Góp phần nâng tầm đối ngoại đa phương của đất nước

LTS-Nhân dịp Việt Nam vừa kết thúc thành công nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) năm 2020-2021, Bộ trưởng Ngoại giao BÙI THANH SƠN có bài trả lời phỏng vấn báo chí về dấu ấn của Việt Nam trong nhiệm kỳ và những kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung bài trả lời phỏng vấn.

Lễ hạ cờ kết thúc nhiệm kỳ của 5 nước Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, trong đó có Việt Nam.

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của công tác đối ngoại đa phương kể từ sau khi Ban Bí thư khóa XII ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư khóa XII là văn kiện đầu tiên của Đảng ta về đối ngoại đa phương, đánh dấu mốc quan trọng về tư duy và thực tiễn đối ngoại đa phương, chuyển từ tham gia sang chủ động, tích cực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước. Chủ trương, định hướng đúng đắn này được kế thừa, khái quát và phát triển trong đường lối đối ngoại đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.

Trong hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 25, đối ngoại đa phương đã được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và ghi nhiều dấu ấn quan trọng. Đó là, chúng ta đã hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế như Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch ASEAN năm 2020, tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn như Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN năm 2018, Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ-Triều Tiên năm 2019, tiếp tục đóng góp tích cực vào tất cả diễn đàn đa phương quan trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam trúng cử với số phiếu cao vào nhiều tổ chức, cơ quan có uy tín của LHQ như Ủy ban Luật pháp quốc tế, Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, Hội đồng Chấp hành UNESCO, Hội đồng Khai thác bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới...

Những kết quả nổi bật nêu trên đã đóng góp vào thành tựu chung của đối ngoại Việt Nam sau 35 năm đổi mới, góp phần tạo lập vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày nay, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đồng thời mở rộng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới của nước ta.

Phóng viên: Xin Bộ trưởng đánh giá về những thành công Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Trong nhiệm kỳ Việt Nam đảm nhiệm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, thế giới và khu vực trải qua nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhất là sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, quán triệt, triển khai mạnh mẽ và hiệu quả chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương, chúng ta đã nỗ lực với quyết tâm cao, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách để có một nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ rất thành công, với nhiều dấu ấn quan trọng.

Thứ nhất, quá trình tham gia HĐBA, đặc biệt là sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một đất nước Việt Nam đổi mới, chuyển mình, từ một nước nhận hỗ trợ trở thành một đối tác quan trọng, đóng góp tích cực tại LHQ và trong công việc chung của cộng đồng quốc tế. Chúng ta đã tham gia cơ chế đa phương có tầm quan trọng hàng đầu này với tâm thế mới, có năng lực, bản lĩnh và bản sắc riêng, có tầm nhìn chiến lược về thế giới và khu vực, có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa.

Thứ hai, chúng ta tham gia đóng góp thực chất, thiết thực vào công việc chung của HĐBA, thể hiện qua việc đã tham gia bàn thảo, tìm giải pháp cho tất cả vấn đề trong chương trình nghị sự HĐBA ở tất cả các khu vực, từ các xung đột ở châu Phi tới khủng hoảng nhân đạo ở Trung Đông, cũng như các chủ đề quan trọng như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang, an ninh biển, biến đổi khí hậu, ứng phó đại dịch...

Xuyên suốt trong quá trình đó là hình ảnh Việt Nam với tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm, kiên trì lập trường nhất quán tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nhất là tôn trọng độc lập, chủ quyền, nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ, giải quyết hòa bình tranh chấp..., đồng thời có cách thức giải quyết có lý, có tình, đầy tinh thần trách nhiệm và giàu tính nhân văn, linh hoạt, cân bằng trong ứng xử, luôn nỗ lực tìm kiếm và tạo dựng đồng thuận, tạo không khí thuận lợi cho trao đổi tại HĐBA.

Thứ ba, chúng ta đã tạo dấu ấn với cách tiếp cận tổng thể đối với các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như tinh thần nhân văn, hướng tới người dân, xuất phát từ chính những kinh nghiệm của Việt Nam đã từng trải qua nhiều năm chiến tranh, xung đột. Điều đó được thể hiện qua những sự kiện và văn kiện chúng ta đề xuất với những chủ đề rất có ý nghĩa, xuất phát từ lợi ích của Việt Nam nhưng cũng rất phù hợp sự quan tâm và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Đó là về vai trò các tổ chức khu vực trong phòng ngừa xung đột và xây dựng lòng tin, về thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, về khắc phục hậu quả bom mìn hay về bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang. Những đề xuất của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng rất lớn của các nước thành viên LHQ.

Phiên thảo luận mở về Hiến chương LHQ tổ chức tháng 1/2020 nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ có sự tham dự và phát biểu của 110 đại diện các nước, các tổ chức, một con số kỷ lục đối với một cuộc họp của HĐBA. Nghị quyết do Việt Nam đề xuất về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với người dân là một trong số hiếm hoi (chỉ khoảng 1%) các Nghị quyết được tất cả 15 nước thành viên HĐBA đồng bảo trợ.

Cùng với các hoạt động đối ngoại quan trọng khác, việc đảm nhận trọng trách Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ góp phần củng cố cục diện đối ngoại ổn định, thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với nhiều đối tác quan trọng, nhất là các nước Ủy viên HĐBA LHQ. Chúng ta cũng khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam với tư cách là bạn bè thủy chung, đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhận được sự đồng tình và ủng hộ của tất cả các nước trong HĐBA LHQ và bạn bè quốc tế.

Những thành công và dấu ấn của Việt Nam tại HĐBA góp phần quan trọng khẳng định chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương của Đảng và Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn, củng cố nền tảng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chủ trương này trong giai đoạn mới. Qua thành công của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA cùng với các thành tựu đối ngoại quan trọng khác, nhân dân ta ngày càng tin tưởng vững chắc vào đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước; cộng đồng quốc tế ngày càng tín nhiệm và kỳ vọng Việt Nam tiếp tục đóng góp quan trọng hơn vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Phóng viên: Theo Bộ trưởng, những thành công này có được là nhờ nguyên nhân gì? Chúng ta rút ra được bài học gì cho triển khai đối ngoại đa phương trong thời gian tới?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Thành công của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ vừa qua là sự tổng hòa của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Trước hết, đó là nhờ chúng ta kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phát huy hiệu quả thế và lực mới của đất nước ta sau 35 năm đổi mới; kinh nghiệm tích lũy từ nhiệm kỳ HĐBA LHQ 2008-2009 và tham gia các diễn đàn đa phương quan trọng khác; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và tích cực tham gia của các bộ, ngành trong Tổ công tác liên ngành về HĐBA LHQ và các tổ chức trong hệ thống chính trị; sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế, nhất là các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Bên cạnh đó, các cơ quan đối ngoại, trong đó ngành Ngoại giao đóng vai trò nòng cốt, đã chủ động, tích cực theo dõi sát tình hình, tham mưu, chuẩn bị kỹ lưỡng từng quyết sách, kế hoạch, lộ trình và bước đi cụ thể, nhất là trong việc đề xuất các sáng kiến, giải pháp xử lý các vấn đề quốc tế phức tạp trong HĐBA LHQ.

Việc đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ trong hai năm qua cũng như cả chặng đường dài hơn, từ nghiên cứu, tham mưu, quyết định ứng cử đến vận động, chuẩn bị và tham gia HĐBA LHQ, đã để lại cho chúng ta nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu.

Một là, bài học về xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và đoàn kết, hợp tác quốc tế, giữa lợi ích quốc gia-dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Lợi ích quốc gia-dân tộc của chúng ta là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển, hoàn toàn phù hợp lợi ích chung và nguyện vọng của các quốc gia, dân tộc trên thế giới là giữ vững hòa bình, thúc đẩy hợp tác cùng phát triển. Trong tất cả vấn đề quốc tế tại HĐBA LHQ, nhất là những vấn đề nhiều nước có ý kiến khác nhau, chúng ta luôn kiên định độc lập, tự chủ vì lợi ích quốc gia-dân tộc, đồng thời tích cực đóng góp có trách nhiệm vào thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế, tôn trọng luật pháp quốc tế vì mục tiêu chung là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Hai là, bài học về phát huy truyền thống ngoại giao hòa hiếu, hào khí và giàu tính nhân văn của dân tộc và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Chúng ta luôn kiên định nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, nhưng mềm dẻo, linh hoạt, có lý, có tình trong sách lược, tuỳ từng vấn đề, thời điểm và đối tác với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta luôn xuất phát từ lợi ích chung của quốc tế, phát huy tối đa điểm đồng, xử lý hài hòa quan tâm của các nước liên quan trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi trong các vấn đề nghị sự tại HĐBA LHQ như gìn giữ hòa bình, tái thiết sau xung đột, phòng, chống dịch bệnh, phát triển bền vững…

Ba là, bài học về kết hợp nhuần nhuyễn giữa thế và lực, giữa đa phương và song phương, giữa toàn cầu và khu vực, giữa ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa. Nhờ đó, chúng ta giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ được nguồn lực bên ngoài cho phát triển, nâng cao vị thế, uy tín đất nước. Một điểm nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua là chúng ta đã phát huy rất tốt vai trò cầu nối trong một số vấn đề toàn cầu và khu vực, nhất là thúc đẩy hợp tác giữa LHQ và ASEAN khi Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 4/2021.

Bốn là, bài học về chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại nói chung, đối ngoại đa phương nói riêng bởi cán bộ là cái gốc của mọi việc. Tham gia HĐBA LHQ là tham gia sân chơi “đấu trí” cam go, phức tạp ở tầm toàn cầu, đòi hỏi đội ngũ cán bộ đối ngoại đa phương phải có bản lĩnh, trí tuệ, năng lực và trình độ đạt tới tầm toàn cầu. Bên cạnh kế thừa, phát huy những bài học, kinh nghiệm đã tích lũy được qua nhiệm kỳ HĐBA LHQ, cần xây dựng, triển khai hiệu quả các kế hoạch, quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia về đối ngoại đa phương một cách bài bản, khoa học để đáp ứng yêu cầu nâng tầm đối ngoại đa phương trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đổi thay trên vùng đất anh hùng

    Đổi thay trên vùng đất anh hùng

    Nông thôn mới -
    70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta không thể quên địa chỉ đỏ Ngã ba Cò Nòi, nơi đã từng là “túi bom” hứng chịu những trận đánh phá ác liệt của Thực dân Pháp hòng cắt đứt con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường. Ghi nhận những đóng góp của địa phương, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Cò Nòi đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”. Xứng đáng với truyền thống anh hùng, Cò Nòi hôm nay đang từng ngày khởi sắc.
  • 'Phòng ngừa từ sớm, từ xa tham nhũng, tiêu cực

    Phòng ngừa từ sớm, từ xa tham nhũng, tiêu cực

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 24/4, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả tháng 4/2024.
  • 'Bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số

    Bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số

    Xây dựng Đảng -
    Ngày 24/4, Trường Chính trị tỉnh Sơn La phối hợp với Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo Đề án số 03-ĐA/TU ngày 30/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (đợt I). Dự lễ khai giảng có đồng chí Lê Hồng Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy.
  • 'Phiên họp thứ 34, UBND tỉnh khóa XV

    Phiên họp thứ 34, UBND tỉnh khóa XV

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 24/4, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì Phiên họp thứ 34, UBND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 4; triển khai nhiệm vụ tháng 5.
  • 'Du lịch Quỳnh Nhai sẵn sàng cho kỳ nghỉ lễ

    Du lịch Quỳnh Nhai sẵn sàng cho kỳ nghỉ lễ

    Du lịch -
    Nằm cách thành phố Sơn La 60 km, huyện Quỳnh Nhai có nhiều điểm đến tham quan, trải nghiệm hấp dẫn, như: Cầu Pá Uôn, Đảo Trái tim, Đền Linh Sơn Thủy Từ, Suối khoáng nóng bản Bon, Vịnh Uy Phong... Khám phá cảnh đẹp vùng lòng hồ Quỳnh Nhai đang là lựa chọn hấp dẫn cho nhiều du khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay. Các điểm du lịch, khách sạn trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã sắn sàng đón tiếp du khách tới tham quan, trải nghiệm.
  • 'Xanh mãi rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    Xanh mãi rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    Những ngày cuối tháng 4, thăm Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, được nghe, tìm hiểu khu rừng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi càng tự hào về đoàn quân giải phóng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
  • 'Bảo đảm giáo dục thực chất, bền vững

    Bảo đảm giáo dục thực chất, bền vững

    Khoa Giáo -
    Với sự đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, sau hơn 3 năm thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trên 66% số trường học đạt chuẩn quốc gia; chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn chuyển biến rõ nét; tích cực thực hiện chuyển đổi số giáo dục.
  • 'Nuôi cá lăng nha theo tiêu chuẩn VietGAP

    Nuôi cá lăng nha theo tiêu chuẩn VietGAP

    Kinh tế -
    Khai thác tiềm năng nguồn nước, phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Sơn La, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình “Nuôi cá lăng nha trong lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại huyện Quỳnh Nhai, mô hình hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích.
  • 'Chủ động phòng, chống cháy rừng

    Chủ động phòng, chống cháy rừng

    Xã hội -
    Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, huyện Bắc Yên đã tập trung chỉ đạo chủ động các phương án quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.
  • 'Nông dân Song Khủa làm giàu từ chăn nuôi

    Nông dân Song Khủa làm giàu từ chăn nuôi

    Kinh tế -
    Là địa bàn thuộc khu vực lòng hồ sông Đà, xã Song Khủa, huyện Vân Hồ có diện tích tự nhiên trên 5.200 ha với địa hình nhiều nương bãi, đồng cỏ. Tận dụng lợi thế đó, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường.
  • 'Nữ bí thư chi bộ, trưởng bản gương mẫu

    Nữ bí thư chi bộ, trưởng bản gương mẫu

    Gương sáng bản làng -
    Bản Quyết Thắng, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã những năm trở lại đây đang có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển; cả bản có 62 hộ, nhưng hiện chỉ còn 1 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm. Năm 2023, Chi bộ bản Quyết Thắng được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kết quả đó có vai trò đóng góp của bí thư chi bộ, trưởng bản Bùi Thị Dung.