Hiệu quả công trình cấp nước sinh hoạt liên bản xã Vân Hồ

Hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2015, đến nay, công trình cấp nước sinh hoạt liên bản xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ đã và đang phát huy hiệu quả, cung cấp nguồn nước sạch sinh hoạt ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

 

Cán bộ Trạm cấp nước bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (Vân Hồ) kiểm tra hệ thống cấp nước.

Là xã trung tâm của huyện Vân Hồ, với 15 bản và tiểu khu, trên 2.000 hộ dân sinh sống, trên địa bàn xã Vân Hồ trước đây đã có một số công trình cấp nước sinh hoạt nhưng không phát huy hiệu quả và đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân. Hầu hết, người dân nơi đây vẫn sử dụng nguồn nước mưa, nước mó, giếng khoan mạch nông, khai thác tầng nước mặt nên chất lượng nước không đảm bảo. Đặc biệt, vào mùa khô, nguồn nước cạn kiệt, người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trước thực trạng đó, năm 2015, công trình cấp nước liên bản xã Vân Hồ được xây dựng do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn làm chủ đầu tư. Công trình được xây trên diện tích 500 m2, công suất thiết kế 32 m3/giờ, cung cấp nước sinh hoạt cho 730 hộ dân của các bản: Bó Nhàng 1, Bó Nhàng 2, Pa Chè 1, Pa Chè 2, Hua Tạt. Từ khi công trình đi vào hoạt động, hàng trăm hộ dân ở các bản và khu vực trung tâm xã Vân Hồ đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, không còn cảnh thiếu nước vào mùa khô.

Thực tế cho thấy, nhiều công trình cấp nước tập trung sau khi được Nhà nước đầu tư, chuyển giao cho chính quyền địa phương, người dân quản lý bị xuống cấp nhanh chóng, không phát huy hiệu quả. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để công trình cấp nước liên bản xã Vân Hồ duy trì hoạt động, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân. Trước yêu cầu đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã giao cho Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thái Sơn quản lý, vận hành công trình cấp nước liên bản xã Vân Hồ. Đến nay, sau hơn 2 năm giao cho doanh nghiệp quản lý, công trình đã phát huy hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân xã Vân Hồ. Anh Cà Văn In, cán bộ quản lý Trạm cấp nước bản Hua Tạt, thuộc công trình cấp nước sinh hoạt liên bản xã Vân Hồ, thông tin: Từ khi nhận bàn giao quản lý và vận hành đến nay, công trình luôn phát huy hiệu quả, đảm bảo cấp nước cho trên 400 hộ dân trong khu vực. Cán bộ kỹ thuật thuộc công trình cấp nước của xã thường xuyên theo dõi định kỳ hằng tháng, có kế hoạch sửa chữa những đoạn ống dẫn hoạt động kém chất lượng, đảm bảo cung cấp nguồn nước chất lượng cho người dân.

Ghé thăm gia đình anh Lầu A Chư ở bản Bó Nhàng 1, xã Vân Hồ khi gia đình anh đang chuẩn bị bữa tối, không còn phải sống trong cảnh thiếu nước sạch như trước đây, anh Chư phấn khởi, nói: Từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh, gia đình tôi đã có nước sạch dùng hằng ngày, không lo bị một số bệnh ngoài da như trước kia. Gia đình còn mua thùng đựng nước, lắp vòi nước để dự trữ nước và thuận tiện cho việc sử dụng, tôi vẫn luôn nhắc nhở các thành viên trong gia đình sử dụng nước tiết kiệm.

Theo số liệu của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, bằng nhiều chương trình, dự án và các nguồn vốn, như: Ngân sách Nhà nước, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhân dân đóng góp... đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư được 1.602 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sinh hoạt cho hơn 800 nghìn người dân vùng nông thôn. Công tác quản lý sau đầu tư được quan tâm, có 1.537 công trình do cộng đồng quản lý, 35 công trình do HTX quản lý, 18 công trình do đơn vị sự nghiệp quản lý, 9 công trình do doanh nghiệp quản lý và 3 công trình do tư nhân quản lý. Tuy nhiên, trong tổng số 1.537 công trình do cộng đồng quản lý có trên 36% công trình không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Phần lớn các công trình cấp nước tập trung nông thôn do cộng đồng quản lý không thu được phí sử dụng nước, hoặc thu ở mức thấp, thu không đủ chi, khó khăn trong việc quản lý, vận hành. Việc giao cho doanh nghiệp quản lý như công trình cấp nước sinh hoạt liên bản xã Vân Hồ là một hình thức để quản lý, vận hành, khai thác sau đầu tư một cách hiệu quả đối với các công trình nước sạch.

Để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 65% đạt quy chuẩn kỹ thuật QC-02/BYT, cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân vùng nông thôn, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cũng cần chú trọng công tác quản lý sau đầu tư để các công trình phát huy hiệu quả thiết thực... Đồng thời, quan tâm đến việc kiểm nghiệm chất lượng nước và bảo dưỡng các công trình, góp phần nâng cho chất lượng cuộc sống cho người dân.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới