Giải quyết khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm nhãn

Thành lập từ năm 2015, HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, bản Tây Hồ, xã Nà Nghịu (Sông Mã) đã thực hiện tốt tiêu chí đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, khẳng định vai trò quan trọng trong định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế sản phẩm nông nghiệp, góp phần tích cực giúp nhân dân địa phương giảm nghèo.

                                 

Thành viên HTX kiểm tra sản phẩm long nhãn.

           

Ngay từ khi thành lập, HTX đã đề ra quy chế hoạt động, tổ chức kế hoạch sản xuất cụ thể đến từng thành viên; phối hợp với các ngành chuyên môn tập huấn và phổ biến kỹ thuật thâm canh, chăm sóc; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; kỹ thuật thu hoạch, đóng gói cho các thành viên theo đúng quy trình hướng dẫn, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, 46 ha cây ăn quả của 16 thành viên HTX, gồm: Nhãn, bưởi, xoài, thanh long... đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước đạt hơn 400 tấn/năm. Toàn bộ quá trình chăm sóc cây đều được các thành viên ghi chép nhật ký đầy đủ. Nhờ việc tuân thủ áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất, chất lượng quả ngày càng tăng lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Vụ nhãn năm nay, sản lượng đạt hơn 400 tấn, tuy nhiên, trước tình hình khó khăn do dịch bệnh Covid-19, quả tươi tiêu thụ kém, 400 tấn quả đã được HTX làm long nhãn sấy khô.

           

Ông Dương Tử Thanh, Giám đốc HTX, cho biết: Ban Giám đốc HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước, kết nối với các siêu thị và các tiểu thương chợ đầu mối nông sản tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Hà Nội; vận động các thành viên làm long nhãn, dự kiến sẽ sản xuất khoảng gần 100 tấn long nhãn sấy khô. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày HTX tạo việc làm cho khoảng 150 lao động với thu nhập từ 200.000-300.000 đồng/người.

           

Nhận thấy hiệu quả trong liên kết sản xuất, gia đình chị Đỗ Thị Thìn, bản Tây Hồ, đã tham gia HTX Toàn Thắng. Trong quá trình trồng và chăm sóc cây nhãn, chị đã được các thành viên trong HTX chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch sản phẩm. Chị Thìn chia sẻ: Khi tham gia vào HTX, các thành viên được tập huấn từ khâu xử lý đất, chọn giống, bón phân, tưới nước, đến xử lý cho cây ra hoa đúng lúc và đúng cách; đồng thời, thực hiện chăm sóc sau thu hoạch, như cắt tỉa, loại bỏ những cành già, tạo tán cho cây phát triển vững chắc. Hiện, gia đình có hơn 1,5 ha cây quả các loại; trong đó, gần 1 ha nhãn, vụ này cho 7 tấn quả. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chúng tôi được HTX tư vấn chuyển sang làm long nhãn, ngoài ra gia đình còn thu mua khoảng 60 tấn nhãn của bà con trên địa bàn về làm long; tạo việc làm cho 50 lao động, với thu nhập từ 250.000-350.000 đồng/người/ngày.

           

Chủ động, linh hoạt trong chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, HTX Toàn Thắng không chỉ tạo điều kiện để các thành viên tiếp cận với những kỹ thuật mới, mà còn tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, HTX vẫn cần sự quan tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong kết nối chuyển giao kỹ thuật, đóng gói bao bì, tem, nhãn mác, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện công nghệ sấy, làm long nhãn sạch, theo hướng hiện đại để các sản phẩm long nhãn đạt sản phẩm OCOP, đủ điều kiện vươn xa ra thị trường quốc tế.

Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới