Góp phần giữ gìn, quảng bá sản phẩm dân tộc

Sau hơn 1 năm thành lập và đi vào hoạt động, hội viên phụ nữ Tổ liên kết thêu may trang phục dân tộc Mông ở xã Tà Xùa (Bắc Yên) không những tăng thu nhập cho gia đình mà con góp phần giữ gìn và quảng bá văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc Mông đến khách du lịch.

 

Thành viên Tổ liên kết thêu, may trang phục dân tộc Mông xã Tà Xùa (Bắc Yên) duy trì nghề truyền thống.

 

Đồng bào dân tộc Mông chiếm 99% dân số ở Tà Xùa. Nhằm lưu giữ nghề truyền thống, giữ gìn văn hóa dân tộc, tháng 7/2019 Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Hội LHPN huyện Bắc Yên thành lập Tổ liên kết phụ nữ thêu may trang phục dân tộc Mông tại xã Tà Xùa với 15 thành viên. Sau khi thành lập, các thành viên trong tổ đã được tập huấn các kiến thức cơ bản về quản lý tài chính hộ gia đình; kiến thức về khởi nghiệp kinh doanh; hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất kinh doanh... và được đi học hỏi kinh nghiệm làm các sản phẩm dân tộc gắn với phát triển du lịch ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái).

Nhờ sự nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của du khách, cộng với sự khéo léo và chăm chỉ, nên các sản phẩm do thành viên Tổ liên kết thêu may trang phục dân tộc Mông làm ra ngày một nhiều, đa dạng, bán được giá. Chị Sồng Thị Dụ, Tổ trưởng Tổ liên kết cho biết: Trồng lanh, dệt vải, may áo váy, thêu thổ cẩm, vẽ sáp ong, nhuộm hoa văn... hầu hết phụ nữ người Mông đều thành thạo. Để hoàn thiện một bộ trang phục Mông truyền thống phải mất một tháng. Để lưu giữ nghề dệt vải truyền thống, chị em trong tổ đang tích cực truyền dạy cho các bé gái trong gia đình các công đoạn để hoàn thành bộ trang phục truyền thống của đồng bào Mông.

Hiện nay, các thành viên trong Tổ liên kết thêu may trang phục dân tộc Mông của xã Tà Xùa thường xuyên nhận làm các sản phẩm như: Túi, khăn, vỏ gối, trang phục nam, nữ của dân tộc Mông... với giá tiền giao động từ 50-100 nghìn đồng/chiếc túi; những bộ quần áo dân tộc Mông thêu tay bán có giá từ 1-4 triệu đồng/bộ hoặc cho thuê mặc chụp ảnh với giá 50 nghìn đồng/bộ.

Chị Lù Thị Vế, thành viên Tổ liên kết vui vẻ nói: Từ ngày tham gia Tổ liên kết, khi đi nương, đi ruộng tôi cũng mang theo kim chỉ, vải để lúc rảnh rỗi có thể bỏ ra thêu. Từ công việc thêu, may hàng tháng có thêm thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng.

 

 

Sản phẩm thổ cẩm của Tổ liên kết thêu may trang phục dân tộc Mông ở xã Tà Xùa (Bắc Yên).

 

Những bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của hội viên phụ nữ Tà Xùa đã thêu, dệt từng đường nét công phu, đa dạng lên các vật dụng, áo váy. Các sản phẩm trang phục dân tộc truyền thống của Tổ liên kết được nhiều du khách thuê để chụp ảnh, hay mua sắm cho mình và bạn bè, người thân những chiếc túi, chiếc khăn... làm quà tặng. Chị Nguyễn Thị Tuyết, ở quận Hà Đông (Hà Nội) đến du lịch tại Tà Xùa chia sẻ: Đến đây, ngoài ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên, núi non hùng vĩ, tôi còn rất yêu thích những bộ trang phục của đồng bào dân tộc Mông. Tôi và các thành viên trong đoàn đã kịp thuê cho mình những bộ trang phục để lưu giữ lại những cảnh đẹp và văn hoá của người dân nơi đây.

Chị Thào Thị Gia, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bắc Yên thông tin: Được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, huyện Bắc Yên đã thành lập được 2 tổ liên kết thêu may trang phục dân tộc Mông tại xã Tà Xùa và Hua Nhàn. Việc giữ gìn và phát triển nghề thêu may trang phục dân tộc Mông không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của huyện, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Thời gian tới, Hội LHPN huyện Bắc Yên tiếp tục tham mưu cho Hội LHPN tỉnh triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn. Đồng thời, khuyến khích, vận động các cá nhân tham gia vào tổ liên kết; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thêu may trang phục dân tộc, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, tạo nguồn thu nhập ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới