Đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất

Xác định công tác khuyến nông góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Nhai đã tích cực khảo sát thực tế, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, tổ chức hội thảo đầu bờ, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nông dân phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững.

 

Mô hình trồng chanh leo tại xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Thanh Cương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin: Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 470 lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, khuyến ngư, khuyến công và một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đói rét cho đàn vật nuôi cho gần 19.000 lượt người. Thông qua các lớp tập huấn, người dân được tiếp thu kiến thức, trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ; nuôi gia cầm an toàn; trồng chanh leo, bưởi diễn, su su trên đất dốc. Cùng với triển khai tập huấn kỹ thuật sản xuất, từ đầu năm đến nay, Trung tâm còn xây dựng các mô hình sản xuất, cải tạo vườn tạp và ghép mắt cây ăn quả tại 10 xã, với sự tham gia của 2.468 hộ, tổng kinh phí gần 500 triệu đồng; mô hình nuôi ong lấy mật tại xã Chiềng Khay quy mô 100 đàn, với sự tham gia của 5 hộ dân; mô hình trồng 54 ha xoài tại bản Huổi Ná, xã Chiềng Ơn; nuôi hươu sao, ngựa bạch tại xã Mường Giôn...

Để tìm hiểu về cách tư vấn, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chúng tôi về Chiềng Khay, xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện. Trao đổi với chị Lò Thị Luyến, cán bộ khuyến nông xã được biết, ở Chiềng Khay người dân chủ yếu trồng ngô, sắn, nhưng do chưa áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, đất xói mòn nên năng suất thấp. Trước thực tế trên, cán bộ khuyến nông đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho người dân; tổ chức cho bà con đi tham quan, học tập mô hình kinh tế hiệu quả..., qua đó, thay đổi tư duy trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, nhiều loại cây trồng mới, như su su, mắc ca, chanh leo... được người dân đưa vào trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 35%.

Còn tại xã Chiềng Khoang, với sự tư vấn, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi của cán bộ khuyến nông và thú y xã, người dân đã áp dụng kỹ thuật trong chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi. Hiện nay, toàn xã có gần 4.000 con trâu, bò; 31.000 con gia cầm. Ông Quàng Văn Hiệp, bản Là Pát, cho biết: Được sự hỗ trợ về kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, gia đình tôi đã biết cách phòng, chống dịch bệnh, tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi. Đồng thời, thực hiện che chắn chuồng trại, thu gom rơm làm thức ăn dự trữ vào mùa đông, nên đàn gia súc của gia đình được chăm sóc, bảo vệ tốt.

Hiện nay, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Nhai đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân về trồng cây ăn quả trên đất dốc; thâm canh lúa theo phương pháp SRI. Đồng thời, giới thiệu một số giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của huyện, từng bước nâng cao trình độ canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới