Giá vật tư nông nghiệp tăng nông dân gặp khó

Trong bối cảnh giá các mặt hàng nông sản đều đang gặp khó về đầu ra do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thì vài tháng trở lại đây, giá các loại vật tư nông nghiệp như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại đồng loạt tăng giá, khiến nhiều nông dân phải tính toán lại khi đầu tư vào sản xuất.

Cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Mai Sơn.

Ảnh: PV

Tìm đến đại lý chuyên bán phân bón, ngô giống, hạt giống, rau giống Thảo Hòa, tại Ki ốt 32, Chợ trung tâm Thành phố. Tuy là thời kỳ cao điểm nông dân bón phân cho các loại cây trồng vụ hè thu, nhưng cửa hàng rất ít người đến mua. Bà Nguyễn Thị Bích Hòa, chủ đại lý, cho biết: Gần hai tháng nay, tất cả giá các loại phân bón đều tăng hơn năm ngoái từ 10% trở lên. Cụ thể: Giá phân đạm tăng từ 9.000 lên 12.000/kg; giá phân bón lót NPK tăng từ 4.200 lên 4.800 đồng/kg; giá các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 20-30%... Lượng tiêu thụ của cửa hàng cũng giảm 30% so với năm trước.

Trên địa bàn huyện Sông Mã, giá các loại phân bón cũng tăng rất cao. Anh Lò Văn Huỳnh, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Huỳnh Dung, xã Mường Sai, cho  biết: Vật tư nông nghiệp tăng cao nhất là phân đạm Urê Hà Bắc, cùng kỳ năm 2020, tại cửa hàng chỉ có giá khoảng 6.600 đồng/kg thì hiện đang bán với giá 12.000đồng/kg, tương đương tăng 5,4 triệu đồng/tấn. Phân NPK các hãng có mức tăng trung bình 1 triệu đồng/tấn; giá các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 1-3,5%.

Theo các chủ đại lý, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, thì giá nhiều loại phân bón có mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, nguyên nhân là do ảnh hưởng của thị trường thế giới, giá nguyên liệu đầu vào bị đẩy lên và giá cước vận chuyển tăng do dịch bệnh COVID-19 khiến mặt hàng phân bón càng tăng mạnh.

Theo tính toán của nhiều nông dân, giá phân bón chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật cũng chiếm từ 30%-40%, thậm chí cao hơn nếu cây trồng bị nhiễm dịch, bệnh. Thời điểm này, nông dân đang phải tập trung bón phân cho cây trồng vụ hè thu, giá phân bón tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân.

Gia đình chị Bạc Thị Tâm, bản Ót Nọi, xã Chiềng Cọ (Thành phố) trồng 2,8 ha mận xen cà phê, lượng phân bón cần đủ với diện tích đó khoảng 4 tấn phân NPK và đạm. Tuy nhiên, năm nay mận không được giá, giá phân bón tăng cao nên gia đình chị chỉ đủ tiền mua 50% lượng phân bón so với mọi năm. Chị Tâm buồn rầu: Mọi năm, riêng thu từ mận hơn 100 triệu đồng, nhưng vụ vừa rồi chỉ được 30 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi chỉ đủ tiền mua 1,5 tấn phân NPK Lâm Thao và 5 tạ phân đạm Urê Hà Bắc đã mất gần 15 triệu đồng, còn lại phải dành tiền để trang trải cuộc sống từ giờ đến cuối năm.

Anh Cà Văn Biên, Trưởng bản Ót Nọi cho biết: Bản có 112 hộ, thu nhập chủ yếu là trồng mận xen cây cà phê, tổng diện tích 104 ha. Do dịch bệnh COVID-19 gây khó khăn trong tiêu thụ nông sản, nhất là mận. Bà con năm nay thu nhập thấp, giờ giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại tăng, càng gây khó cho bà con trong bản. Riêng gia đình tôi, trồng hơn 1,2 ha mận xen cây cà phê, để bón đủ cho diện tích thì cần mỗi loại phân khoảng 1,5 tấn phân lân Lâm Thao và 3 tạ phân đạm Urê Hà bắc, với giá phân tăng như hiện nay, gia đình sẽ mất thêm 2 triệu đồng so với mọi năm.

Việc giảm đầu tư cho sản xuất có thể ảnh hưởng tới năng suất các loại cây trồng. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, ứng dụng các phương pháp canh tác lúa cải tiến, sản xuất theo cánh đồng một giống để tiết kiệm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

 

 

Người dân mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Bà Võ Thị Vân Anh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Chúng tôi đang hướng dẫn bà con tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như lá cây, rơm rạ để ủ, tạo ra nguồn phân hữu cơ, phân vi sinh bón cho các loại cây trồng. Các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh khi ủ đạt yêu cầu sẽ tơi xốp, đem bón trực tiếp cho cây trồng với lượng 5-10 tạ/trên 360 m², có thể dùng bón lót hoặc bón thúc đều rất tốt, nhằm đảm bảo chất lượng cây trồng.

Để vượt qua cơn “bão giá” các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nông dân cần căn cứ tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả nhất và sử dụng theo nguyên tắc 5 đúng (đúng chủng loại phân, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng thời vụ, thời tiết và đúng phương pháp). Các ngành chức năng tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; xử lý nghiêm tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng và tình trạng đầu cơ, tích trữ, găm hàng, thổi giá lên cao của các đại lý; khuyến khích nông dân áp dụng các tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm phân bón hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, giúp bà con có thêm những mùa bội thu.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới