt, tình trạng vứt rác xuống kênh, mương đã được khắc phục.

Việc xây dựng mô hình lò đốt rác mini đơn giản, dễ thực hiện, không tốn diện tích, xử lý tại chỗ rác thải sinh hoạt của khu dân cư; tạo ý thức, thói quen phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại chỗ đối với người dân; đặc biệt, lượng khí thải khi đốt không phát tán ra khu dân cư nên nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Chị Hà Thị Hương, bản Văng Lùng bảo, ngày trước gia đình chị thường tập trung rác thải về khoảnh đất trống sau vườn để đốt. Song, cách làm này chỉ có thể áp dụng vào mùa nắng, còn mùa mưa rất bất tiện. Từ khi xã xây dựng các lò đốt rác này, tất cả rác thải sinh hoạt trong gia đình đều được thu gom và phân loại, mỗi tuần đốt 1-2 lần. Do lò thiết kế tiện lợi, nên khi đốt rác chỉ khoảng 10-15 phút là cháy hết, rất nhanh, lại đảm bảo vệ sinh môi trường. Chung suy nghĩ, bà Hà Thị Đón, cùng ở bản rất phấn khởi: Khi chưa có các lò đốt rác, mỗi ngày đi chợ về, các túi nilon đựng thức ăn dùng xong, tôi thường tiện tay vứt ra vườn. Tuy gia đình cũng đào hố chôn lấp rác trong vườn nhưng rác thải sinh hoạt không thể được xử lý triệt để. Từ ngày xây lò đốt rác thải mini, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, nhà cửa sạch sẽ, tro đốt rác và phụ phẩm từ rau, củ, quả được tận dụng ủ làm phân bón cho cây trồng.

Qua quá trình áp dụng thực tế, mô hình lò đốt rác mini của Hội LHPN xã Chiềng Hặc bước đầu đã phát huy tốt hiệu quả, giải quyết cơ bản lượng rác thải ngay tại gia đình, dần hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần vào việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới