Gỡ "nút thắt" trong thực hiện tiêu chí môi trường nông thôn ở Thuận Châu

Đến nay, Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Thuận Châu đã đạt được những kết quả tích cực, bình quân đạt 9,14 tiêu chí/xã, có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí, 19 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí. Tuy nhiên, trên chặng đường xây dựng nông thôn mới, các xã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, trong đó tiêu chí môi trường là một trong những “cửa ải” khó vượt nhất.

Tổ công tác số 1 của huyện Thuận Châu

tham gia “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới” tại xã Tông Lạnh. 

Nhiều nguyên nhân gây "khó"...

Thuận Châu có địa bàn rộng, với 28 xã, trong đó 6 xã vùng cao chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số; cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế chưa đồng bộ, khả năng đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực địa phương còn nhiều hạn chế. Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm là “nút thắt” khó tháo gỡ nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Thuận Châu. Nguyên nhân là do môi trường nông thôn còn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu trong sản xuất, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số, như chăn thả, nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, lạm dụng thuốc diệt cỏ, khâu xử lý chất thải chăn nuôi, thu gom bỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật...  Dù đã nhiều nỗ lực, nhưng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia trên địa bàn nông thôn chưa bảo đảm yêu cầu, tỷ lệ đạt thấp. Ranh giới giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh còn chưa rõ, nhiều xã mới chỉ đạt tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh, chưa đạt tiêu chuẩn nước sạch.

Đơn cử tại xã Tông Lạnh, mặc dù mục tiêu phấn đấu cán đích nông thôn mới vào cuối năm nay, nhưng tiêu chí môi trường của xã cũng chỉ vừa mới đạt mức cơ bản, tỷ lệ đạt các chỉ tiêu còn thấp. Trong đó, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy định đạt 59%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt 85%; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt trên 80%. Theo đồng chí Quàng Văn Nhung, Bí thư Đảng ủy xã Tông Lạnh, nguyên nhân là do hiện nay, môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số; thói quen chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn, việc thu gom và xử lý rác thải chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, chất thải phát sinh trong quá trình sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom một cách triệt để... không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.

Với xã Phổng Lái, mặc dù đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017, nhưng hiện nay vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc giữ vững tiêu chí số 17, cụ thể là tốc độ phát triển nhanh của diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp, kéo theo đó là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và vấn đề chất thải của các cơ sở thu mua, chế biến nông sản trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân là đồng bào dân tộc thiểu số về vệ sinh môi trường còn hạn chế.

Đặc biệt, đối với cụm 6 xã vùng cao của huyện Thuận Châu, càng khó khăn để hoàn thành tiêu chí môi trường. Bởi vì đa phần người dân các xã vùng cao của Thuận Châu vẫn duy trì việc nuôi gia súc thả rông, chôn cất người chết theo phong tục tập quán cũ, việc quy hoạch nghĩa trang nhân dân xã gần như không thể thực hiện. Bên cạnh đó, trình độ dân trí thấp, chưa đồng đều, điều kiện kinh tế khó khăn nên người dân chưa quan tâm đến vấn đề môi trường, tỷ lệ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh của các xã đạt dưới 60%, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch ở các xã mới đạt khoảng 40 - 60%, tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm xã, còn các bản vùng cao, đồng bào dân tộc ít người, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch rất thấp.

Đồng chí Vì A Sềnh, Chủ tịch UBND xã Co Mạ, thẳng thắn: Xã đang gặp khó trong việc xây dựng bãi rác tập trung, thu gom rác trong khu dân cư. Hiện nay, chủ yếu rác thải nhà nào nhà ấy tự xử lý, có gia đình xử lý rác bằng cách đốt hoặc đào hố chôn. Tuy nhiên, vẫn có không ít gia đình vứt rác ra đường, suối, quanh nhà... Nhà này thấy nhà kia vứt được thì cũng làm theo và kết quả là hình thành những bãi rác nhỏ rải rác trong các bản, khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan nông thôn.

Theo khảo sát và tìm hiểu thực tế tại huyện Thuận Châu, trung bình mỗi ngày một xã phát sinh hàng tấn rác thải sinh hoạt, trong đó có khoảng 70% được thu gom nhưng chủ yếu là xử lý thủ công. Một số hộ chăn nuôi gia đình có đào hố thu gom nước thải, chất thải nhưng xử lý không triệt để, thẩm thấu và chảy ra môi trường gây ô nhiễm. Ngay tại trung tâm huyện Thuận Châu cũng còn nhiều bất cập, như: Thiếu bãi chôn lấp, xử lý rác đảm bảo quy chuẩn theo quy định; ý thức chấp hành, thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa nghiêm... Đến nay, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt trên 50%; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đảm bảo 3 sạch đạt 58%.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí về môi trường, huyện Thuận Châu đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, bản phân công cụ thể từng cán bộ, đảng viên chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động, giám sát cụm dân cư thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường; đưa mục tiêu đảm bảo vệ sinh môi trường vào nghị quyết của cấp ủy Đảng; thực hiện trồng cây phân tán, vận động nhân dân tham gia trồng cây xanh bóng mát tại các trục đường chính và nơi công cộng, trồng hoa, cây cảnh ven đường giao thông và trong các khu vực nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, khơi thông cống, rãnh thoát nước ở các trục đường nội bản. Tiêu chí bảo vệ môi trường được gắn với việc đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, danh hiệu bản văn hóa, gia đình văn hóa, đưa tiêu chí môi trường vào quy ước, hương ước của bản.

Người dân xã Nậm Lầu được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đoàn thể, địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng, như: “Ngày môi trường thế giới”, “Giờ trái đất”, “Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường”, Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”... Qua đó, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng. Nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường được duy trì có hiệu quả, như: “Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm”, phong trào “5 không, 3 sạch” do Hội LHPN làm nòng cốt, “Ngày chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên, “Xanh - sạch - đẹp” trong các trường học... đã từng bước cải thiện chất lượng và cảnh quan môi trường. Hằng năm, huyện tổ chức phát động thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật, riêng năm 2018 đã thu gom được 706 kg thuốc bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đẩy mạnh chương trình vay vốn để đầu tư xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Cùng với đó, huyện Thuận Châu lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình dự án khác để đầu tư các công trình nước sạch cho người dân, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định.

Để giúp các xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí về môi trường, tháng 8/2018, huyện Thuận Châu đã tổ chức “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới” với sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức các phòng, ban của huyện. Đến nay, chương trình đã thu hút trên 2.000 lượt người tham gia, với phương châm cơ sở chủ động, nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ. Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, phối hợp với nhân dân các bản, tiểu khu ở các xã đến từng hộ gia đình hướng dẫn nhân dân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu dân cư; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Chúng tôi có mặt cùng Tổ công tác số 1 do đồng chí Bí thư huyện ủy làm Tổ trưởng thực hiện “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới” tại xã Tông Lạnh. Tại đây, gần 50 cán bộ công chức, viên chức của 4 đơn vị: Văn phòng huyện ủy, Ban Quản lý dự án xây dựng cơ bản của huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và Ban CHQS huyện đã ủng hộ vật liệu trị giá trên 17 triệu đồng và tham gia lao động cùng với người dân sở tại đổ bê tông 13 nền chuồng chăn nuôi đại gia súc cho người dân tại hai bản TĐC Trai Chanh và Lạn Bóng để thực hiện di rời chuồng trại ra khỏi gầm sàn.

Đồng chí Quàng Văn Nhung, Bí thư Đảng ủy xã Tông Lạnh, cho biết: Việc triển khai thực hiện “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới” ở xã Tông Lạnh đã nâng cao ý thức của nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, việc cán bộ huyện xuống tận cơ sở hướng dẫn, tuyên truyền, vận động và phối hợp cùng thực hiện với người dân các bản, tiểu khu đào hố rác, dọn dẹp vệ sinh đường giao thông liên xã, liên bản, khơi thông cống rãnh; di dời chuồng trại, gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn; xây mới nhà vệ sinh, nhà tắm hợp vệ sinh đã góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí môi trường nói riêng và chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã nói chung.

Theo đồng chí Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia huyện Thuận Châu, môi trường là một trong những tiêu chí khó, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò rất lớn từ phía nhân dân. Vấn đề môi trường nông thôn cần phải được triển khai đồng bộ, kịp thời và tích cực, chú trọng tuyên truyền, vận động để bà con hiểu và cùng tham gia, bởi khi nhận thức, thói quen của người dân thay đổi thì công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan sẽ đạt được hiệu quả. Thời gian tới, huyện Thuận Châu tập trung rà soát quy hoạch, xây dựng các bãi thu gom, xử lý rác thải tập trung tại các xã. Chỉ đạo, xây dựng mỗi bản có ít nhất một đội tự quản vệ sinh môi trường, trong đó phấn đấu xây dựng mỗi xã có ít nhất 1 bản có mô hình thực hiện tốt chỉ tiêu về cảnh quan môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật.

Hoàn thành, phấn đấu giữ vững tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đang là thách thức đối với các địa phương trên địa bàn huyện Thuận Châu hiện nay. Cùng với nhân rộng mô hình thu gom rác ở các xã, bản thì việc huy động nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động về môi trường mở rộng địa bàn thu gom, xử lý rác và nâng cao ý thức của người dân sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí môi trường ở các địa phương.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới