Hiệu quả từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

“28 sản phẩm tham gia được đánh giá xếp hạng 3 và 4 sao; tổ chức điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh; tham gia trưng bày, giới thiệu tại nhiều gian hàng trong và ngoài tỉnh; khẳng định thương hiệu trên toàn quốc, được thị trường chấp nhận” - đó là những kết quả của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP tỉnh Sơn La năm 2019.

Các đại biểu tham quan sản phẩm điểm OCOP tỉnh Sơn La năm 2019.

Được đánh giá có nhiều lợi thế khi triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Sơn La hiện có gần 200 sản phẩm có giá trị kinh tế, thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP trong tương lai gần. Đặc biệt, những sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền của tỉnh ta khá phong phú về chủng loại, với các nhóm chính: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm, dịch vụ nông thôn...

Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá cơ hội mang lại từ chương trình này, tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng Đề án mỗi xã một sản phẩm; kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ được phân công của các sở, ngành, đơn vị liên quan và các huyện, thành phố trong tỉnh. Cùng với đó, giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch; hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; tổng hợp các đề xuất đặt hàng khoa học và công nghệ hàng năm, liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt. Các huyện, thành phố khảo sát, lựa chọn các sản phẩm nông sản đặc trưng, có lợi thế để đưa vào đề án chung của tỉnh. Nhiều địa phương đã chủ động mời chuyên gia tư vấn về nội dung, ý nghĩa, tiến trình thực hiện chương trình OCOP phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế; tuyên truyền, hướng dẫn các xã lựa chọn, đăng ký các sản phẩm thế mạnh, có thể tham gia chương trình OCOP.

Trước đây, nhiều sản phẩm có thương hiệu nhưng khó lên kệ hàng ở các siêu thị. Ví dụ sản phẩm mật ong Sơn La, mặc dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể từ năm 2014, song sản phẩm mật ong vẫn chủ yếu phân phối qua các kênh bán hàng truyền thống. Nhưng sau khi được lựa chọn là một trong 20 sản phẩm điểm OCOP của tỉnh, mật ong của gia đình ông Hồ Văn Sâm ở xã Chiềng Mung (Mai Sơn) được hỗ trợ mẫu bao bì, hộp đóng gói đẹp mắt, hoàn thiện quy trình đóng chai đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm mật ong đã được quảng bá, giới thiệu rộng rãi, thu hút khách hàng. Ông Sâm chia sẻ: Tham gia chương trình OCOP, ngoài việc được hỗ trợ về mẫu mã, bao bì sản phẩm, sản phẩm mật ong của gia đình còn được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, tạo được uy tín trên thị trường, sản phẩm mật ong của gia đình tôi đã được nhiều siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh bày bán.

Còn đối sản phẩm tinh dầu sả Java của HTX tinh dầu dược liệu Mường La (xã Pi Toong, huyện Mường La), việc được lựa chọn làm sản phẩm điểm tham gia chương trình OCOP được ví như “bà đỡ” khi sản phẩm vừa mới bước chân vào thị trường, nhất là đã có nhiều loại sản phẩm tinh dầu sả. Tham gia các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh là cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của HTX đến người tiêu dùng.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được các huyện, thành phố coi như một “cú huých” để xây dựng sản phẩm có thương hiệu một cách bài bản và bền vững. Huyện Mộc Châu có tới 12 sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh năm 2019. Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu Phạm Đức Chính cho biết: Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát các sản phẩm tiêu biểu; tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn hướng dẫn nội dung chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình; sau khi lựa chọn được các sản phẩm tham gia OCOP cấp tỉnh, huyện Mộc Châu phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, xây dựng dữ liệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí là chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh về thương mại, thế mạnh của HTX, doanh nghiệp, đáp ứng những yêu cầu khắt khe mà OCOP đưa ra. Những sản phẩm OCOP đã có đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tạo thêm tính da dạng cho danh sách các nông sản đặc trưng của huyện.

Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 (Mộc Châu) giới thiệu 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, gồm: Mận sấy mật ong, mận sấy gừng, mận sấy thảo dược và 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao: Rượu mận, rượu mơ, rượu trưởng bản. Ông Thịnh khẳng định, tham dự chương trình OCOP là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm của HTX, tạo thêm nguồn sinh kế cho hội viên tham gia HTX. Sản phẩm của HTX hiện nay cũng đã có chỗ đứng trên thị trường, HTX rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ trong tổ chức quản lý HTX, mở rộng, tạo vùng nguồn nguyên liệu để sản xuất bền vững.

Tại huyện Quỳnh Nhai, ngay từ đầu năm 2019, huyện đã đưa vào hoạt động Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm nông, thủy sản thương hiệu Quỳnh Nhai. Được bố trí bên trong tòa nhà của Trung tâm Văn hóa huyện, các gian hàng, sản phẩm trưng bày, quảng bá đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, du khách và các doanh nghiệp đến tham quan, tìm hiểu và mua sản phẩm. Việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại của huyện đã góp phần khai thác tốt các tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân, gắn phát triển các sản phẩm OCOP với phát triển du lịch.

Có thể nhận thấy, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được tỉnh ta quan tâm, chú trọng. Ngay sau khi các sản phẩm OCOP của tỉnh được đánh giá xếp hạng, tỉnh ta đã khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La tại Trang trại du lịch bò sữa Dairy Farrm ở thị trấn Nông trường Mộc Châu. Việc này được đánh giá là phù hợp khi Mộc Châu là khu du lịch Quốc gia, lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm lớn sẽ là kênh quảng bá mạnh mẽ, đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh đến với nhiều du khách, bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, đây cũng là nơi để người dân và nhà sản xuất trên địa bàn tỉnh Sơn La giới thiệu, phân phối các sản phẩm nông sản của địa phương trong chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và nâng cao thu nhập của nông dân; tạo đà để người dân vùng nông thôn tập trung phát triển và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm mà mình tạo ra.

Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Tiềm năng của Sơn La rất lớn. Thực hiện chương trình xây dựng sản phẩm OCOP giúp phát triển mạnh mẽ thương hiệu sản phẩm địa phương; đem đến tiềm năng, lợi thế cho ngành du lịch, trong đó có du lịch canh nông; nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, ổn định phát triển kinh tế - xã hội từng vùng, từng huyện, xã. 20 sản phẩm điểm OCOP được đánh giá năm nay đã xây dựng được thương hiệu trên toàn quốc và được nhiều doanh nghiệp, đơn vị, công ty du lịch lựa chọn ký kết hợp đồng tiêu thụ. Sở đang tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm điểm OCOP của những năm tiếp theo, chỉ đạo các huyện, thành phố, các xã tiếp tục rà soát, đánh giá, giới thiệu sản phẩm để xây dựng sản phẩm OCOP; tạo điều kiện cho các tổ chức nông hộ, HTX trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, việc triển khai có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới