Giải pháp phòng ngừa ngộ độc rượu

Theo thống kê của Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), 6 tháng đầu năm nay, có 11 trường hợp ngộ độc rượu trong tình trạng hôn mê suy hô hấp được đưa vào cấp cứu. Dù được điều trị tích cực, nhưng vẫn có trường hợp tử vong, còn những trường hợp thoát khỏi “tử thần” cũng để lại những di chứng nghiêm trọng ở não, mắt do phù gai thị, hoại tử nhân bèo, mất não.

 

Bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chăm sóc bệnh nhân ngộ độc rượu.

 

Sau 10 ngày anh Vì Hải Châu, bản Nà Pồng, xã Phiêng Pằn (Yên Châu) nhập viện do ngộ độc rượu. Mặc dù đã tỉnh, nhưng anh Châu vẫn chưa nói được, mọi sinh hoạt cá nhân phụ thuộc vào người nhà giúp đỡ. Chị Vì Thị Thin (vợ anh Châu) kể: Ngày 12/6, anh Châu cùng bạn bè uống rượu từ 12 giờ đến khoảng 23-24 giờ về nhà và đi ngủ. Gia đình nghĩ anh say rượu nên ngủ say, đến 12 giờ ngày hôm sau thì phát hiện anh Châu bất tỉnh và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Sơn. Do bị hạ đường huyết, hôn mê sâu nên bệnh nhân được chuyển khẩn cấp đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu.

Bác sỹ Lương Bảo Chung, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chia sẻ: Mặc dù bệnh nhân Châu đã tỉnh, nhưng khả năng để lại di chứng về thần kinh khá nghiêm trọng. Đây chỉ là một trong những trường hợp nhập viện do ngộ độc rượu, dù người bệnh được cứu sống nhưng lại mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Điều nguy hiểm là rượu vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục dù liều không cao nhưng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh. Đặc biệt, 90% trường hợp ngộ độc rượu chứa methanol sẽ tử vong.

Thực tế cho thấy, đa số các ca ngộ độc rượu dẫn đến hôn mê, bất tỉnh là do uống rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường, đó là loại rượu pha cồn công nghiệp. Như vậy, một trong những giải pháp để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc rượu là tăng cường công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu và hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu. Ông Nguyễn Viết Thông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh thông tin: Từ năm 2017 đến nay, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tiến hành kiểm tra 142 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, phát hiện và xử lý 114 cơ sở, phạt tiền gần 290 triệu đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trên 223 triệu đồng, gồm 7.254 lít rượu, 49 thùng rượu các loại, 1.911 chai rượu.  Cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát sản phẩm rượu do người dân tự nấu, tự pha chế, kiểm tra các cơ sở nấu rượu bằng phương pháp thủ công, cơ sở kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu, các cửa hàng ăn uống để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền các quy định về quản lý nhà nước đối với sản phẩm rượu, tác hại của rượu giả, rượu kém chất lượng, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, cũng như cách nhận biết chất lượng của sản phẩm rượu.

Tuy nhiên, trên thực tế chưa có số liệu thống kê chính xác là hiện nay trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, lý do là bởi các cơ sở nấu rượu chủ yếu bằng hình thức thủ công nhỏ lẻ. Vì vậy, khó có thể kiểm tra được cơ sở đó có kinh doanh rượu hay không? Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh rượu, các cửa hàng dịch vụ ăn uống lại nhập rượu từ nhiều nguồn khác nhau, dẫn đến khó kiểm soát nguồn gốc cụ thể của từng loại rượu... Để góp phần hạn chế tình trạng ngộ độc rượu, thiết nghĩ, trước hết là ý thức của người sản xuất, kinh doanh rượu về bảo đảm an toàn thực phẩm sản phẩm rượu. Cùng với đó, các ngành chức năng tăng cường hơn công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các nhà hàng kinh doanh ăn uống, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Với những người tiêu dùng, nên lựa chọn sản phẩm rượu có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm chất lượng và nhất là không nên lạm dụng sử dụng rượu, bia.

Các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc rượu gồm: Lẫn lộn; ói mửa; động kinh; thở chậm (ít hơn tám hơi thở một phút); không thường xuyên hít thở; da xanh; thân nhiệt thấp; bất tỉnh...

Các biến chứng của ngộ độc rượu: Rượu là chất kích thích dạ dày, có thể gây nôn mửa; làm giảm phản xạ há miệng, nên tăng nguy cơ bị nghẹt thở vì chất nôn nếu uống rượu quá mức. Nếu vô tình hít phải chất nôn vào phổi, có thể dẫn đến một sự gián đoạn nguy hiểm hoặc gây tử vong do ngạt thở. Nôn quá nhiều dẫn đến mất nước nặng. Ngộ độc rượu nặng có thể gây tử vong, những người sống sót có thể có tổn thương não.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới