Giải pháp nào cho phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập: Kỳ II: Để giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển hiệu quả

Theo số liệu thông kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, giáo viên mầm non ngoài công lập trình độ trung cấp cao hơn (36,2%) so với các trường mầm non công lập (25,3%). Tuy nhiên, tỷ lệ giáo viên có trình độ đại học ở các trường mầm non công lập lại cao gần gấp đôi so với các trường mầm non ngoài công lập. Tại Thành phố, nơi được đánh giá có các điều kiện thuận lợi để phát triển cơ sở mầm non ngoài công lập, nguồn lao động dồi dào nhưng việc tuyển dụng, thu hút đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy, có chất lượng tốt vào công tác, gắn bó tại các cơ sở mầm non ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn.

Có cơ chế khuyến khích giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục

           

Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố cho biết: Tại các cơ sở mầm non ngoài công lập, các chính sách chi trả lương cho giáo viên chưa đủ khả năng thu hút giáo viên gắn bó ổn định tại các trường, nhóm trẻ độc lập tư thục. Đội ngũ giáo viên không ổn định đã gây nhiều khó khăn trong việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ giáo viên mầm non.            

Giờ học vẽ của Nhóm trẻ Happy house (Mộc Châu).

           

Năm học 2019-2020, do ảnh hưởng do dịch COVID-19, các trường học buộc phải đóng cửa thực hiện công tác phòng chống dịch. Trong 3 tháng nghỉ, các trường mầm non ngoài công lập, các nhóm trẻ không có nguồn thu, giáo viên không đảm bảo thu nhập... Đây cũng là một trong những nguyên do mà dù các trường mầm non ngoài công lập, các nhóm trẻ đã cải thiện chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên nhưng chưa thực sự hiệu quả, giáo viên vẫn mang tâm lý e ngại, vẫn tìm cơ hội việc làm đúng ngành nghề đào tạo hoặc thi tuyển giáo viên vào các cơ sở giáo dục công lập.

           

Hiện nay, theo phân cấp quản lý và quy định của Điều lệ trường mầm non: Các trường mầm non ngoài công lập do UBND huyện/thành phố quyết định thành lập; đối với các nhóm/lớp độc lập do UBND xã/phường/thị trấn cấp phép hoạt động; phòng GD&ĐT huyện/thành phố quyết định cho phép tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo đúng chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT.         

Những năm qua, công tác quản lý giáo dục mầm non ngoài công lập đã được chính quyền các cấp quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó là tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn. Công tác sơ kết, tổng kết; kiểm tra, giám sát; bồi dưỡng chuyên môn; thi đua khen thưởng... cũng được các cấp quản lý giáo dục triển khai bình đẳng với loại hình giáo dục mầm non công lập.

           

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nhóm trẻ tự phát, có quy mô nhỏ dưới 5 trẻ được người dân tự tổ chức trông giữ theo nhu cầu đặc biệt của phụ huynh. Những nhóm này nằm rải rác trong các khu dân cư, chưa được chính quyền sở tại cho phép thành lập hoạt động; một số nhóm, lớp được cho phép thành lập nhưng sĩ số trẻ/nhóm, lớp đang vượt quá nhiều lần so với quy mô được cấp thẩm quyền cho phép hoạt động. Bộ máy Ban giám hiệu một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chưa đủ về số lượng, năng lực quản lý hạn chế, do vậy gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

           

Quan tâm đầu tư nguồn lực

           

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã xây dựng những giải pháp để phát triển hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập, trong đó về quy hoạch, thu hút đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu để UBND tỉnh có cơ chế cho các trường tư thục được giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng; được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách đối với người học; UBND các huyện/thành phố tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp mở thêm các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục chất lượng cao, đảm bảo cho một bộ phận dân cư có mức sống cao, trẻ được thụ hưởng chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tốt hơn.

Cơ sở vật chất khang trang của Trường Mầm non Tư thục Ngọc Linh (Thành phố).

           

Bà Điêu Thị Dân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Ngành giáo dục đã kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo Ngân hàng đầu tư, Ngân hàng chính sách xã hội cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để phát triển trường, lớp mầm non tư thục. Ở địa phương, các tổ chức chính trị xã hội có thể vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ những thiết bị, đồ chơi ban đầu để tăng thêm tính thu hút trẻ đến với nhóm trẻ, trường, lớp mầm non tư thục. Tỉnh có cơ chế hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các trường mầm non ngoài công lập như: Đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Bên cạnh đó, ngành cũng đề nghị các chính sách thu hút giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non tư thục, giải pháp hỗ trợ cho giáo viên trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn.

Cán bộ Phòng Giáo dục và Đào Tạo Mộc Châu kiểm tra nội quy chuyên môn tại Trường Mầm non Ánh Sao.

           

Để tiếp tục phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng GD&ĐT tăng cường công tác kiểm tra cơ sở GDMNNCL để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ; giúp các chủ trường, chủ nhóm lớp về thủ tục, các điều kiện để mở lớp đúng quy định; quản lý chặt chẽ các cơ sở GDMNNCL, đảm bảo an toàn cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục. Quan tâm đến việc thực hiện các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển GDMN theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

           

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cần chủ động rà soát, tiếp tục tăng cường các điều kiện về cơ sở vất chất để đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ; có chế độ hỗ trợ giáo viên phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị để giáo viên yên tâm công tác tại trường. Quan tâm, hỗ trợ để các trường mầm non phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

           

Giảm tải cho các trường mầm non công lập

           

Hiện nay, trung bình ở trường mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ độc lập tư thục là 1 cô phụ trách 6-10 trẻ. Còn ở các trường mầm non công lập tỷ lệ giáo viên là 1 cô/13-17 trẻ; tỷ lệ trẻ trung bình 45 trẻ/lớp, trong khi đó tỷ lệ này ở các trường mầm non ngoài công lập thì thấp hơn, khi một giáo viên phụ trách quá nhiều trẻ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ. Trong khi các trường mầm non công lập chưa nhận trẻ dưới 24 tháng tuổi và số lượng trẻ dưới 30 tháng tới trường còn hạn chế thì những nhóm trẻ độc lập tư thục được mở ra để nhận trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi đang giải quyết được nhu cầu của phụ huynh, san sẻ gánh nặng quá tải ở các trường mầm non. Điển hình ở phường Tô Hiệu (Thành phố) có 2 trường mầm non và 3 nhóm trẻ độc lập, tư thục đáp ứng nhu cầu gửi trẻ không chỉ của cư dân địa bàn mà cả những khu vực lân cận với tỷ lệ huy động mẫu giáo đạt 100% và tỷ lệ huy động nhà trẻ đạt đến 73%.

           

Khu vui chơi của các bé Trường Mầm non Ánh Sao (Mộc Châu).

           

Chị Vũ Thương Huyền, phường Chiềng Cơi (Thành phố), chia sẻ: Hiện, con tôi được 16 tháng tuổi, ở lứa tuổi này thì các trường mầm non công lập chưa nhận trẻ. Trong khi đó ở các trường mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ, độc lập tư thục nhận trông giữ trẻ, đặc biệt còn có các dịch vụ khác linh hoạt, thuận lợi, như đưa đón trẻ tận nhà. Hơn nữa cơ sở vật chất cơ bản khang trang, số lượng trẻ không quá đông, cô giáo có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng con em của mình. Do đó, tôi đang tham khảo, lựa chọn trường mầm non ngoài công lập hoặc các nhóm trẻ, tư thục độc lập để gửi con. 

           

Phát triển loại hình giáo dục mầm non ngoài công lập đang là xu thế tất yếu và rất cần thiết. Giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển sẽ đóng góp nhiều cho xã hội cả về mặt giáo dục lẫn lợi ích kinh tế, xã hội. Đồng thời, làm tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em trong độ tuổi và làm giảm ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục mầm non, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng trong phát triển giáo dục mầm non.

           

Phong Lưu - Phan Trang

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới