Du lịch Sơn La hội nhập và phát triển bền vững

Trên địa bàn tỉnh ta hiện còn nhiều cánh rừng nguyên sinh, khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ; cảnh quan thiên nhiên phong phú và hấp dẫn, hệ thống hang động đẹp; Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu được ví như một cỗ máy điều hòa khổng lồ; hồ Thủy điện Sơn La, du lịch Bắc Yên và thành phố Sơn La hứa hẹn nhiều tiềm năng, hấp dẫn mời gọi du khách.

 

 

HTX Quỳnh Nhai Travel kinh doanh dịch vụ du lịch trên lòng hồ thủy điện Sơn La

 Ảnh: Trung Hiếu

 

Cùng với đó, Sơn La có 12 dân tộc anh em luôn đoàn kết gắn bó thủy chung đã và đang bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, được lưu truyền, gìn giữ qua các thế hệ, như: Kiến trúc nhà ở độc đáo, lễ hội truyền thống phong phú hấp dẫn giàu bản sắc; nhiều làn điệu dân ca, xòe Thái, nhảy sạp, múa chuông, nhảy tha khềnh... nhiều nghề truyền thống, như dệt và thêu thổ cẩm, rèn công cụ sản xuất, nghề đan mây tre; ẩm thực dân tộc ngon, phong phú, hấp dẫn;... Từ thành phố đến vùng cao, biên giới có hơn 3.000 đội văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả, thể hiện văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo của các dân tộc. Khu Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Đền vua Lê Thái Tông, Tháp cổ Mường Và, Hang A Phủ, Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á, cầu Pá Uôn cao nhất Việt Nam, Quảng trường Tây Bắc... đã và đang là điểm nhấn thu hút khách du lịch.

 

 

Khách tham quan đồi chè trái tim, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

 

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh đã quan tâm nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch. Qua đó, xây dựng quy hoạch, mời gọi đầu tư, xây dựng khu, điểm, bản du lịch; đầu tư hệ thống nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn; quản lý, quảng bá tài nguyên du lịch; đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức sự kiện du lịch; xây dựng tour, tuyến trọng tâm... đã và đang có những khởi sắc, từng bước đi vào chuyên nghiệp, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phát triển du lịch của cả nước. Năm 2019, hoạt động du lịch của tỉnh đã thu hút khoảng 2.500 nghìn lượt khách đến với Sơn La, trong đó, khách quốc tế khoảng 110 nghìn lượt; doanh thu 1.915 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thực tiễn phát triển du lịch của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, bởi còn nhiều khó khăn về giao thông, điện lưới, nước sạch vào các khu, điểm du lịch; xúc tiến đầu tư, tổ chức sự kiện du lịch chưa hấp dẫn, nguồn nhân lực thiếu và yếu; cơ chế chính sách còn thiếu, chưa có tính đột phá; phối hợp liên ngành, liên vùng trong phát triển du lịch chưa hiệu quả...

 

Để tạo đà cho du lịch Sơn La hội nhập và phát triển bền vững, có tính chuyên nghiệp, khai thác được tiềm năng lợi thế, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh cần  xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, mang tính đột phá, xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt, đẳng cấp, tiếp cận công nghệ 4.0, từng bước hình thành kho dữ liệu để phát triển du lịch thông minh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm giàu từ tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Cấp ủy, chính quyền các cấp xác định phát triển du lịch là khâu đột phá, là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đồng hành của doanh nghiệp và nhân dân. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tiềm năng thế mạnh, khâu đột phá của du lịch tới cán bộ, đảng viên và nhân dân tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động. Quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; giữ gìn, tôn tạo di sản văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường để phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, huy động hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư, phát triển du lịch theo quy hoạch, có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong cả nước, nhất là thành phố Hà Nội, các tỉnh vùng Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào về phát triển du lịch. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch theo hướng Nhà nước - Doanh nghiệp - khách du lịch và người dân đồng hành, chia sẻ. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch đảm bảo về số lượng và nâng cao chất lượng, mang tính chuyên nghiệp. Qua đó, từng bước đưa du lịch Sơn La phát triển hiệu quả, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới