Duy trì nghề làm gốm truyền thống ở Mường Chanh

Nhắc đến sản phẩm gốm, thế hệ trẻ hôm nay ít người biết, đồng bào dân tộc Thái ở xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn có nghề làm gốm thủ công từng nổi tiếng một thời với các sản phẩm chủ yếu, như: Chum, bình có quai, lọ cổ nhỏ đựng rượu... Ngày nay, trước sự phát triển đa dạng của các sản phẩm gốm hiện đại, nghề làm gốm thủ công truyền thống ở Mường Chanh dần bị mai một, nhưng vẫn còn 2 hộ gia đình đang tiếp tục duy trì nghề làm gốm truyền thống.

Ông Hoàng Văn Nam, bản Noong Ten, xã Mường Chanh (Mai Sơn) với các sản phẩm gốm truyền thống.

Chúng tôi tới thăm gia đình ông Hoàng Văn Nam, 75 tuổi, bản Noong Ten, là một trong 2 gia đình còn lưu giữ nghề gốm truyền thống ở Mường Chanh. Trong ngôi nhà sàn có nhiều sản phẩm gốm mới ra lò. Ông Nam chia sẻ: Từ ngày còn bé, tôi đã được làm gốm cùng cha và theo mẹ mang gốm đi bán hoặc đổi lấy vải, gạo, gà, lợn... Lúc đó, gốm Mường Chanh rất có giá trị và nghề gốm nuôi sống được cả gia đình.

Để làm ra sản phẩm gốm Mường Chanh, nguyên liệu phải là loại đất dẻo, đất sét pha cao lanh có chất lượng tốt với nhiều màu sắc, như: Xanh xám, đen, vàng, hanh đỏ và loại đất này chỉ ở xã Mường Chanh mới có. Để lấy đất, sau mỗi vụ gặt lúa, ông Nam phải  đào sâu khoảng 1m ở ruộng mới tới lớp đất làm gốm dày khoảng 20-50cm. Sau khi lấy được đất về, phải giã đất thật nhuyễn và dẻo, sau đó mới tạo hình trên bàn xoay bằng thớt gỗ tròn có đường kính khoảng 40 cm, cao 20 cm, úp trên một trụ gỗ chôn chặt dưới gầm sàn.

Để làm đáy bình hoặc lọ, đầu tiên phải rắc một lớp tro mịn chống dính lên bàn xoay, đặt miếng đất sét lên mặt, miết xung quanh cho đất dính chặt vào bàn, dùng gậy gỗ dát mỏng, làm nhẵn mặt đáy, sau đó lấy dao tre cắt đáy kết hợp quay bàn xoay thành một vòng tròn quanh đáy sản phẩm. Sau khi hoàn thành phần đáy, chuyển sang đắp nặn để tạo thành sản phẩm, dùng 2 tay vê đất thành thỏi dài, tay phải cầm thỏi đất, vừa xoay vừa be đất tạo vòng, cứ thế nối tiếp nhau để tạo ra sản phẩm. Sau tạo hình, để làm cho sản phẩm nhẵn dùng mảnh tre, gỗ mỏng để chỉnh hình và chuốt. Trong quá trình nặn gốm, để chống dính phải nhúng tay vào chậu nước hay tro bếp. Cuối cùng, dùng sợi móc cắt miệng, lấy giẻ ướt vén đất tạo thành miệng sản phẩm. Tạo hình hoàn chỉnh thì mới bước sang công đoạn tạo hoa văn. Sau khi tạo hình sản phẩm và được phơi hoặc sấy khô thì đến công đoạn nung gốm. Đây là khâu quyết định chất lượng sản phẩm. Lò nung gốm được đào ở chỗ đất cứng tránh bị sập vào mùa mưa với kiểu lò hầm, hình dáng mu rùa. Sau đó chọn ngày nắng ráo, xếp sản phẩm vào lò thành một lớp, không để chồng lên nhau và cũng không lồng cái nhỏ vào cái to; xếp xong mới bắt đầu nung gốm. Ban đầu, đốt nhỏ lửa để sấy gốm cho khô, khi nhìn qua lỗ thông hơi thấy gốm chuyển sang màu hồng lửa, mới tăng thêm củi cho gốm chín. Khi thấy miệng ống khói trắng bạc và ngọn lửa vọt lên khỏi miệng ống khói chừng 1m có màu hồng trông thẳng đứng, nghĩa là gốm đã chín. Để tạo màu sắc cho gốm, người thợ lấy lá cây dẻ cho vào lò rồi lấp cửa, lấp ống khói, trong quá trình ủ, lá dẻ cháy tạo thành khói đen ám vào sản phẩm và sinh ra màu xám đen đặc trưng của gốm Mường Chanh. Thời gian nung gốm mất 1 ngày, sau đó ủ tiếp gốm trong lò tạo độ chắc, bền cho gốm đến khi nguội hẳn mới dỡ lò.

Những năm gần đây, ông Nam thường xuyên được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Thái Nguyên mời đi thực hành làm gốm truyền thống cho khách du lịch xem. Vì vậy, mỗi năm gia đình ông Nam chỉ nung được 5 lò gốm, mỗi lần nung khoảng 40 sản phẩm to, nhỏ. Sau khi bán, trừ hết chi phí còn lãi được hơn 10 triệu đồng/lò. Ông Nam, cho biết: Sản phẩm gốm Mường Chanh đến nay vẫn được nhiều người tìm mua, nhất là khách du lịch rất thích loại gốm làm thủ công và không tráng men.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ông Nam đã nghiên cứu và cải tiến mẫu một số sản phẩm đẹp hơn. Đến nay, ông đã truyền kỹ thuật làm gốm cho con trai với mong muốn lưu giữ nghề truyền thống của cha ông để lại. Rất mong các ngành chức năng phối hợp với địa phương hỗ trợ để lưu giữ nghề gốm truyền thống Mường Chanh.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới