Đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân

Những năm qua, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu đã thực hiện tốt việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân trên địa bàn, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Dây chuyền sản xuất chè của HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận.

           

Ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm, thông tin: Thực hiện phương châm cầm tay chỉ việc, đơn vị đã phân công cán bộ phụ trách từng xã để tư vấn, hướng dẫn phù hợp với khả năng tiếp thu của người dân; tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện triển khai nhiều mô hình nông nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất.

           

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn sản xuất cho gần 6.600 lượt người, chủ yếu về kỹ thuật làm mạ, các biện pháp phòng chống rét cho mạ; chăm sóc, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh hại lúa, cây trồng trên nương, rau màu; kỹ thuật bón phân, tỉa mầm, phòng trừ sâu bệnh hại cây ăn quả, cây công nghiệp; phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh dịch trên đàn vật nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời; cách xây chuồng trại chăn nuôi đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng về mùa hè... Đến nay, toàn huyện có 3.500 ha cây ăn quả được trồng bằng giống chất lượng cao; hình thành 10 liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, như: Xoài, thanh long ruột đỏ, chanh leo, khoai sọ, cà phê...

           

Vườn ổi Đài Loan hơn 300 cây của gia đình anh Lường Văn Quảng, bản Lạnh, xã Tông Lạnh, được trồng thẳng hàng, xanh tốt, quả được bao túi cẩn thận. Anh Quảng cho biết: Nhận thấy ổi Đài Loan là cây dễ trồng, nên tôi mua giống về trồng thử nghiệm, một năm sau đã cho thu hoạch, bán được giá. Tôi được tham gia các buổi tập huấn của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ bón, bao túi cho trái, phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, tôi còn được huyện hỗ trợ làm hệ thống phun mưa, tưới nhỏ giọt với diện tích 8.000 m², tổng thu nhập từ cây ăn quả trên 100 triệu đồng/năm.

           

Còn tại xã Phổng Lái, từ năm 2018, HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn xây dựng mô hình canh tác theo phương pháp hữu cơ, bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX, cho biết: HTX đang liên kết với gần 400 hộ dân trồng và chăm sóc chè. Trung bình mỗi năm, HTX bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi cho bà con và sản xuất 500 tấn chè khô cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Đặc biệt, mô hình 10 ha chè sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học và thuốc trừ sâu sinh học thảo mộc sẽ giúp HTX nâng tầm thương hiệu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

           

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu đã và đang là “cầu nối” đưa khoa học kỹ thuật đến với người dân, góp phần từng bước làm thay đổi phương thức canh tác, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới