Hệ lụy từ phát triển “nóng” phòng trọ sinh viên

Cách đây gần chục năm, nhiều hộ dân ở bản Dửn, xã Chiềng Ngần và tổ 2, phường Quyết Tâm (Thành phố) và nhiều người dân ở các huyện trong tỉnh đua nhau đầu tư xây dựng những dãy nhà trọ quanh Trường Đại học Tây Bắc. Tuy nhiên, cũng do đầu tư ồ ạt nên hiện nay tại các khu trọ này nảy sinh nhiều vấn đề, lượng sinh viên giảm (thời kỳ cao điểm, Trường Đại học Tây Bắc có tới hơn 9.000 sinh viên, nhưng vài năm nay trở lại đây chỉ duy trì ở mức trên dưới 3.000 sinh viên), không chỉ kéo theo sự lãng phí trong đầu tư xây dựng phòng trọ mà còn phát sinh tệ nạn xã hội, mất ANTT trên địa bàn.

Một dãy nhà trọ ở bản Dửn, xã Chiềng Ngần không có khách thuê, bị bỏ hoang.

Phòng trọ ế ẩm

Chúng tôi đến Trường Đại học Tây Bắc vào buổi trưa, con đường vào trường khá vắng vẻ, khác hẳn cách đây vài năm trước, thời điểm này đang là giờ tan học, tại các quán phục vụ ăn uống, quán nước, sinh viên tấp nập ra vào mua sắm, không khí ồn ào, nhộn nhịp..., nay nhiều quán kinh doanh đóng cửa, thưa thớt sinh viên. Đối diện cổng trường là khu dân cư tổ 2, phường Quyết Tâm (Thành phố) có 600 phòng trọ cho thuê. Gia đình bà Đỗ Thị Hon, một trong những chủ nhà trọ có số lượng lớn phòng cho thuê, dẫn chúng tôi đi xem phòng trọ ngay bên cạnh nhà, còn khá nhiều phòng bỏ trống đã bị xuống cấp, bà Hon thở dài: Cách đây 10 năm, biết nhu cầu thuê trọ lớn của sinh viên Trường Đại học Tây Bắc, tôi và các con tôi đều đầu tư xây phòng trọ (cả khép kín lẫn không khép kín). Tính ra, cả gia đình tôi có hơn 100 phòng trọ xung quanh Trường, phòng khép kín thì giá 800-900.000 đồng/tháng; phòng không khép kín 350.000 - 400.000 đồng/tháng, hợp đồng thuê phòng cả năm, có lúc còn không đủ phòng cho sinh viên thuê. Vài năm gần đây, lượng sinh viên giảm, giờ cả trăm phòng trọ chỉ còn hơn 30 phòng có người thuê ở, tôi đã phải hạ giá kỷ lục từ 200.000 - 300.000 đồng cho mỗi phòng mà cũng không có người đến thuê, giờ bỏ không.

Rời nhà bà Hon, chúng tôi men theo con đường đi vào khu dân cư của tổ, cách cổng trường tầm 200 mét, ngay mặt đường là 2 khu dãy nhà trọ sát nhau, phía bên ngoài cỏ mọc um tùm quanh căn nhà như bị bỏ hoang từ lâu, tất cả các phòng hầu như không khóa cửa, trong phòng nhiều rác rưởi do người đến thuê trước để lại, phòng nào cũng bốc mùi ẩm mốc; có phòng còn vương vãi trên sàn nhà mảnh giấy bạc cháy do đối tượng nghiện ma túy sử dụng...

Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi đến bản Dửn, xã Chiềng Ngần, cách cổng Trường Đại học Tây Bắc chưa đến 100m, đây là khu vực có số lượng phòng thuê trọ lớn nhất quanh trường. Từ cổng trào của bản đi vào, hai bên đường, nhà nào quanh khu vực này cũng có phòng trọ. Hỏi chuyện ông Hoàng Văn Toàn, công an viên của bản, cũng là một chủ cho thuê trọ, ông chia sẻ: Gia đình tôi có 58 phòng trọ cho thuê, trước đây dãy trọ nhộn nhịp lắm, thậm chí phải đặt cọc trước mới có phòng để ở. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, trường không có sinh viên học nhiều như trước, số người thuê trọ giảm hẳn. Bây giờ, mới có 13 phòng có người thuê ở cả sinh viên lẫn lao động tự do. Buồn nhất là thời điểm đó, gia đình tôi đã dồn hết tiền của, vay ngân hàng đầu tư hơn 600 triệu xây phòng trọ, chưa kịp thu hồi vốn thì 4 - 5 năm nay đã không còn nhiều người thuê. Giờ, không riêng gì gia đình tôi mà nhiều nhà trọ quanh đây đành bỏ hoang, thành chỗ để đồ, rồi cho gà “trọ”, chim “trọ”. Để chứng minh sự “đìu hiu” của các phòng trọ, ông Toàn dẫn chúng tôi đi xem những dãy phòng trọ cho thuê trong bản, đến đâu cũng thấy tấm biển ghi “Cho thuê phòng giá rẻ” mà khách thuê vắng bóng. Đưa tay chỉ vào khu nhà trọ đề dòng chữ “Nhà trọ Lộc Sơn 2” đang bỏ không, cổng vào khoá kín, bên trong cây dại mọc um tùm, ông bảo: Đây là một trong những dãy nhà chủ trọ không quản lý, khi không có khách trọ, đành khóa cửa bỏ hoang; một số chủ trọ tránh cảnh bỏ không, phòng trọ nhanh xuống cấp nên đã cho sinh viên ở không lấy tiền.

Theo ông Tòng Văn Tiên, Bí thư Chi bộ bản Dửn, cả bản có 162 hộ, thì 72 gia đình kinh doanh nhà trọ với hơn 1.200 phòng, lúc cao điểm có tới hơn 3.000 người đến thuê. 5 năm trở lại đây, những dãy nhà trọ này lâm vào cảnh ế ẩm, nguyên nhân chính là do số lượng sinh viên theo học tại Trường Đại học Tây Bắc giảm, vì đây là khách hàng chủ yếu của các dãy nhà trọ. Tính theo đăng ký tạm trú, cả bản chỉ còn 260 phòng trọ có người thuê ở, những phòng không ai thuê, người dân tiếc nuối đành phải tận dụng  làm nơi chăn nuôi, số khác đành bỏ hoang hoặc làm nơi chứa đồ.

Nỗi lo từ các khu trọ tự quản 

Qua tìm hiểu, thời gian gần đây, các khu trọ tự quản ở bản Dửn xảy ra nhiều vụ việc gây mất an ninh trật tự liên quan đến tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản... Ông Bí thư Chi bộ bản Dửn nói thêm: Cùng đợt “nóng” xây nhà trọ, hơn 30 hộ dân ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu cũng tìm về đây mua đất, đầu tư tiền của xây hơn 500 phòng trọ (hiện hơn 300 phòng có người thuê ở). Hằng tháng, hằng quý họ chỉ đến thu tiền rồi lại đi, nên bản rất khó quản lý vì họ không đăng ký tạm trú, đăng ký hộ khẩu tại bản. Cũng vì lý do đó đã xảy ra nhiều vụ mất ANTT, đặc biệt là tại các nhà thuê trọ làm quán ăn đêm. Không ít đêm, cứ khoảng 22h30 đến 1 giờ sáng, vẫn còn có những tốp khách gây gổ, cãi vã nhau từ trong quán ăn do đã uống nhiều rượu, bia; hát karaoke gây mất trật tự an ninh khu dân cư, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh.

Theo ông Cà Văn Hoa, Trưởng Công an xã Chiềng Ngần, nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do các nhà cho thuê riêng biệt, chủ nhà ở nơi khác không trực tiếp giám sát người trọ nên tình hình an ninh khá phức tạp. Các đối tượng đến thuê trọ chủ yếu là người các huyện, tỉnh ngoài đến thuê mở quán ăn, lao động tự do và còn có cả đối tượng trong ổ nhóm tội phạm, côn đồ. Người đến thuê trọ thường xuyên có sự biến động; lại thêm nhiều đối tượng không khai báo với công an xã khi đến thuê trọ ngắn ngày, lực lượng chức năng rất khó kiểm soát, quản lý. Công an xã đang phối hợp với Tổ công tác liên ngành của Công an Thành phố đồng loạt kiểm tra các hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ internet, karaoke, kiểm tra tạm trú, rà soát, xử lý đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật cư trú trên địa bàn; đề nghị cấp ủy chính quyền xã đưa bản Dửn vào địa bàn chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT trong năm 2020; yêu cầu các chủ trọ là người trên địa bàn và những chủ trọ không có hộ khẩu thường trú ký cam kết đảm bảo ANTT và ban hành các nội quy ở phòng trọ để người thuê trọ nắm được nội quy phòng ngừa vi phạm.

Thực tế, từ việc phát triển dịch vụ cho thuê trọ ồ ạt đã phát sinh nhiều hệ lụy, hàng trăm phòng trọ bỏ hoang đang là một sự lãng phí lớn; nhiều chủ trọ thiếu trách nhiệm dẫn tới khó quản lý đối tượng thuê làm mất ANTT. Thiết nghĩ, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các chủ hộ tham gia làm dịch vụ và cả người thuê nhà trọ; chính quyền cơ sở, các đoàn thể, tổ, bản và từng hộ dân sống trên địa bàn cùng tham gia vào công tác giữ gìn ANTT; các lực lượng chức năng tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, siết chặt hoạt động đăng ký tạm trú, tạm vắng nhằm kiềm chế, giảm thiểu phức tạp về tệ nạn xã hội tại các khu nhà trọ.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới