Gỡ khó cho tăng trưởng tín dụng

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn đối diện với rất nhiều khó khăn. Để kích cầu nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã tập trung triển khai các giải pháp, trong đó đẩy mạnh tín dụng, giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu vốn và các nhu cầu về thanh toán.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Mai Sơn.

Ảnh: Ngọc Thuấn

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, đến cuối tháng 4, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại địa phương ước đạt 20.639 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm 16.687 tỷ đồng; tiền gửi của tổ chức kinh tế 3.722 tỷ đồng, giảm 18,1% so với cuối năm 2019. Tổng dư nợ đạt khoảng 38.200 tỷ đồng, giảm 0,09%. Nợ xấu chiếm 0,83% tổng dư nợ (mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây).

Theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, ngày 31/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19. Theo đó, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định thị trường tiền tệ; đánh giá diễn biến và tác động của dịch bệnh đối với khả năng tăng trưởng tín dụng toàn ngành để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng đối với các TCTD nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...

Hoạt động của ngành Ngân hàng trong thời gian này tập trung thực hiện nhiều giải pháp về tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, vực dậy sản xuất sau đại dịch COVID-19. Về lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 920/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/5/2020, theo đó, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam được áp dụng là 5,0%/năm. Đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô thì mức lãi suất tối đa được áp dụng trong trường hợp này là 6,0%/năm. Các hợp đồng tín dụng, thỏa thuận cho vay đã ký kết trước đó, lãi suất được áp dụng theo quy định tại hợp đồng, thỏa thuận đã ký nếu không trái với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và các TCTD trên địa bàn đã thiết lập đường dây nóng để xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, theo dõi, nắm bắt và báo cáo kịp thời với NHNN Việt Nam, UBND tỉnh về tình hình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với sản xuất kinh doanh do tác động của dịch COVID-19 trong lĩnh vực ngân hàng. Đến nay, các TCTD trên địa bàn đã thống kê, rà soát và hỗ trợ cho 5.631 khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh thuộc các ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, nông sản, dịch vụ lưu trú, nhà hàng ăn uống... tổng dư nợ gần 3.200 tỷ đồng, bằng nhiều hình thức như: miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới tái sản xuất, kinh doanh... Hiện, các TCTD đang tiếp tục rà soát các khách hàng bị thiệt hại để xem xét thực hiện quy trình hỗ trợ. Những giải pháp quyết liệt trên đã từng bước giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch đề ra, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện tốt các giải pháp về tiền tệ, tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của ngành. Thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn. Chỉ đạo các TCTD thực hiện tốt chính sách tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; thường xuyên theo dõi, đánh giá diễn biến và tác động của dịch bệnh đối với khả năng tăng trưởng tín dụng để điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi các khoản vay cũ, giữ nguyên nhóm nợ; tập trung triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt...; thực hiện tốt các chính sách tín dụng về phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới, kinh tế tập thể, chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho vay các đối tượng chính sách…

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới