Giấc mơ Israel trên đồng đất Sơn La

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp Giàng A Dạy, bản Rừng Thông, xã Mường Bon (Mai Sơn) là chàng thanh niên có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Nghe nhiều về em, nhưng trực tiếp nghe em nói về ước mơ, hoài bão của mình, chúng tôi thật sự cảm phục nghị lực của chàng thanh niên trẻ. Bằng những kiến thức nông nghiệp tích lũy được sau gần 1 năm làm việc tại Israel, Giàng A Dạy về quê hương ứng dụng những kiến thức đã học để gây dựng nên khu vườn trồng rau sạch.

Em Giàng A Dạy chăm sóc cây giống và vườn rau hữu cơ.

Vất vả học nghề trên đất khách

Dưới cái nắng gắt của thời tiết tháng tư, con đường vào bản Rừng Thông, bản người Mông của xã Mường Bon bụi mù đất. Hỏi đường vào nhà Dạy không khó, người dân ở đây rất nhiệt tình dẫn tôi đến tận nhà, bởi trước đây, đã rất nhiều người hỏi vào nhà em, để học tập, đặt mua cây giống hoặc các sản phẩm rau, củ. Sinh năm 1993, khi đang là sinh viên năm cuối khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tây Bắc, trước khi chuẩn bị tốt nghiệp, biết có chương trình tu nghiệp khởi nghiệp tại Israel, Giàng A Dạy đã đăng ký. Với chàng thanh niên này, 11 tháng làm việc vất vả trên đất khách đã giúp bản thân thay đổi toàn bộ tư duy về sản xuất nông nghiệp. Thắc mắc tại sao lại chọn đất nước Israel để học tập, Dạy chia sẻ: Ngay từ khi học cấp 3, em đã thấy yêu đất nước Israel vì sự sáng tạo. Là quốc gia rất nhỏ với hơn 8 triệu dân nhưng Israel được biết là quốc gia khởi nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Hơn nữa, bản em ở rất thiếu nước, vào mùa khô gần như không thể canh tác được. Cả năm, người dân chỉ trông chờ vào một vụ ngô. Em hi vọng, sang Israel sẽ học hỏi được công nghệ tưới của họ. Và khi đặt chân đến đây, em thấy quyết định của mình hoàn toàn đúng.

Ngay khi đặt chân đến Israel, Giàng A Dạy được làm việc tại một trang trại ươm cây giống của tập đoàn cây giống lớn thứ 3 Israel. Nơi làm việc là nhà lưới giữa sa mạc, nhiệt độ rất nóng, thường xuyên ở mức 42 độ C, độ ẩm thấp, khô. Trong môi trường làm việc ở đây, Dạy được trực tiếp tham gia các công đoạn: bảo quản hạt giống, ươm giống, cách chăm sóc cây giống, cách chăm sóc cây khi ngoài cánh đồng. Dạy được chứng kiến trên vùng đất của đá, sa mạc khô cằn và độ dốc lớn, để trồng trọt, người dân Israel phải san ủi đá, đổ một lớp cát dày 30-40 cm, có nơi còn mua đất ở nơi khác về để trồng trọt. Không tưới tràn, lãng phí nước như ở Việt Nam mà áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt với hệ thống ống tưới chằng chịt nằm sâu trong đất. Các chất dinh dưỡng, phân bón được hòa cùng với nước sẽ đưa một lượng vừa đủ đến từng gốc rau.  Giàng A Dạy nhen nhóm giấc mơ sau khi trở về Việt Nam sẽ xây dựng một vườn ươm giống và trồng rau hữu cơ trên chính quê hương mình.

Dạy kể, một ngày làm việc ở Israel kéo dài 8 tiếng. Trong 1 tuần, em và các bạn sẽ có 5 ngày thực hành tại trang trại, một ngày đến trung tâm để học lý thuyết liên quan đến ngành trồng trọt và 1 ngày nghỉ. Do đam mê học hỏi, Dạy đã xin ông chủ 1 mảnh vườn rộng 100 m2, để mày mò, thử nghiệm. Thời gian lên giảng đường, những bỡ ngỡ, Dạy lại mang lý thuyết về thực hành tại mảnh vườn của chính mình, tất cả những phương pháp mà em chắt lọc từ công nghệ của Israel mà em nghĩ phù hợp với điều kiện của đất nước mình. Phân bón em sử dụng là loại phân bón đơn giản nhất từ phân chuồng, phân ủ từ rơm rạ của lúa mì, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Thời gian thử nghiệm trên mảnh đất 100 m2 này đã giải đáp hầu hết các thắc mắc của Dạy, vì vậy, khi về Việt Nam, bắt tay vào sản xuất em không gặp trở ngại, khó khăn gì.

Hiện thực hóa giấc mơ

Tháng 8 năm 2016, Giàng A Dạy về nước. Với đam mê áp dụng những kiến thức đã học để sản xuất ra các sản phẩm rau sạch cung cấp ra thị trường, chưa về nhà ngay, Dạy dành 1 tuần dừng chân tại Thủ đô để tìm hiểu thị trường tiêu thụ các sản phẩm rau sạch, trao đổi email, số điện thoại với những cửa hàng rau, nơi cung cấp hệ thống tưới của Israel và phân phối hạt giống chuẩn để về áp dụng trên quê hương mình. Về nhà, Dạy bắt tay vào làm vườn ươm rộng 100 m2 với các giống cây: su hào, bắp cải tím, củ hồi Israel, cải thảo, cà chua, 1 vài giống nhập từ Israel về và gần 3 ha đất trồng các loại rau củ, quả. Đang vào mùa khô hạn nhất trong năm, nhưng Dạy vẫn quyết tâm sản xuất tiếp các loại rau trái vụ. Để khắc phục khó khăn về nguồn nước tưới, Dạy đã huy động 1 số anh em trong bản cùng giúp đào đường ống kéo nước từ trên đỉnh núi cách nơi trồng rau khoảng 2 km, dựng các bể chứa nước bằng tre, bạt và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt (nước chỉ nhỏ ra từng giọt đúng chỗ cây trồng trên đường ống dẫn và sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế sự bốc hơi nước). Do vậy, chỉ cần tưới 2 lần/tuần mà rau vẫn tươi tốt và giòn ngọt... Vườn rau hữu cơ 100% nên để phòng trừ sâu và các loài sinh vật gây bệnh, Dạy không dùng các chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, mà sử dụng hỗn hợp tỏi, gừng, ớt pha với rượu trắng để xịt vào cây. Hợp chất này tạo mùi hăng, chống sâu bệnh và cũng dễ bị rửa trôi, không ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Nói về hiệu quả thu hoạch sau gần một năm, Dạy chia sẻ: Trong vườn có hơn chục loại rau củ trồng xen canh và bán được quanh năm. Hiện tại, em đang cung cấp rau cho một công ty thực phẩm trong thành phố Hồ Chí Minh và một số cửa hàng rau, củ quả sạch trên địa bàn thành phố Sơn La. Toàn bộ lợi nhuận ban đầu, em dành để đầu tư hệ thống tưới, màng phủ nông nghiệp, mua ống dẫn nước. Phải đến đầu năm nay mới lời chút, khoảng 40 triệu đồng.

Ngoài việc trồng và chăm sóc vườn rau của gia đình, Giàng A Dạy còn tích cực tham gia công tác đoàn của bản. Hiện, Dạy đang là Bí thư chi đoàn bản Rừng Thông. Chia sẻ về tương lai, Dạy cho biết: Là một đảng viên trẻ, lại có cơ hội đi học tập ở nước ngoài, em luôn mong muốn sẽ sử dụng những kiến thức của mình đã học được để bản Mông của mình đổi mới, thoát nghèo. Thời gian tới, em dự định sẽ cùng một số hộ trong bản thành lập hợp tác xã chuyên trồng rau và cây ăn quả sạch.

Việc một sinh viên trẻ mới ra trường như Dạy, chọn vườn rau hữu cơ để khởi nghiệp thật sự đáng nể. Không nhiều những bạn trẻ bây giờ có được suy nghĩ và cách làm mới như vậy. Là thực phẩm sạch không hóa chất, sản phẩm rau của Dạy chắc chắn sẽ được thị trường đón nhận.

 

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới