Độc đáo nghề vẽ tranh tường

Trang trí nhà cửa bằng những bức tranh được gắn trên tường đã rất quen thuộc với các hộ gia đình, nhà hàng, quán cafe..., hay những bức vẽ Graffiti trên những bức tường nơi đường phố đã không còn xa lạ với người dân. Nhưng với sự phát triển của thời đại, những đổi mới, sáng tạo trong thiết kế không gian, đã tạo nên trào lưu vẽ tranh trên những bức tường của gia đình, nhà hàng, lớp học..., giúp các họa sỹ có thêm không gian để sáng tạo nghệ thuật. Đồng thời, cũng là điều kiện giúp họ có thêm việc làm, nâng cao thu nhập.

 

Anh Lưu Đình Tuất đang thực hiện phác thảo cho tác phẩm.

Các bức tranh phong cảnh, làng quê với nét đẹp mộc mạc, giản dị và gần gũi, cảnh sinh hoạt thường ngày hay các đồ vật thân thuộc... là chủ đề mà không ít quán cafe, nhà hàng, một số trường mầm non trên địa bàn Thành phố lựa chọn, trang trí những bức tường hay trần nhà. Với màu sắc phong phú, nét vẽ tinh tế, những bức tranh tường rộng lớn khiến mọi người có cảm giác như được hòa mình cùng thiên nhiên, cảnh vật.

Anh Lưu Đình Tuất, người đã có kinh nghiệm trên 5 năm vẽ tranh tường, cho biết: Để vẽ được một bức tranh tường rất cần nhiều yếu tố. Ngoài việc có năng khiếu về hội họa, cần phải có con mắt thẩm mỹ, biết chọn chủ đề phù hợp với địa điểm vẽ. Tranh tường chia ra làm 2 yếu tố là màu sắc và bố cục. Hiện nay, thể loại đang rất được ưa chuộng là tranh 3D, tranh cổ điển miêu tả hoạt động của những năm tháng bao cấp..., đòi hỏi người họa sỹ phải có trình độ, kỹ thuật và hiểu biết, óc sáng tạo mới thể hiện được hết thần thái của bức tranh, khiến người xem có cảm giác như đang sống trong chính bức tranh đó.

Theo một số họa sỹ chuyên vẽ tranh tường, tranh tường thường được vẽ ở không gian ngoài trời nên họa sỹ rất khó tập trung. Vất vả nhất là vẽ các mảng tường tại các không gian và địa hình không thuận lợi ở trên các tầng cao. Chẳng hạn như vẽ mây trên trần nhà phải ngửa mặt liên tục, rất mỏi cổ, rất dễ bị ngã. Việc lựa chọn màu sơn để bắt đầu vẽ tranh tường, phải sơn lót trắng từ 1 - 2 lần, sau đó lên ý tưởng cho khung tranh. Người vẽ phác hình, bố cục bức tranh và lên màu. Sau khi vẽ xong, họa sĩ thường phủ tiếp một lớp dầu bóng để giữ màu cho tranh và giúp bức tranh có chiều sâu hơn. Về chất liệu vẽ, nếu trong nhà thì sử dụng sơn dầu, acrylic, hoặc sơn 3D, ngoài trời có thể sơn Nikko, Toa... tùy vào từng không gian để sử dụng các loại chất liệu vẽ khác nhau giúp giữ bức tranh bền màu.

Những dòng tranh dễ vẽ như tranh ở các trường học có giá khoảng 200.000 - 300.000 đồng/m²; tranh vẽ phong cảnh, đời sống sinh hoạt giao động khoảng 350.000 - 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/m². Riêng dòng tranh 3D có những bức lên đến 3 - 4 triệu đồng/m². Tuy nhiên, giá tiền của tranh còn phụ thuộc vào thương hiệu, trình độ của họa sĩ, gu thẩm mỹ của khách hàng. Có người vẽ những bức tranh đơn giản có thể chỉ cần vài tiếng là xong, tranh phức tạp hơn mất từ 2 - 4 ngày. Một số bức tranh còn có giá từ 10 - 15 triệu đồng/bức.

Là một người rất thành công trong nghề vẽ tranh tường, chị Đào Huyền Trang, tổ 3, phường Quyết Thắng, chia sẻ: Nghề vẽ tranh tường nhìn thì đơn giản nhưng rất kỳ công, đòi hỏi người vẽ vừa phải có tính khoa học, vừa phải đam mê và am hiểu nhất định không gian sinh hoạt, văn hóa chung của nơi thực hiện đề tài. Cùng với đó là phải hiểu, “chiều” ý khách hàng. Vẽ tranh tường trong nhà là những sáng tác có mục đích và chịu chi phối về đề tài của chủ nhà. Người vẽ thường truyền tải thông điệp nào đó theo mong muốn của chủ nhà. Vẽ tranh tường tạo cơ hội cho người vẽ thỏa sức sáng tạo, thăng hoa trong từng nét chấm phá, mang đến những hình ảnh cá tính, chân thực, mềm mại.

Có thể thấy rằng tranh tường không chỉ ngoài việc làm đẹp cho không gian, mà nó còn có sức hút đối với rất nhiều những bạn trẻ đam mê nghệ thuật, không những vậy, còn có thể đem lại lợi ích về kinh tế đối với người nghệ sỹ. Hy vọng rằng, loại hình nghệ thuật này sẽ ngày càng phát triển, tô điểm cho không gian cũng như cảnh quan tại các khu vực công cộng khác.

Đức Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới