Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Tiền

Những năm qua, bản sắc văn hóa dân tộc luôn được đồng bào Dao Tiền ở bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ quan tâm gìn giữ, với nhiều nghi lễ, phong tục, tập quán. Nổi bật là nghi lễ truyền thống trong đám cưới có nét đặc trưng, độc đáo và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.

 

Nghi thức lễ xin dâu của người Dao Tiền, bản Suối Lìn, xã Vân Hồ.

 

Chúng tôi đến nhà ông Bàn Văn Liềm, Bí thư Chi bộ bản Suối Lìn, thật ấn tượng khi cả hai vợ chồng ông đều mặc trang phục truyền thống của người Dao, với những hoa văn và họa tiết rực rỡ. Ông Liềm chia sẻ: Bản Suối Lìn thành lập cuối năm 1959, ban đầu có 12 hộ; đến nay phát triển lên 174 hộ, trong đó có 139 hộ, hơn 680 nhân khẩu người Dao Tiền sinh sống. Đồng bào Dao Tiền luôn có ý thức giữ gìn, duy trì và bảo tồn phong tục, tập quán của dân tộc mình, các hoạt động giao tiếp hàng ngày đều bằng ngôn ngữ bản địa, người già vẫn mặc trang phục truyền thống; giữ được nhiều nghi thức truyền thống trong lễ cúng, cưới hỏi, ma chay...

Trải qua thời gian, việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào Dao Tiền ở Suối Lìn cũng có sự điều chỉnh để hài hòa giữa bản sắc văn hóa truyền thống và nếp sống văn hóa, văn minh hiện đại. Các lễ hội truyền thống vẫn giữ đủ, tuy nhiên quy mô, thời gian tổ chức có giảm bớt. Đơn cử như Lễ đặt tên trước kia diễn ra trong 2 ngày, 2 đêm, nay rút ngắn còn 2 ngày, 1 đêm; đám ma trong bản chỉ để qua 1 đêm, tối đa 24 tiếng sẽ đưa đi chôn cất theo quy ước, hương ước của bản...

Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Dao Tiền bản Suối Lìn khá phong phú và gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Vào đầu năm mới, bản tổ chức Lễ hội cầu mùa, với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt, mùa màng bội thu. Đặc biệt, duy trì Lễ cấp sắc là thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao, được cấp sắc mới được coi là người đàn ông trưởng thành và có đủ quyền tham gia các công việc của cộng đồng. Bên cạnh đó, để gìn giữ bộ chữ viết riêng cho các thế hệ trẻ sau này, năm 2020, bản Suối Lìn đã tuyên truyền, vận động 20 người dân trong bản tham gia các lớp truyền dạy chữ Nôm Dao truyền thống do nghệ nhân ưu tú Bàn Văn Đức, tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ truyền dạy. Tại các lớp học, còn truyền dạy cả văn hóa truyền thống, giúp bà con hiểu về nghi lễ, phong tục để răn dạy con cháu giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Theo phong tục, đồng bào Dao Tiền quan niệm hôn nhân là một việc trọng đại không chỉ đối với đôi trai gái mà còn với cả hai bên gia đình, dòng họ. Ông Đặng Văn Lả, 78 tuổi, kể: Trước kia người Dao chỉ được phép lấy người cùng dân tộc, nhưng ngày nay, trai gái được tự do kết duyên với người dân tộc khác. Cùng với đó, việc cưới hỏi ngày nay vẫn diễn ra các nghi lễ theo đúng phong tục tập quán song cũng đã được đơn giản hơn. Những nghi lễ cưới truyền thống của người Dao Tiền vẫn được duy trì, đó là lễ dạm hỏi (xem tuổi cô dâu, chú rể) và 3 nghi lễ chính, là lễ xin dâu, lễ cắt khẩu và lễ nhập khẩu cho cô dâu.

Nếu đôi trẻ hợp ý và được phép của hai bên gia đình, người con trai sẽ sang nhà gái giúp đỡ việc ruộng, vườn, việc nhà trong 3 ngày. Đây cũng là thời gian để xem nhà gái có ưng thuận con rể tương lai không. Sau đó, nhà trai chuẩn bị lễ để thầy cúng làm lễ báo cáo với tổ tiên nhà trai, xin phép được đưa đồ lễ dẫn cưới sang nhà gái. Nhà trai thường cử 12 người cả nam và nữ đưa đồ lễ sang nhà gái và ở lại phục vụ đám cưới tại nhà gái. Nhà gái đón tiếp nhà trai, làm lễ cắt khẩu, nhập khẩu cho cô dâu. Trong ngày cưới của đồng bào dân tộc Dao Tiền ở Suối Lìn, cô dâu mặc quần áo dân tộc, khăn đội đầu thêu hoa văn có dua hai đầu được thêu bằng những sợi chỉ có sắc màu sặc sỡ và các phụ kiện trang sức như vòng cổ, vòng tay, dây chuyền cổ đều mang nét văn hóa của dân tộc Dao. Còn trang phục của chú rể đơn giản hơn với chiếc áo truyền thống thêu hoa văn của dân tộc Dao.

Ngày nay, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Dao Tiền ở Suối Lìn vẫn được duy trì. Bản có 5 đội văn nghệ, 6 đội thể thao thường xuyên tập luyện, biểu diễn phục vụ bà con trong các ngày lễ, tết. Duy trì 5 nhóm liên gia tự quản góp phần bảo vệ an ninh trật tự, từ năm 2007 đến nay, Suối Lìn liên tục bản giữ danh hiệu bản văn hóa.

Đồng bào Dao Tiền ở Suối Lìn đang hòa nhập cùng dòng chảy văn hóa với các dân tộc khác và tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn môi trường, xây dựng bản làng ngày càng no ấm. Những nét đặc trưng văn hóa về trang phục, tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào Dao Tiền vẫn luôn được bà con nơi đây gìn giữ, bảo tồn, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong cộng đồng các dân tộc ở Sơn La nói chung, huyện Vân Hồ nói riêng.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới