Hạn chế ô nhiễm môi trường từ chế biến cà phê

Theo thống kê, đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 17.128 ha cây cà phê, tập trung ở Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố..., sản lượng khoảng 22.680 tấn quả tươi/năm. Loại cây trồng này đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê đang ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân.

 

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường,

hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường cho các hộ sơ chế cà phê tại xã Chiềng Mung (Mai Sơn).

              Ảnh: Văn Tiến (Sở TN&MT)

Qua rà soát của cơ quan chuyên môn, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường từ chế biến cà phê là do các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê tự phát, nhỏ lẻ, phân tán, thiếu công nghệ xử lý chất thải, nước thải theo quy chuẩn; ý thức bảo vệ môi trường của các hộ, các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê còn hạn chế, thường xả thải trực tiếp ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí... Đến thời điểm hiện tại, hệ thống xử lý chất thải của các cơ sở chế biến cà phê quy mô hộ gia đình không bảo đảm; cơ quan chuyên môn cũng chưa nhận được hồ sơ đề nghị đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường đối với hoạt động chế biến cà phê quy mô hộ gia đình, bởi chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải vượt quá khả năng của gia đình.

Thực hiện Công văn số 1539/UBND-KT ngày 14/5/2019 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý môi trường đối với các tổ chức, cá nhân sơ chế, chế biến nông sản năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhân dân, nhất là các hộ, các cơ sở tham gia sơ chế, chế biến cà phê. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến cà phê; Sở đã ban hành Kế hoạch số 666/KH-STNMT tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường; hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường đối với các hộ gia đình sơ chế, chế biến cà phê. Theo đó, trong tháng 7, đã phối hợp với UBND các huyện Thuận Châu, Mai Sơn và Thành phố tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; hướng dẫn xử lý nước thải, chất thải rắn từ hoạt động sơ chế, chế biến cà phê quy mô hộ gia đình cho cán bộ địa chính, trưởng bản, tiểu khu trưởng, các hộ, các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê bằng phương pháp ướt...; phát 1.000 phiếu khảo sát, điều tra tại các xã trồng cây cà phê để thu thập thông tin về diện tích, khu vực chế biến, công suất chế biến cà phê... của các hộ gia đình bằng phương pháp ướt; hướng dẫn các hộ gia đình quy trình xử lý nước thải, chất thải rắn từ hoạt động sơ chế, chế biến cà phê. Đặc biệt, Sở đã tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 3 cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, gồm: Xưởng chế biến cà phê Cát Quế tại bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu); Xưởng chế biến cà phê Mường Chanh của HTX xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh và Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê (giai đoạn 1) của Công ty CP cà phê Phúc Sinh Sơn La. Tuy nhiên, các dự án này vẫn chưa đủ điều kiện để được xác nhận hoàn thành công trình xử lý chất thải, do chưa tiến hành vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải; hoặc xây dựng công trình xử lý chất thải chưa đúng với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở khẩn trương hoàn thiện công trình xử lý chất thải trước khi vận hành chính thức niên vụ chế biến cà phê năm nay.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng đã ban hành Hướng dẫn số 204/HD-STNMT về quy trình ủ vỏ cà phê làm phân hữu cơ và xử lý nước thải sơ chế cà phê theo hướng tái sử dụng chất thải đối với cơ sở sơ chế cà phê quy mô hộ gia đình, giúp tận dụng vỏ cà phê, nước thải làm phân bón, tưới tiêu, cải thiện độ xốp, độ phì nhiêu của đất, giúp giảm chi phí đầu tư sản xuất, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.

Niên vụ chế biến cà phê đang đến gần, thiết nghĩ các cấp, các ngành chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cũng như hướng dẫn các cơ sở thực hiện sơ chế, chế biến cà phê khẩn trương xây dựng, hoàn thiện công trình xử lý chất thải. Đồng thời, rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở chế biến cà phê không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường...

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới