Giải “bài toán” bảo vệ tài nguyên nước

Xả nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, nước thải sơ chế nông sản chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước không phải là chuyện mới. Nhưng sự việc này thường lặp đi, lặp lại tại một số khu vực, vị trí và thời điểm nhất định trên địa bàn huyện Thuận Châu, Mai Sơn, Thành phố nhiều năm nay đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người dân. Bài toán đặt ra làm thế nào để gắn khai thác, sử dụng với bảo vệ tài nguyên nước bền vững đang được ngành chức năng tính đến.

Báo động ô nhiễm môi trường nước

             

Theo kết quả điều tra, đánh giá từ 2 dự án Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước của Sở TN&MT thực hiện, thì tài nguyên nước mặt của tỉnh hàng năm vào khoảng 19 tỷ m³, trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác trên 3,4 triệu m³/ngày đêm. Đến tháng 3/2021, toàn tỉnh có 167 giấy phép tài nguyên nước thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh còn hiệu lực, với tổng lượng nước mặt đã được cấp giấy phép để khai thác gần 1,5 triệu m³/ngày đêm và lượng nước dưới đất trên 77,3 nghìn m³/ngày đêm.

             

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra khu vực chứa nước thải của Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Cát Quế, bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu).             

Ảnh: PV (Ảnh chụp thời điểm tháng 12/2020)

             

Tốc độ đô thị hóa, mật độ dân số đông và các ngành sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi phát triển nên nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao trong khi hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải từ hoạt động sơ chế nông sản, chăn nuôi chưa được chú trọng đầu tư. Một số chỉ tiêu chất lượng nước có xu hướng suy giảm nhanh so với các năm trước tại nhiều huyện.

             

Ví dụ, tại huyện Mai Sơn, kết quả quan trắc các thành phần môi trường nước mặt đợt 2 (tháng 11/2020) cho thấy nước suối Nà Hạ 1, vị trí chảy qua trước trụ sở UBND xã Chiềng Mung có một số chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép và không đạt giới hạn cho phép của quy chuẩn hiện hành. Theo ông Lò Văn Biên, Trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn, nguyên nhân là do trong khu vực có nhiều hộ sơ chế, chế biến cà phê nhưng chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định.

             

Cán bộ Phòng TN&MT huyện Mai Sơn quan trắc môi trường nước tại suối Nậm Pàn.             

Cùng nhận định, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Sơn La, thông tin: Công ty đang quản lý 34 nguồn nước được UBND tỉnh và Bộ TN&MT cấp phép và có 27 hệ thống cấp nước khác nhau trên địa bàn toàn tỉnh, với công suất thực tế 35.000 m³/ngày, cung cấp nước cho 55.178 khách hàng. Hằng năm, qua kiểm tra, giám sát khu vực đầu nguồn nước tại xã Muổi Nọi (Thuận Châu), xã Chiềng Mung (Mai Sơn), xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ (Thành phố) nhận thấy tình trạng các cơ sở sản xuất và nhiều hộ dân tự sơ chế cà phê không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đã xả thẳng nước thải ra môi trường. Vụ việc gần đây nhất, đầu tháng 12/2020, Xí nghiệp Cấp nước số 1 Thành phố (Công ty CP cấp nước Sơn La) phải thông báo ngừng cấp nước do nước đầu nguồn bị ô nhiễm bởi nước thải sơ chế cà phê làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của trên 15.000 hộ khách hàng trên địa bàn Thành phố.             

Chính tình trạng còn nhiều hộ gia đình sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi quy mô nhỏ, lẻ, thiếu hệ thống xử lý chất thải, nước thải hoặc có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn/quy chuẩn tại các vùng đầu nguồn cấp nước là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm cục bộ môi trường, nguồn nước tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh.

             

Chưa có cơ sở nào bị xử lý về hành vi xả thải?!

             

Trong năm 2020, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện 5 cuộc kiểm tra chuyên đề đối với 16 tổ chức và 48 cuộc thanh tra, kiểm tra đa lĩnh vực (trong đó có tài nguyên nước) đối với 84 tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh.

             

Qua kiểm tra phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc không lắp thiết bị giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; chưa thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung quan trắc, giám sát tài nguyên nước; hệ thống xử lý nước thải không đúng theo thiết kế đã được phê duyệt; chưa ban hành quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải... Đoàn đã lập biên bản xử phạt lĩnh vực tài nguyên nước, môi trường đối với 94 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền xử phạt hành chính trên 3,8 tỷ đồng.

             

Khu thu gom, xử lý nước thải của cơ sở chế biến cà phê, xã Mường Chanh (Mai Sơn).

             

Đáng nói, các cơ sở vi phạm đã ký cam kết không tái phạm, nhưng mức độ triển khai thực hiện các quy định pháp luật cũng như các phương án khắc phục còn thấp. Thậm chí việc xử phạt về hành vi xả nước thải rất khó thực hiện. Nguyên nhân được ông Nguyễn Việt Tiến, Phó trưởng Phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ ra: Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng quy định cá nhân vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường và nguy hại vào môi trường bị phạt từ 300 nghìn đồng đến 1 tỷ đồng tùy theo mức độ vi phạm. Tuy nhiên, việc xử phạt về hành vi xả nước thải rất khó thực hiện vì phải xác định được lưu lượng xả thải (phải có thiết bị đo lưu lượng và thực hiện ngay lúc đang xả thải), tiến hành phân tích để xác định hàm lượng thông số gây ô nhiễm, đôi khi nhận được thông tin cơ sở đang xả thải nhưng khi đến nơi thì đã dừng. Vì vậy, đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh chưa xử lý cơ sở nào về hành vi xả thải.

             

Giải pháp bảo vệ môi trường nước

             

Nói về giải pháp bảo vệ tài nguyên nước và môi trường nước trên địa bàn tỉnh, bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Giai đoạn 2018-2020, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Dự án lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt đối với Nhà máy cấp nước số 1, số 2 Thành phố và Nhà máy cấp nước Mai Sơn; tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Đây là những số liệu, dữ liệu cơ sở quan trọng nhằm phân vùng để quản lý, đề xuất giải pháp hữu hiệu giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm, thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và bảo vệ tài nguyên nước.

             

Sở TN&MT cũng đã đề xuất triển khai và thực hiện các nhiệm vụ quản lý, giám sát và phục hồi môi trường đối với các sông, suối chính trên địa bàn tỉnh sau khi đánh giá khả năng tiếp nhận nguồn thải. Rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo quy định của pháp luật...

             

Nhà máy chế biến cà phê của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La được xây dựng tại xã Chiềng Mung (Mai Sơn), có công suất chế biến 20.000 tấn quả tươi/năm. Công ty đã đầu tư 12 tỷ đồng xây khu thu gom, xử lý nước thải với công nghệ lọc – lắng sinh học kết hợp hóa lý, công xuất 200 m³/ngày đêm, đảm bảo nước sau thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường theo quy định của Bộ TN&MT.

             

Khu vực thu gom, xử lý nước thải của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La.             

Ông Vũ Việt Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, cho rằng: Để giải được bài toán ô nhiễm môi trường nước do hoạt động sơ chế nông sản đầu tiên phải phân loại từng nhóm cơ sở chế biến dùng nước; nghiên cứu đưa ra quy định về xử lý nước thải trên địa bàn phù hợp quy định pháp luật gồm: Tiêu chuẩn công trình, các phương pháp xử lý tương ứng và địa điểm... kèm theo lộ trình và luôn có 2 phương án sản xuất cho mỗi cơ sở lựa chọn. Cụ thể với cơ sở sơ chế cà phê hoặc chuyển địa điểm chế biến tới vùng an toàn mà tỉnh cho phép hoặc áp dụng công nghệ chế biến cà phê khô. Về dài hạn cho phép xã hội hóa đơn vị xử lý nước thải tập trung.

             

Cũng theo ông Thắng, chi phí xử lý nguồn nước thải bình quân công ty phải chi trả là 1,5 triệu đồng/1 tấn sản phẩm cà phê nhân. Đây là mức chi phí lớn trong lĩnh vực chế biến. Một con số khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ, liệu có phải chế tài xử phạt đối với hành vi xả, thải nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn ra môi trường hiện nay vẫn chưa đủ răn đe? Liệu có sự tính toán vì lợi nhuận mà có tổ chức, cá nhân biết nhưng cố tình vi phạm, sẵn sàng nộp phạt, vì tính ra số tiền nộp phạt thấp hơn nhiều so với chi phí đầu tư xử lý nước thải?

             

Thực tế đã và đang đặt ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ tài nguyên nước và môi trường nước. Để đạt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; 33% đô thị loại IV có hệ thống xử lý nước thải; 100% cơ sở có quy mô xả nước thải từ 1.000 m³/ngày đêm trở lên được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục và truyền dữ liệu để quản lý theo quy định... như kế hoạch và chương trình hành động kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) ngành Tài nguyên và Môi trường đề ra rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chung tay của cả cộng đồng, trước hết là trách nhiệm của các doanh nghiệp, HTX, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới