Đổi công ngày mùa - nét đẹp trong đời sống của đồng bào miền núi

Những ngày này, khi lúa mùa đang đà chín rộ, trên các cánh đồng đều có thể dễ dàng bắt gặp từng tốp người gặt, tuốt lúa nhộn nhịp, đông vui. Mỗi ngày, họ tập trung gặt lúa trên cánh đồng của một nhà, rồi chuyển từ nhà nọ sang nhà kia đến khi hết mùa gặt. Đây là hình thức đổi công được đồng bào các dân tộc miền núi duy trì qua các thế hệ, trở thành nét đẹp trong đời sống.

Lối sống cộng đồng đã hình thành thói quen sinh hoạt của đồng bào các dân tộc từ bao đời nay ở các bản làng Sơn La. Mỗi gia đình dù có việc to, việc nhỏ đều có sự quan tâm, giúp sức của bà con dân bản, nhất là những ngày mùa bận rộn. Nhà nào lúa chín trước thì bà con lại tập trung gặt cho nhà đó, luân phiên nhau theo hình thức một công đổi một công. Nhà ông Triệu Văn Hoa, bản Co Phay, xã Tân Lập (Mộc Châu) có nhiều đất ruộng nhất trong bản, với hơn 1ha. Ông Hoa kể: Mỗi mùa, gia đình đều phải cấy thành 3, 4 đợt để lúa không chín cùng một lúc. Đến khi gặt, có thời điểm, gia đình phải “mượn” đến hơn 30 người gặt trong một ngày mới xong. Đến nay, toàn bộ diện tích ruộng đã chia cho các con ra ở riêng, nhưng gia đình vẫn duy trì việc cùng nhau cấy và đổi công gặt lúa lúc thu hoạch.

           

Ngày mùa kéo dài đến cả tháng, từ gặt, tuốt, phơi, sàng sảy. Công việc đòi hỏi phải nhanh chóng, kịp thời bởi mùa gặt thường có mưa, áp thấp kéo về, lúa phải gặt nhanh để còn kịp đưa về nhà phơi, bảo quản trước khi mưa đến. Người dân tộc miền núi đa số ở các nơi đều chỉ có một mùa lúa, nên ai cũng quý trọng từng hạt gạo, cứ ruộng lúa nhà nào chín trước là cả xóm tập trung hỗ trợ thu lúa nhanh cho kịp. Công gặt lúa có thể được đổi bằng công phát cỏ, đào củ dong, trồng ngô, hay hái chè. Dù hiện nay ở nhiều nơi đã có máy gặt, máy tuốt lúa hỗ trợ, nhưng bà con vẫn duy trì việc đổi công nhau trong những ngày mùa.

           

Không riêng gì mùa gặt, đồng bào miền núi còn duy trì việc đổi công trong suốt cả năm. Hết mùa trồng trọt, mùa cấy cày rồi đến mùa thu ngô, hái quả. Mùa nào việc nấy, đã cùng xóm, cùng bản thì sẽ cùng nhau làm mọi việc, khi đã đổi công, ai cũng coi việc nhà khác giống như việc của nhà mình mà chân thật, nhiệt tình dù công việc có nặng nhọc hay vất vả đến mấy.

           

Bà Lò Thị Sinh, bản Pe, xã Sốp Cộp (Sốp Cộp) chia sẻ: Ở các bản vùng sâu, vùng xa, bà con không ai thuê người khác làm nương, làm ruộng cho nhà mình bao giờ. Cứ nhà ai có việc cần thêm người giúp, ước lượng công việc trong ngày cần bao nhiêu công thì nhờ bấy nhiêu người trong bản đến làm, đổi công nhau hết mùa này đến mùa khác. Nhờ thế mà công việc đồng áng, nương rãy dù mệt nhọc đến đâu cũng nhẹ nhàng hơn bởi có nhiều người cùng làm, cùng chia sẻ.

           

Hình thức đổi công đã trở thành một nét sinh hoạt gắn liền với đời sống thường ngày của bà con các bản làng miền núi. Việc ruộng đồng, nương rẫy quanh năm vốn đã nhọc nhằn, nên đổi công như một cách để mượn sức của cộng đồng, tập thể giúp công việc thường ngày, giúp năng suất hơn. Mọi người cùng làm việc, cùng trò chuyện vui vẻ, xua tan những mệt nhọc, vất vả nghề nông, giúp gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm, cộng đồng.    

           

Thảo Nguyên

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới