ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN: Kỳ 2: Những bản hùng ca

Con đường vận chuyển trên biển trở thành một kỳ tích, một huyền thoại bởi được xây nên từ những tấm gương anh dũng hy sinh của lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số. Nhiều con tàu ra khơi không trở lại; nhiều đồng chí, đồng đội vĩnh viễn yên nghỉ nơi biển cả mênh mông. Các anh đã viết nên những bản hùng ca bất tử, quyết bảo vệ sự sống còn của con đường mang tên Bác, vì ngày đại thắng của dân tộc.

                                 

Bến tàu không số K15 - Đồ Sơn, Hải Phòng.   

Ảnh: Tư Liệu

           

Năm 1961, trước yêu cầu tăng cường vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương yêu cầu các tỉnh Nam Bộ nghiên cứu, mở đường ra Bắc. Ngày 6/1/1961, ông Nguyễn Văn Đức (Bến Tre) cùng 5 đồng đội là những người đầu tiên mở đường ra Bắc trên những chiếc tàu đánh cá. Mục đích chuyến đi này là khảo sát tình hình hoạt động của địch, địa hình, đường đi trên biển. Chỉ với con tàu gỗ ọp ẹp, không la bàn, chỉ duy nhất có tấm bản đồ bằng tờ báo và dùng đũa đo tỷ lệ, ước lượng quãng đường đi, họ đã vượt 2.000 km ra đến vùng giải phóng.

           

Trong cuốn sách “Thiên hùng ca bất tử Đường Hồ Chí Minh trên biển” (Bộ sách về Chủ quyền biển đảo Việt Nam, Nxb Thanh niên, năm 2012), Thiếu tá Nguyễn Văn Đức, nhớ lại: Khi ấy, đi trên biển, đầu không đội trời, chân không đạp đất, mình chỉ có một con tàu lẻ loi đơn độc, đòi hỏi tinh thần, trách nhiệm của người cán bộ chỉ huy tàu thật tỉnh táo và thông minh, nếu sơ sảy là bị “đánh”. Những người chiến sĩ quả cảm khi ấy chỉ tâm niệm một điều: Không sợ chết mà chỉ sợ không hoàn thành nhiệm vụ.

           

Trên những chuyến “tàu không số”, nhiều cán bộ chỉ huy, thuyền trưởng, chính trị viên, thuyền phó đã thể hiện sự xử trí tài tình, mưu trí, điều khiển con tàu tiếp tục giữ vững hành trình vào Nam và đối phó linh hoạt với các tình huống xảy ra. Ngày 30/2/1968, một tàu không số của ta chở 50 tấn vũ khí vào cửa sông Mỹ Á (Đức Phổ - Quảng Ngãi), chỉ còn 25 km nữa là đến đất liền thì địch phát hiện. Tàu của ta phải đương đầu chống trả với hàng chục tàu và máy bay của Mỹ - Ngụy, chúng điên cuồng bắn phá, ta cương quyết vừa đánh trả vừa rút lui. Trận đánh ác liệt đó có 3 chiến sỹ đã hy sinh; 12 chiến sỹ bị thương, chiếc tàu buộc phải châm bộc phá hủy nổ để giữ bí mật. Sau 35 ngày điều trị, bình phục vết thương, họ lên đường hành quân bộ ra Bắc để tiếp tục những hải trình mới.

           

Bến tàu không số Hải Phòng còn được biết đến với cái tên thân thương “bến Nghiêng”.  

Ảnh: Tư Liệu

           

Những năm 1971 và 1972, tình hình biển Đông căng thẳng, địch tăng cường phong tỏa, ráo riết lục soát trên biển, các đoàn tàu không số không thể ra khơi. Trong khi đó, chiến trường miền Nam đang rất cần vũ khí đạn dược và nhu yếu phẩm để phục vụ chiến đấu. Một chiến sĩ Đoàn tàu không số là Tư Mao (tên thật là Phan Văn Nhờ, quê xã Long Điền, Giá Rai, Bạc Liêu) đã đề nghị với Quân khu “dùng thuyền hai đáy” vận chuyển vũ khí. Là người đi biển hiểu luồng lạch, con nước, hải trình, hải đồ, bến bãi, cùng với quyết tâm cao, ông Tư Mao đã góp phần vận chuyển nhiều chuyến hàng thuận lợi, thành công. Sau đó, những chiếc tàu không số bị bại lộ, một số cán bộ, chiến sĩ của ta bị địch phát hiện, Trung ương quyết định cho tạm dừng để nghiên cứu phương án mới. Mong muốn được tiếp tục đưa hàng về Nam, tiếp viện kịp thời cho tiền tuyến, ông Tư Mao đề xuất được phẫu thuật thay đổi khuôn mặt của mình để địch không nhận ra. Trải qua 2 cuộc phẫu thuật thay đổi khuôn mặt, xoay lật toàn bộ da đầu, chấp nhận bao đau đớn, ông đã có khuôn mặt khác hẳn, khiến người thân quen cũng khó nhận ra. Ông lại qua mắt địch, ra khơi và chỉ huy những chuyến tàu chở vũ khí, hàng hóa vào Nam thành công.

           

Còn chuyến tàu mang số hiệu 645 của Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Hiệu (Thăng Bình, Quảng Nam) bị địch phát hiện. Ông Hiệu đã bình tĩnh yêu cầu đồng đội rời tàu, một mình ông ở lại quyết định đánh bộc phá hủy nổ để tàu và tài liệu không rơi vào tay địch. Cuốn “Thiên hùng ca bất tử Đường Hồ Chí Minh trên biển”, (Bộ sách về Chủ quyền biển đảo Việt Nam, Nxb Thanh niên, năm 2012) đã ghi lại lời nhắn gửi cuối cùng của ông Hiệu với đồng đội là: “Về báo cáo với Đoàn là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Hãy bơi đi”. Ít phút sau khi đồng đội đã rời tàu an toàn, một tiếng nổ lớn, con tàu vỡ làm đôi và chìm dần xuống biển. Đồng đội ông trở về trong niềm cảm phục, tiếc thương người chỉ huy quả cảm.

           

Cũng trong cuốn “Thiên hùng ca bất tử Đường Hồ Chí Minh trên biển” (Bộ sách về Chủ quyền biển đảo Việt Nam, Nxb Thanh niên, năm 2012), Đại tá Phạm Duy Tam (quê Hải Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), kể về những chuyến đi của đoàn tàu không số Đoàn 759 của ông: “Ai trong số chúng tôi cũng đều hiểu rằng, mỗi lần ra đi là một lần nguy hiểm và đứng giữa ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, song mọi người đều thanh thản, nhẹ nhõm, không có biểu hiện dao động nào”. Một trong những việc làm trước khi lên đường, đó là lễ truy điệu sống cho tất cả những người đi làm nhiệm vụ trên các chuyến tàu không số. Ông Tam là người may mắn, vì được đồng đội làm lễ truy điệu sống 7 lần, nhưng vẫn bình an trở về.

           

Những hy sinh cho ngày toàn thắng không chỉ ở những người chiến sĩ các con tàu không số, mà còn ở cả hậu phương của họ. Đó là những người vợ của chiến sĩ Đoàn tàu không số được cho phép “bí mật” gặp chồng, rồi sau đó mang thai, nhưng vì nhiệm vụ bí mật, họ phải giấu kín với tổ chức, quê hương, gia đình. Chịu bao oan ức trước cái nhìn khắt khe, dè bỉu của hàng xóm, láng giềng, thậm chí bị khai trừ ra khỏi Đảng... nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, chờ ngày giải phóng mới được minh oan, khôi phục Đảng tịch, được bà con láng giềng chia sẻ, cảm thông.

           

Thành công của các chuyến tàu không số và con đường mòn huyền thoại trên biển còn có sự đóng góp của rất nhiều những chiến sĩ “vô danh”. Họ là những thợ máy, phụ trách kỹ thuật, sửa chữa tàu, tham gia huấn luyện, phụ trách quân khí…, âm thầm góp sức làm nên những kỳ tích lớn lao, góp phần sớm đưa đất nước đến ngày toàn thắng.

   (Còn nữa)

           

Thái Hà (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới