Đổi thay ở Trung Châu

“Trung Châu bây giờ khác trước nhiều lắm! Bà con Trung Châu luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chăm chỉ lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình, bản làng văn hóa, tích cực giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc dân tộc, chung sức xây dựng quê mới” - Ông Trần Công Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cang (Sông Mã), nói với chúng tôi trên đường về thăm bản Trung Châu.

 

Các hộ bản Trung Châu, xã Chiềng Cang (Sông Mã) đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc.

Dọc hai bên đường về bản, dưới cánh đồng lúa chín vàng, người dân đang tập trung thu hoạch lúa xuân; trên những sườn đồi, không khí thu hoạch xoài cũng đang diễn ra khá nhộn nhịp. Người dân vui vì xoài năm nay được mùa, được giá, thương lái đến tận nơi mua, có cả doanh nghiệp nhập hàng đem đi xuất khẩu. Đang hái xoài, anh Trần Văn Trung, cười nói: Xoài nhà tôi được thu hoạch năm thứ 3 rồi, cây nào cũng sai trĩu, quả to, mẫu mã đẹp. Vì ngay từ đầu vụ, thực hiện đúng cách chăm bón, nên hơn 5.000 m² xoài lai của nhà tôi năm nay thu hoạch được khoảng trên 12 tấn quả, với giá bán từ 23 đến 24 nghìn đồng/kg như hiện nay, thì trừ chi phí, vụ xoài này gia đình tôi thu về ngót 300 triệu đồng. Năm nào cũng xuất khẩu được như năm nay thì chúng tôi vui lắm, có thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm làm ra không sợ bị ế, người dân chúng tôi yên tâm lao động sản xuất.

Trên con đường bê tông nội bản rộng rãi mới được hoàn thành, chúng tôi tới nhà ông Nguyễn Mạnh Hào, Bí thư chi bộ bản Trung Châu. Trong câu chuyện với ông, chúng tôi được biết: Hiện bản Trung Châu có 101 hộ, 478 nhân khẩu, 100% là người dân quê gốc Hà Tây lên đây xây dựng vùng kinh tế mới từ năm 1975 của thế kỷ trước. Bà con đặt tên bản Trung Châu để nhớ về quê cha, đất tổ, vì quê gốc của bà con là xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Trải qua năm tháng, Trung Châu được đánh giá là bản luôn đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế của xã, đời sống của bà con luôn ổn định, nhiều hộ khá giả, diện mạo Trung Châu ngày càng khởi sắc...

Sản xuất nông nghiệp được bà con đầu tư, thâm canh. Người dân Trung Châu đang tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, nên đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Hiện, bản có gần 120 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, 60 ha cây ăn quả (45 ha cây nhãn, 15 ha xoài), gần 60 ha đất trồng ngô, lúa; tổng sản lượng lương thực của bản hằng năm ước đạt gần 800 tấn, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được người dân trong bản chú trọng, cả bản có gần 11.000 con gia súc, gia cầm. Thu nhập bình quân đạt gần 20 triệu đồng/người/năm. Bản có 38 hộ khá, giàu (15 hộ thu nhập từ 500 triệu đến 700 triệu đồng/năm, 23 hộ thu nhập từ 250 triệu đến 350 triệu đồng/năm), tỷ lệ hộ nghèo của bản Trung Châu dưới 3%.

Cùng với vận động bà con phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền và Ban công tác Mặt trận của bản luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng và phong phú thông qua loa truyền thanh, lồng ghép vào các buổi họp bản... Đặc biệt, phát huy vai trò, uy tín của người cao tuổi vận động bà con thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy ước của bản; tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tập thể, xây dựng nếp sống văn minh, loại bỏ các tệ nạn xã hội... Bản duy trì 1 đội bóng đá, 1 đội bóng chuyền, 1 đội văn nghệ thường xuyên tập luyện, giao lưu và biểu diễn phục vụ bà con trong và ngoài bản vào các dịp lễ, tết, để người dân rèn luyện sức khỏe, tạo không khí vui tươi, lành mạnh. Ngoài ra, 7 nhóm liên gia tự quản hoạt động tích cực góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, nhiều năm nay, bản không có người nghiện ma túy. Năm 2018, trên 80% số hộ được công nhận gia đình văn hoá, 100% số hộ được xem truyền hình; 100% gia đình thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu, việc hỷ và lễ hội, nhiều năm liền bản được công nhận bản văn hóa cấp huyện; 100% nhà ở được kiên cố hóa; học sinh trong độ tuổi được đến trường...

Chia tay bản Trung Châu, chúng tôi gặp những chiếc xe tải chở đầy thóc và những chiếc xe máy nối đuôi nhau chở đầy ắp những sọt xoài về nơi tập kết chuẩn bị xuất bán cho doanh nghiệp. Cảm nhận về một vùng quê đổi mới bên dòng Sông Mã, góp sức cùng chính quyền địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới