Đổi thay trên đỉnh Hồng Ngài

Cũng giống như các xã vùng cao khác của huyện Bắc Yên, để đến được Hồng Ngài, chúng tôi đi theo con đường vắt vẻo qua nhiều ngọn đồi, với những con dốc dựng đứng, vực thẳm hun hút. Dẫu vậy, điều đó không làm giảm sự háo hức của chúng tôi vì được đặt chân lên quê hương của “Vợ chồng A Phủ” trong câu chuyện nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài.

Trạm Y tế xã Hồng Ngài (Bắc Yên) được đầu tư xây dựng khang trang.

Đi cách trung tâm huyện lỵ Bắc Yên khoảng 3 km, đứng trên đỉnh một con dốc, phóng tầm mắt về phía xa, chúng tôi vẫn nhìn thấy một góc của thị trấn Bắc Yên, cảm giác rất khó tả. Đi thêm chừng 5 km nữa, trước mắt chúng tôi là bản Hồng Ngài, cũng là bản trung tâm của xã. Đường khó đi là thế, mà trên những sườn đồi dốc, bà con nông dân vẫn thâm canh trồng dong riềng. Đang mùa thu hoạch, thỉnh thoảng lại gặp bà con từng tốp đang đóng bao củ dong riềng để chở về nhà hoặc bốc xếp lên xe ô-tô tải vào tận đây “ăn hàng”.

Hồng Ngài trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" trước đây là một vùng quê nghèo của đồng bào Mông, chỉ toàn những căn nhà nhỏ lúp xúp, cheo leo bên sườn núi; quanh năm, người dân chỉ trồng ngô, trồng đay và lúa nương, chăm chỉ, chịu khó, làm quần quật cả năm cũng chỉ để nộp tô cho quan nha, thống lý. Thêm nữa, Hồng Ngài xưa cây thuốc phiện được trồng khá phổ biến. Cũng bởi tập quán canh tác lạc hậu nên trải qua nhiều năm, đất đai bạc màu, trên các triền đồi, nương rẫy chỉ còn trơ lại lớp đất cằn cỗi, trồng cây gì cũng khó.

Hôm nay đến trung tâm xã Hồng Ngài, chúng tôi ngỡ ngàng về cuộc sống mới đang khởi sắc với những “thay da đổi thịt” hết sức nhanh chóng trên vùng đất này. Đó là những ngôi nhà mới lợp ngói đỏ tươi, những ngôi nhà xây kiên cố; tuyến đường nông thôn được đổ bê-tông rộng rãi, sạch sẽ. Từng tốp học sinh theo nhau đi học, tiếng cười, tiếng nói trong trẻo vang lên không ngớt. Các bác nông dân vừa đi làm nương, vừa bàn luận rôm rả về giá bán dong riềng và những nông sản vừa thu hoạch... Đón chúng tôi tại trụ sở UBND xã, sau cái bắt tay thật chặt, đồng chí Lường Văn Thì, Phó Chủ tịch UBND xã vui vẻ cho biết: Hồng Ngài bây giờ khác lắm rồi, những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiện diện tích cây ăn quả của xã có tới hơn 73 ha, diện tích đã cho thu hoạch trên 18 ha. Xã đang vận động người dân chuyển mạnh diện tích nương đã bạc màu sang trồng các loại cây dược liệu như nghệ vàng, sa nhân, đinh lăng...; người dân Hồng Ngài chăm chỉ lao động, chịu khó học hỏi những kiến thức sản xuất mới để áp dụng vào thực tế, nên cuộc sống không khổ như trước nữa.

Cũng theo anh, người dân xã Hồng Ngài đã thay đổi phương thức chăn nuôi, từng bước xóa bỏ tập quán thả rông đàn vật nuôi. Bà con nhận thức được, nếu thả rông gia súc, gia cầm sẽ dễ mắc dịch bệnh; trâu, bò phá hoại cây trồng trên nương. Vì vậy, bà con bảo nhau làm chuồng chăn nuôi; thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh định kỳ cho đàn vật nuôi; một số hộ trồng cỏ lấy thức ăn cho trâu, bò nhốt chuồng... đàn vật nuôi của Hồng Ngài được duy trì và phát triển tốt, toàn xã hiện có 2.536 con trâu, bò; 1.484 con dê; 1.725 con lợn và 11.833 con gia cầm.

Trong câu chuyện kể của người dân, trước đây khi con đường nhựa chưa về với xã, cuộc sống của người dân gần như cô lập bởi đường khó đi, cả tháng có khi người dân chỉ xuống huyện một lần để mua nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hoặc chở nông sản đem bán. Trong khó khăn, người dân Hồng Ngài đã giúp nhau phát triển kinh tế thông qua việc vận chuyển nông sản đi tiêu thụ. Trước năm 2014, con đường từ thị trấn Bắc Yên đến Hồng Ngài chưa được cứng hóa, muốn vận chuyển nông sản ra huyện để bán, người dân chỉ có cách chở bằng xe máy, vừa tốn kém, vừa mất nhiều thời gian đi lại, nhất là khi trời mưa nông sản bị ướt khó bán. Cũng có thương lái vào xã thu mua, nhưng với giá thấp hơn từ 3-5 giá so với bán tại thị trấn Bắc Yên. Trước thực tế đó, ông Mùa A Páo và ông Mùa A Sềnh cùng ở bản Mới (xã Hồng Ngài) đã vay tiền mua xe ô-tô vận tải để chở nông sản cho bà con, với mong muốn nông sản của người dân trong xã sẽ không bị ép giá. Dù cuộc sống gia đình chưa thật khá giả, nhưng khi vận chuyển nông sản, hai ông chỉ nhận tiền công ở mức đủ chi phí nhiên liệu và một chút thu nhập cho gia đình. Bây giờ đường đi đã thuận lợi hơn, việc vận chuyển nông sản cũng bớt khó khăn hơn trước, nhưng người dân trong xã vẫn nhắc câu chuyện này, bởi họ trân trọng sự tương thân, tương ái, sự giúp đỡ khi họ khó khăn.

Rời Hồng Ngài, chúng tôi nhớ mãi câu chuyện người dân trong xã đoàn kết giúp nhau vượt khó vươn lên; sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền xã trong việc lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân trong xã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa... Chúng tôi tin trong tương lai gần, nơi đây sẽ là vùng quê trù phú, đời sống người dân sẽ có nhiều sự đổi thay trên quê hương Hồng Ngài.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới