Du lịch cộng đồng ở Đông Sang

Những năm gần đây, hoạt động du lịch cộng đồng của huyện Mộc Châu nói chung và xã Đông Sang nói riêng ngày càng phát triển, thu hút đông đảo du khách, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Khu du lịch rừng thông bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu) thu hút đông đảo du khách.

Khu du lịch cộng đồng ở bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu) là điểm đến lý tưởng với du khách trong và ngoài nước. Ngoài cảnh sắc thiên nhiên, đến với bản Áng, du khách sẽ được hòa mình vào những điệu múa xòe Thái, những làn điệu dân ca cổ, trải nghiệm ngủ nhà sàn truyền thống, nằm đệm bông gạo, thưởng thức những món đặc sản của núi rừng, như: thịt trâu gác bếp, cá suối nướng, xôi ngũ sắc, rau rừng... và không thể quên hương nồng của rượu ngô men lá, tất cả tạo nên nét đặc trưng riêng của du lịch nơi đây.

Ông Vì Văn Hạnh, chủ nhà nghỉ cộng đồng Phương Anh 2, bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu), chia sẻ: Được huyện Mộc Châu hỗ trợ giúp đỡ, gia đình tôi cải tạo ngôi nhà sàn 5 gian để làm nhà nghỉ cộng đồng, phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Sau hơn 2 năm hoạt động, mô hình nhà nghỉ cộng đồng của gia đình phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, gia đình còn một đồi mận 1,5 ha để phục vụ du khách tham quan, ngắm cảnh và trải nghiệm thực tế.

Phát triển du lịch cộng đồng đã tạo nên sự gắn kết, chia sẻ của các hộ, đặc biệt là HTX Du lịch bản Áng, xã Đông Sang được thành lập vào cuối năm 2017 với 37 thành viên. Từ khi thành lập đến nay, HTX là cầu nối giữa các công ty du lịch với người cung cấp dịch vụ trên địa bàn xã. Chị Lữ Thị Thuận, Giám đốc HTX Du lịch bản Áng, cho biết: Các thành viên HTX ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh đã bỏ vốn, công sức để đầu tư, như: Cải tạo khuôn viên, làm phòng nghỉ, nhà vệ sinh, xây tường rào xung quanh nhà nghỉ cộng đồng. Đến nay, các thành viên HTX đều phát triển tốt, thái độ và phong cách phục vụ ngày càng được cải thiện, phục vụ tốt hơn nhu cầu du khách khi đến tham quan, trải nghiệm và tham gia các hoạt động sinh hoạt thường ngày ở Đông Sang.

Để quản lý tốt hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng du lịch trên địa bàn xã Đông Sang, huyện Mộc Châu đã chỉ đạo xã Đông Sang xây dựng quy định chi tiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động du lịch cộng đồng; các ban, ngành của xã tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, kịp thời phát hiện, xử lý đối với các trường hợp xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn; kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ đối với các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch trong việc thực hiện các quy định kinh doanh dịch vụ, như: Niêm yết giá du lịch, thực hiện các quy định về thống kê, khai báo lưu trú với cơ quan chức năng theo quy định; có thái độ lịch sự, hòa nhã, thân thiện trong việc đón tiếp, phục vụ khách du lịch; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Xây dựng nét đẹp văn hóa con người Mộc Châu”.

Chị Hoàng Kiều Ngân, du khách đến từ thành phố Hà Nội, mỗi lần đến với Mộc Châu chị đều lựa chọn các nhà nghỉ cộng đồng ở bản Áng, xã Đông Sang để gia đình nghỉ ngơi. Chị tâm sự: Ở đây giá cả vừa phải, không khí trong lành, mát mẻ; được thăm quan những đồi hoa cải trắng xóa, những ngôi nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc. Nhiều nghề truyền thống được giữ gìn, như: đan lát, làm đệm bông gạo và dệt thổ cẩm, cùng với những sản phẩm: Khăn piêu, áo thổ cẩm, túi xách, rèm cửa, khăn tay... được làm bởi những đôi bàn tay khéo léo của người địa phương. Đây là những món quà độc đáo tôi lựa chọn cho gia đình và người thân.

Đồng chí Lò Thị Bình, Bí thư đảng ủy xã Đông Sang, thông tin: Toàn xã hiện có 40 nhà nghỉ cộng đồng với sức chứa 300 khách. Trong năm 2018, đã đón tiếp khoảng 32.000 lượt du khách đến thăm quan, tổng doanh thu ước đạt 3,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 105 người dân. Du lịch cộng đồng không chỉ tạo ra hiệu ứng tích cực thu hút khách đến với các vùng nông thôn, mà còn tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đây là một hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân, gắn sản xuất với du lịch, dịch vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, tại các vùng nông thôn, mô hình du lịch cộng đồng ra đời là bước chuyển đổi tích cực, góp thêm cách làm giàu bền vững ngay trên những mảnh đất giàu tiềm năng du lịch. Du lịch cộng đồng hiện mang lại nhiều lợi ích, không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới