Giữ gìn và phát huy nét đẹp trang phục truyền thống

Trở lại xã Hua Nhàn (Bắc Yên) vào dịp bà con vừa thu hoạch xong vụ ngô. Thời gian này, các chị trong tổ liên kết thêu may trang phục dân tộc Mông bản Hua Noong nhân lúc nông nhàn tranh thủ hoàn thành những bộ trang phục truyền thống. Dưới bàn tay khéo léo, những họa tiết tinh tế dần hiện ra trên nền vải thổ cẩm sau từng đường kim, mũi chỉ.

 

Thành viên tổ liên kết thêu may trang phục dân tộc Mông, bản Hua Noong,

xã Hua Nhàn trao đổi kinh nghiệm thêu thổ cẩm.

 

Tổ liên kết thêu may trang phục dân tộc Mông bản Hua Noong được thành lập vào cuối tháng 10/2019, với 21 thành viên. Trao đổi với chúng tôi, chị Mùa Thị Tồng, Tổ trưởng tổ liên kết, cho biết: Hiện nay, rất ít  phụ nữ trong bản thêu, may trang phục dân tộc truyền thống, mà đa số là sử dụng trang phục đã may sẵn. Chúng tôi đã vận động chị em trồng lanh, chàm, tham gia tổ liên kết để giúp đỡ nhau về kỹ thuật. Đồng thời, chị em trong tổ sẽ truyền dạy cho con cháu các công đoạn để hoàn thành bộ trang phục truyền thống của đồng bào Mông.

Trang phục truyền thống của đồng bào Mông gồm có áo, váy, áo xẻ ngực, tạp dề, xà cạp quấn chân. Để làm ra một bộ trang phục truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn và mất vài tháng, thậm chí cả năm mới hoàn thành. Hằng năm, cứ đến tháng 3, tháng 4 là bà con bắt đầu trồng cây lanh và đến tháng 7, tháng 8 thu hoạch. Sau khi thu hoạch, cây lanh được đem phơi nắng khoảng 1 tuần cho khô rồi tước sợi. Sau đó, sợi lanh được đưa vào cối giã mềm rồi nối lại, cuốn thành từng cuộn tròn và mang đi giặt cho mềm, sau đó giũ hết những vỏ cây. Tiếp theo là công đoạn luộc sợi lanh, cho đến khi thấy sợi lanh mềm và trắng thì mang phơi nắng cho khô. Sau đó dùng guồng chia sợi lanh thành từng cuộn trước khi mắc vào khung cửi để dệt thành những tấm vải lanh bền đẹp. Cứ như vậy, trải qua nhiều công đoạn, khi đã có vải, người phụ nữ Mông đem nhuộm chàm nhiều lần cho có màu sẫm, rồi dùng chỉ nhiều màu sắc thêu những hoa văn nổi trên nền vải. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là khi thêu đều không có mẫu vẽ sẵn mà bằng trí nhớ, thêu ở mặt trái, hoa văn hiện lên ở mặt phải vải với các hình học phong phú, hàm chứa những ý nghĩa, giá trị đẹp.

Chị em dân tộc Mông đun sáp ong đến khi nóng chảy, sử dụng lá đồng bé hình tam giác, nẹp vào thanh tre dài khoảng 7- 8 cm để vẽ họa tiết. Ngòi bút càng mỏng hoa văn vẽ càng đẹp. Khi vẽ, phải luôn ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Khi kẻ, phải giữ sao cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ. Vẽ đến đâu quấn đến đấy để không bị bẩn, sau đó đem nhuộm chàm đến khi mảnh vải có màu sẫm thì nhúng vào nước sôi, sáp ong sẽ chảy ra để lại những hoa văn màu xanh lơ. Sau cùng, chị em may vá, ghép lại thành những chiếc áo, váy có hoạt tiết và màu sắc sặc sỡ, nổi bật với tông màu nóng, hết sức ấn tượng.

Bà Vàng Thị Cha, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 tổ liên kết thêu may trang phục truyền thống. Tuy nhiên, các sản phẩm do các chị em làm ra chưa tiêu thụ được. Vì vậy, rất mong các cấp hội quan tâm, hỗ trợ các hội viên tiếp cận vốn vay để phát triển mô hình; đồng thời, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần giúp các hội viên có thêm thu nhập.

Là thành viên Tổ liên kết, chị Giàng Thị Vang tâm sự: Từ nhỏ, tôi đã được bà và mẹ dạy thêu thùa, may vá. Lớn lên, tranh thủ lúc nông nhàn, tôi đã tự làm váy, áo cho mình và gia đình mỗi dịp lễ tết. Bản thân tôi muốn giữ gìn truyền thống của dân tộc mình, nên đã truyền dạy lại cho con. Bên cạnh đó, cũng mong muốn giới thiệu sản phẩm cho nhiều người biết, vừa duy trì nghề truyền thống vừa tăng thu nhập.

Những sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ xã Hua Nhàn đã và đang góp phần duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo việc làm lúc nông nhàn rỗi. Hy vọng, các sản phẩm của các chị sẽ được nhiều người biết đến, mang lại thu nhập cho hội viên.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới