Hiệu quả chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn

Trong những năm qua, việc nâng tỷ lệ hộ dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt Quy chuẩn Việt Nam 02:2009 của Bộ Y tế là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh ta, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, nhất là vùng nông thôn, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Người dân xã Mường É (Thuận Châu) được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.                 
Ảnh: Nguyễn Thảo

Hiện nay, các công trình cấp nước tập trung nông thôn ngày càng được mở rộng, giúp người dân có cơ hội tiếp cận nước an toàn. Tuy nhiên, nhiều công trình cấp nước chưa ổn định, công tác khai thác quản lý vận hành đang gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hết hiệu quả, dẫn đến tỷ lệ lớn người dân, nhất là những người dân vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ cấp nước. Để tăng cường tiếp cận nước sạch cho khu vực nông thôn và người nghèo, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Chương trình mở rộng qui mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả tại 21 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên  - Nam Trung Bộ giai đoạn 2016-2020. Trong đó, Sơn La được triển khai thực hiện chương trình, với mục tiêu là tăng cường khả năng tiếp cận bền vững với các dịch vụ cấp nước và vệ sinh môi trường, đồng thời cải thiện hoạt động lập kế hoạch, giám sát, đánh giá của các tỉnh tham gia chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Trung tâm Nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn là Văn phòng thường trực, phụ trách thực hiện tiểu hợp phần cấp nước của chương trình. Kế hoạch giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta sẽ sửa chữa, mở rộng 18 công trình và xây dựng mới 3 công trình cấp nước tập trung; tổng vốn được giao 166.580,5 triệu đồng; mục tiêu 13.400 đấu nối cấp nước (khoảng 56.000 người sử dụng). Đến nay, Trung tâm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 12 công trình (khối lượng đấu nối đã được kiểm đếm là 7.196, ước khối lượng thực hiện năm 2019 là 7.960 đấu nối, kế hoạch năm 2020 là 1.830 đấu nối); tổng vốn được giao đến năm 2019 là 71.963,1 triệu đồng, hiện đã giải ngân 67.115,6 triệu đồng, bằng 93,3%.

Ông Nguyễn Tường Thuật, Giám đốc Trung tâm Nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn, cho biết: Mặc dù trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tiếp cận phương pháp quản lý mới của Ngân hàng thế giới, nhưng Trung tâm đã nỗ lực triển khai thực hiện và thu được kết quả đáng khích lệ; số người dân khu vực nông thôn tại những nơi có dự án được tiếp cận với nước sạch tăng lên rất nhanh. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác thi công, đấu nối cấp nước sinh hoạt cho người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí 17.1 trong xây dựng nông thôn mới cho các xã hưởng lợi từ dự án.

Bên cạnh đó, Trung tâm luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi hành vi của người dân trong việc dùng nước; nâng cao tỷ lệ đấu nối và sử dụng nước của các hộ gia đình qua các buổi họp dân, tập huấn, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Năm 2019, Trung tâm phối hợp với UBND các xã: Huy Tường, Huy Hạ (Phù Yên), Chiềng La (Thuận Châu), Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai), Chiềng Khoa (Vân Hồ), Chiềng Sơn, Phiêng Luông, Đông Sang (Mộc Châu), Chiềng Pằn (Yên Châu), Chiềng Sung (Mai Sơn) thành lập tổ truyền thông tuyên truyền về nước sạch; thành viên của tổ gồm các trưởng bản, hội phụ nữ các bản hưởng lợi từ công trình cấp nước và cán bộ phụ trách của xã tham gia. Đồng thời, Trung tâm đã cấp tài liệu, tập huấn cho các thành viên trong tổ tuyên truyền; tổ chức 30 cuộc tuyên truyền đến hàng trăm người dân; tổ chức 4 hội nghị tập huấn cho 164 cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã về Sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình và các vấn đề về dân tộc thiểu số trong thực hiện chương trình; mở 4 lớp  hướng dẫn vận hành và quản lý công trình cấp nước dựa vào cộng đồng cho gần 164 cán bộ cấp xã...

 Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế - xã hội, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân, tăng cơ hội được tiếp cận với nước sạch của người dân... Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng trong triển khai thực hiện, nhằm quản lý tốt công trình sau đầu tư, đảm bảo hiệu quả sử dụng lâu dài, bền vững.

Lường Quỳnh (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới