Giống thông Caribe trên vùng đất dốc

Nhiều năm nay, người dân 2 huyện Mai Sơn, Yên Châu đưa cây thông Caribe vào trồng, song việc mua giống không rõ nguồn gốc, nên năng suất rừng trồng chưa đạt hiệu quả. Giải quyết bài toán về nguồn cây giống chất lượng, xây dựng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng thông Caribe thâm canh, Công ty cổ phần Điều tra quy hoạch và Phát triển nông thôn Sơn La đã chủ trì, phối hợp với Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản Sơn La thực hiện mô hình vườn ươm giống cây thông Caribe bằng hạt tại Trại Giống cây trồng cạn Mường Hồng, huyện Mai Sơn.

                                 

Vườn ươm cây giống thông Caribe tại Trại giống cây trồng cạn Mường Hồng.

           

Thực hiện từ tháng 6/2019 đến nay, có hơn 10.000 cây thông giống Caribe được sản xuất thành công, đây là những cây giống được ươm bằng hạt lấy từ các cây trội thuộc rừng giống của Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Đông Bắc, cây có tỷ lệ sống cao, tốc độ sinh trưởng nhanh, đồng đều, thân thẳng, đảm bảo về chất lượng, tiêu chuẩn cây giống.

Anh Điêu Kim Ngọc, cán bộ kỹ thuật Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản Sơn La, chia sẻ: Ngay từ khi bắt đầu xử lý hạt, chúng tôi hướng dẫn kỹ thuật để công nhân và người dân trực tiếp làm. Hạt thông Caribe được xử lý, ngâm 3 sôi, 2 lạnh trong thời gian 12 tiếng, sau đó vớt ra để từ 2-4 giờ cho ráo nước trước khi đem đi ủ, gieo hạt. Hạt thông Caribe nảy mầm sau 1 tháng gieo và cây đạt tiêu chuẩn đưa vào trồng sau 7-8 tháng chăm sóc trong vườn ươm; thời điểm xuống giống thích hợp vào khoảng tháng 6, 7 hằng năm. Qua theo dõi, cây có tốc độ phát triển khoẻ, nhanh, ít sâu bệnh.

           

Vườn ươm cây giống thông Caribe tại Trại giống cây trồng cạn Mường Hồng.

           

Từ những cây thông Caribe được nhân giống tại Trại giống cây trồng cạn Mường Hồng, Công ty cổ phần Điều tra quy hoạch và Phát triển nông thôn Sơn La đã phối hợp với người dân sở tại trồng hơn 30 ha thông Caribe tại bản Đông Sàn, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn. Diện tích trồng thông Caribe ở đây, chủ yếu là địa hình đất dốc, sỏi đá, đất canh tác bạc màu, các cây trồng khác không thể sinh trưởng và phát triển. Xuống giống từ tháng 1/2020 đến nay, cây sinh trưởng nhanh, phát triển tốt, đường kính trung bình của cây đạt 5 cm, chiều cao trung bình đạt 2,5m.

           

Cán bộ Công ty cổ phần Điều tra quy hoạch và Phát triển nông thôn Sơn La kiểm tra tình hình sinh trưởng của thông Caribe tại bản Đông Sàn, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn.

           

Còn tại bản Thanh Yên I, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, Công ty cổ phần Điều tra quy hoạch và Phát triển nông thôn Sơn La đã vận động người dân trồng hơn 14 ha thông. Anh Lò Văn Tiên, cán bộ Công ty, cho biết: Chúng tôi phổ biến kỹ thuật trồng cho bà con, trồng thông với khoảng cách 3x3m, đào hố 30cm. Từ khi xuống giống, cây thông không cần chăm sóc nhiều, chỉ cần làm cỏ và vun xới gốc. Qua đánh giá chỉ tiêu sinh trưởng sau hơn 1 năm trồng, cây phát triển khá nhanh, đồng đều, chiều cao cây đạt từ 2,5m, có cây lên đến 3m. Chúng tôi đang tiếp tục hướng dẫn người dân chăm sóc bảo vệ, phát dọn thực bì, vun gốc cho cây.

           

Đồi trồng thông Caribe tại bản Thanh Yên 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. 

           

Thông Caribe là loài cây ưa sáng, gỗ lớn, cao 15-40m, đường kính có thể đạt 100 cm và là một trong những loài cây hạt trần mọc nhanh, được trồng nhiều nhất ở vùng nhiệt đới, có ưu điểm: Tăng trưởng, phát triển nhanh, chống chịu tốt với côn trùng và sâu bệnh, chất lượng gỗ tốt, thích nghi trong các môi trường sống khác nhau. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học và qua đánh giá thực tế tại một số tỉnh đã triển khai trồng thông Caribe trước đó cho thấy, đây là cây trồng rất có triển vọng, phù hợp với nhiều vùng đất, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa phù hợp với quy hoạch phát triển trồng rừng gỗ lớn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Công ty cổ phần Điều tra quy hoạch và Phát triển nông thôn Sơn La, thông tin: Hiện nay, Công ty đang chăm sóc, bảo vệ 100 ha rừng thông Caribe tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu; xã Nà Bó, Chiềng Mai, Chiềng Kheo của huyện Mai Sơn. Đánh giá bước đầu, cây thông Caribe phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở các vùng trồng, có khả năng sinh trưởng tốt trên các vùng đất mà các cây trồng khác khó có thể sinh trưởng. Gỗ của thông Caribe còn được xếp vào nhóm gỗ lớn có giá trị thương phẩm cao. Mặt khác, cây thông sống lâu năm có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ môi trường không khí...

           

Chu kỳ trồng, chăm sóc, thu hoạch thông Caribe kéo dài từ 7 - 15 năm tùy thuộc vào điều kiện thực tế từng vùng. Hiện, Công ty đang tiếp tục theo dõi sự sinh trưởng, phát triển các mô hình trồng thông Caribe tại huyện Yên Châu và Mai Sơn. Từ đó, đánh giá hiệu quả mô hình, tham mưu cho các cấp, ngành, địa phương có chính sách cụ thể trong thực hiện chương trình, dự án lâm nghiệp, quản lý bảo vệ, sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng bền vững cải thiện môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm lâm nghiệp, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới