Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Sau 5 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020” (TH và HNCHT) đã tạo chuyển biến trong nhận thức và thực hiện của đại đa số người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình.

 

 

 

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mường Bám (Thuận Châu) tuyên truyền

giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các hội viên.

                 

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, năm 2016, toàn tỉnh có 1.482 cặp tảo hôn; 16 cặp hôn nhân cận huyết thống. Hầu hết các trường hợp TH và HNCHT thường xảy ra ở các bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TH và HNCHT là quan niệm, thành kiến, phong tục tập quán lạc hậu; khó khăn về điều kiện tự nhiên, trình độ hiểu biết của đồng bào dân tộc còn hạn chế; việc xử lý các trường hợp vi phạm TH và HNCHT của chính quyền địa phương còn chưa đủ mạnh, thiếu kiên quyết.

                 

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 về phê duyệt Đề án “giảm thiểu tình trạng TH và HNCHT trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, quyết định về việc thực hiện Đề án; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, trong đó, giao cho Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch hằng năm và tham mưu tổ chức thực hiện. Các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án đã có những giải pháp tích cực trong triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ của mỗi ngành: Ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về Luật Hôn nhân và Gia đình, tác hại của TH và HNCHT cho học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên các trường THCS; lồng ghép nội dung phòng, chống TH và HNCHT trong các buổi sinh hoạt tập thể, các môn học có liên quan. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa kết quả thực hiện giảm thiểu tình trạng TH và HNCHT vào tiêu chí bình xét các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cụ thể, như: Không xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa đối với những gia đình có TH và HNCHT. Sở Y tế đã phối hợp với các huyện, thành phố và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án đến đoàn viên, hội viên và bà con nhân dân thông qua những hình thức, như: Truyền thông nhóm; trao đổi, nói chuyện chuyên đề gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng đã không ngừng nâng cao nhận thức, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, hành vi trong nhân dân và trẻ vị thành niên về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Sở Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật tuyên truyền các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình; lồng ghép nội dung tuyên truyền và trợ giúp pháp lý về Đề án...

                 

Từ năm 2015 đến nay, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đã phối hợp với các đơn vị liên quan, các huyện, thành phố tổ chức 52 hội nghị đánh giá thực trạng và nói chuyện chuyên đề về TH và HNCHT cho hơn 4.000 lượt thành viên Ban Chỉ đạo các xã để triển khai thực hiện mô hình điểm của Đề án. Tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền lồng ghép về TH và HNCHT cho 630 lượt cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện, thành phố. Tổ chức 15 cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, nhận thức về TH và HNCHT thông qua hoạt động ngoại khóa tại các trường THCS và THPT các xã Hang Chú, Háng Đồng (Bắc Yên); Tân Xuân, Lóng Luông (Vân Hồ); Ngọc Chiến (Mường La); Bó Mười (Thuận Châu); Suối Tọ (Phù Yên) và Trường PTDT Nội trú tỉnh. Xây dựng 43 áp phích; lắp đặt 10 pano; in ấn hơn 20.400 tờ rơi tuyên truyền về TH và HNCHT. Thực hiện 10 mô hình điểm tại 10 xã có tỷ lệ tảo hôn cao, như: Tân Xuân, Lóng Luông (Vân Hồ); Hang Chú, Háng Đồng (Bắc Yên); Suối Bau, Suối Tọ (Phù Yên); Ngọc Chiến, thị trấn Ít Ong (Mường La); Long Hẹ, Bó Mười (Thuận Châu). Với việc tích cực triển khai nhiều giải pháp, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh đã từng bước giảm đáng kể, nhất là tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 0,21% (năm 2016) xuống còn 0,05% năm 2019; tình trạng tảo hôn cũng giảm từ 19,68% (2016) xuống còn 13,73% năm 2019.

                 

Với mục tiêu giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ TH và HNCHT cao, thời gian tới, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong triển thai thực hiện Đề án; biên soạn, cung cấp tài liệu, truyền thông, tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình trong vùng dân tộc thiểu số; đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về TH và HNCHT; phát huy vai trò của các thành viên Ban Chỉ đạo, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số trong tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng, chống TH và HNCHT...

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới