Gian nan “gieo chữ” trên non

Dù phải trèo đèo, lội suối, bám trụ trên các bản làng xa xôi hẻo lánh, song các thầy giáo, cô giáo ở các xã vùng cao của huyện Thuận Châu vẫn kiên trì bám trường, bám lớp, vì sự nghiệp “trồng người”, đem con chữ đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Phòng học tạm tại Trường Tiểu học-THCS Long Hẹ.

Khó khăn ở những điểm trường

Những ngày đầu tháng 10, trời vùng cao đã chuyển lạnh, khoác thêm áo ấm, chằng buộc ba-lô, túi máy chắc chắn, anh em chúng tôi thực hiện hành trình đến với các điểm trường vùng cao Co Mạ. Trước khi đi, chúng tôi đùa nhau, đếm xem chuyến đi phải vượt qua bao con dốc, bao khe suối, nhưng quả là đã làm một việc vô bổ, bởi không thể nào mà đếm cho xuể.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Trường Mầm non Pá Pháy (xã Co Mạ). Từ xa, chúng tôi đã thấy ngôi nhà cấp 4 lợp mái tôn chênh vênh bên sườn núi, lọt thỏm giữa những nương lúa, nương ngô. Tới nơi, đó là phòng học duy nhất của 33 cháu học sinh các bản: Pá Chả, Pá Pháy, Sình Thàng. Những bộ bàn ghế mộc mạc, những món đồ chơi do chính tay các cô giáo tự làm từ vật liệu tận dụng, những bông hoa, mô hình đồ chơi... tuy đơn giản nhưng chúng tôi hiểu, trong đó gói ghém tất cả tình thương vô bờ của các cô giáo dành cho những cháu nhỏ người dân tộc nơi đây. Câu chuyện về cô giáo Vì Thị Sa Ly, 14 năm gắn bó với điểm trường Pá Pháy khiến chúng tôi hết sức cảm động. Cô Ly nhà ở bản Co Mạ (xã Co Mạ), đã có 2 con nhỏ nhưng thời gian cô dành cho gia đình không nhiều, bởi sáng đi sớm, chiều về muộn; bất kể nắng hay mưa, sương mù hay lạnh giá, cô giáo Ly chưa khi nào vắng mặt ở điểm trường Pá Pháy. Cô bảo: Sáng nào cũng đến điểm trường từ sớm để chờ đón học sinh; nhìn thấy các em thấp thoáng ở những sườn núi xa, nhưng phải khoảng một giờ đồng hồ sau các em mới tới được lớp học, em nào cũng mồ hôi đầm đìa, quần sắn đến đầu gối, mang theo cơm để ăn trưa; gia đình nào có điều kiện thì còn thêm quả trứng, chứ hầu hết chỉ là cá khô, măng rừng, rau rừng; thương các cháu lắm, nhưng bậc học mầm non chưa có chính sách nấu ăn bán trú, nên không biết làm thế nào?

Tuy còn nhiều khó khăn, song phụ huynh nơi đây rất chân thành, quý mến các cô giáo, khiến các cô có thêm động lực bám lớp, bám bản. Ông Và A Của, Trưởng bản Pá Pháy, bộc bạch: Bản có 43 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 80%; ăn chưa đủ no, nên việc học không mấy được quan tâm. Từ khi có điểm trường Pá Pháy, dù đường đi lại khó khăn nhưng các gia đình đã có nơi gửi gắm con em đi học. Người dân trong bản quý các cô giáo lắm, bởi vất vả thế mà các cô vẫn ở lại dạy con em cái chữ.

Rời Pá Pháy, chúng tôi đến điểm trung tâm của Trường TH-THCS Long Hẹ. Ở trung tâm mà vẫn còn 8 phòng học tạm dựng bằng khung sắt, mái tôn, quây ván gỗ và không có điện. Mùa đông lạnh cắt da, cắt thịt, sương mù kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các em, nhưng các thầy, cô giáo nhà trường vẫn động viên nhau bám trường, bám lớp, đảm bảo việc dạy học. Thầy giáo Nguyễn Hồng Hà, Hiệu trưởng nhà trường, nói với chúng tôi: Khó khăn lớn nhất là thiếu cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học, thiếu nhà công vụ cho giáo viên và nhà ở bán trú cho các em học sinh. Chỉ với 28 lớp học, nhưng 41 cán bộ, giáo viên, 918 em học sinh vẫn duy trì tốt công tác dạy và học. Kinh tế của người dân địa phương còn nghèo nên việc quan tâm, đầu tư giáo dục cho con em còn hạn chế. Một khó khăn nữa là nhà trường đã tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh, nhưng các thầy giáo, cô giáo được phân công phục vụ công tác bán trú lại không được hưởng chế độ, bởi nhà trường chưa phải là trường phổ thông dân tộc bán trú. Cách trung tâm huyện Thuận Châu chỉ khoảng 50 km, nhưng vận chuyển lương thực, thực phẩm để nấu ăn cho học sinh là vấn đề không ít nan giải. Dù vậy, tất cả thầy giáo, cô giáo vẫn tâm huyết, yêu nghề, yêu học sinh, nỗ lực để các em có được những bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng, yên tâm học tập.

Giáo dục ở vùng cao nói chung đã khó, bậc học mầm non càng khó khăn hơn, mục tiêu chung của giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ và hình thành những yếu tố đầu tiên về nhân cách để trẻ chuẩn bị bước vào bậc tiểu học. Tuy nhiên, đối với những trường mầm non ở vùng cao của huyện Thuận Châu, việc thực hiện mục tiêu này rất khó đạt được, đa số trẻ em sống ở khu vực đặc biệt khó khăn, lại chưa biết nói tiếng phổ thông... Cô giáo Lò Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (xã Co Mạ), băn khoăn: Việc dạy học ở bậc mầm non vốn vất vả nhất trong các bậc học; với các trường mầm non ở vùng cao thì nỗi vất vả nhân đôi. Cùng một bài thơ, bài hát với trẻ vùng thấp, chỉ cần một ngày hoặc một tiết học là các cháu có thể thuộc, nhưng học sinh ở đây phải mất cả tuần. Ngoài ra, còn thiếu giáo viên nên các lớp thường phải tăng sỹ số học sinh, có những lớp lên đến hơn 40 cháu mà cũng chỉ có 1 cô giáo đứng lớp.

Để con chữ “nảy mầm”

Đến tận nơi lắng nghe, tìm hiểu, chúng tôi mới cảm nhận hết những khó khăn, vất vả mà các thầy giáo, cô giáo ở các trường vùng cao đã và đang nỗ lực vượt qua. Nằm chênh vênh bên sườn núi, điểm trường Chả Mạy thuộc Trường TH-THCS Long Hẹ chỉ có 3 thầy giáo; người thâm niên thấp nhất cũng đã hơn 18 năm bám bản; còn thầy giáo Cà Văn Inh, quê ở xã Phổng Lăng thì đã có 39 năm công tác và 17 năm gắn bó với điểm trường Chả Mạy này. Thầy giáo Thào A Sềnh, hiện đang phụ trách điểm trường Chả Mạy, đã 17 năm gắn bó với giáo dục vùng cao, thật thà: Được Đảng, Nhà nước quan tâm, điểm trường đã được đầu tư xây dựng kiên cố, song do đặt ở xã vùng cao, nên giao thông đi lại rất khó khăn. Để duy trì 57 học sinh theo học, không em nào bỏ trường, bỏ lớp giữa chừng, anh em chúng tôi phải đến từng gia đình vận động phụ huynh cho các em đi học, bám lớp kể cả khi giáp hạt. Chúng tôi còn bảo nhau tự học tiếng dân tộc để giao tiếp với phụ huynh, động viên họ đưa con em đến lớp đúng độ tuổi.

Giờ ăn trưa của các cháu mẫu giáo điểm trường Mầm non Pá Pháy, xã Co Mạ.

Thầy giáo Quách Đức Khiêm, Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS Long Hẹ, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sơn La năm 2006 đã xin về vùng cao Thuận Châu công tác cho đến nay, thầy chia sẻ: Ngày đầu lên nhận công tác thấy hãi hùng những con đường vùng cao; nhiều đoạn đường chỉ có thể đi bộ, mùa mưa mà có việc phải xuống thị trấn Thuận Châu thì mất luôn một ngày. Bởi thương các em nhỏ, nên tôi quyết tâm gắn bó với nơi này. Còn theo các thầy giáo, cô giáo Trường TH-THCS Pá Lông, bây giờ, đường đến trường đã thuận lợi hơn rất nhiều, chỉ chừng hơn 3 giờ đồng hồ đi xe máy, nên cuối tuần nhiều thầy giáo, cô giáo có thể về thăm nhà, chứ thời điểm năm 2004, để đến được trường phải đi qua con đường mòn xuyên rừng. Nếu sáng sớm đi từ thị trấn Thuận Châu thì gần trưa mới đến được ngã ba Nong Vai, xã Co Mạ, còn từ đây vào đến Trường TH-THCS Pá Lông đi bộ quá nửa ngày nữa mới tới. Thế nên, nhiều thầy giáo, cô giáo gia đình ở dưới trung tâm huyện nhưng cả tháng có khi mới về thăm nhà được một lần... Thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Pá Lông chia sẻ: Hiện nay, chỗ ăn nghỉ của 4 thầy giáo, cô giáo chỉ là dãy nhà cấp 4, mỗi phòng vẻn vẹn 10 m² đã xuống cấp, nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau khắc phục khó khăn, gieo chữ cho học sinh vùng cao, mong muốn những con chữ sẽ nẩy mầm tươi tốt, mở ra những chân trời tri thức, đem lại cuộc sống ấm no cho các em sau này.

Nhà lớp học của điểm trường Mầm non Pá Pháy, xã Co Mạ.

Chia sẻ khó khăn với giáo dục vùng cao, các cấp, ngành đã quan tâm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục nơi đây, đồng chí Thiệu Nam Bình, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thuận Châu, thông tin: Đối với các trường học trên địa bàn các xã vùng cao điều kiện còn nhiều khó khăn, Phòng đã tham mưu với huyện và các ngành ưu tiên nâng cấp đầu tư, xây dựng, sửa chữa các trường trung tâm và các điểm trường lẻ, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở bán trú, bếp ăn tập thể, các công trình vệ sinh cho học sinh bán trú. Quan tâm giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách dành cho giáo viên và học sinh vùng cao. Đồng thời, chỉ đạo Ban Giám hiệu các nhà trường ngay từ đầu năm học, thực hiện rà soát, bố trí, sắp xếp, phân công giáo viên chủ nhiệm phù hợp với năng lực chuyên môn; khảo sát chất lượng học sinh, phân nhóm, xác định phương pháp dạy học phù hợp với từng nhóm học sinh trong lớp, có biện pháp giúp đỡ học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu. Các nhà trường tăng cường cho học sinh giải trí bằng nhiều hình thức như thể dục thể thao, chơi các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn nghệ, tăng gia sản xuất..., qua các hoạt động này, học sinh được mở rộng nhận thức xã hội, mạnh dạn tự tin, rèn luyện kỹ năng sống, biết chia sẻ với bạn bè, thầy cô.

Chiều dần buông xuống, sương mù bảng lảng... Tôi hỏi anh bạn đồng nghiệp có nhớ nổi mấy ngày qua đã vượt bao suối, bao đèo? Anh lắc đầu nói không thể nhớ. Tôi thầm nghĩ, chúng tôi mới chỉ đi có một lần, còn các thầy, cô giáo vẫn hằng ngày, không quản nắng mưa, in dấu chân trên những con đường gian nan đó để đến các điểm trường. Thật đáng trân trọng những con người, những tấm lòng vì sự nghiệp giáo dục vùng cao, kiên trì bám trụ gieo mầm tri thức, nuôi dưỡng ước mơ cho các em học sinh. Mong sao các cấp, các ngành chức năng quan tâm nhiều hơn, ưu tiên nguồn lực đầu tư thêm nữa cho giáo dục vùng cao, xây dựng nhiều hơn những ngôi trường kiên cố, nhà công vụ; xây dựng cơ chế, chính sách động viên khuyến khích các thầy giáo, cô giáo, góp thêm động lực cho những nhà giáo “gieo chữ” nơi vùng cao.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới