Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

 Ngày 18/10, Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em giai đoạn từ 1/1/2015 đến 30/6/2019 trên địa bàn tỉnh. Dự cuộc giám sát có các đồng chí: Nhâm Thị Phương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thành phố của tỉnh.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện

chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tính đến ngày 30/6/2019, toàn tỉnh có 383.330 trẻ em, chiếm 31,1% dân số trên địa bàn tỉnh, trong đó có 356.354 trẻ đang học từ bậc mầm non đến THPT; 30.548 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc nhóm trẻ được quy định trong Luật Trẻ em năm 2016. Theo thống kê, từ 2015 đến 30/6/2019, toàn tỉnh có 129 trẻ em bị xâm hại; đã khởi tố, điều tra 112 vụ, 135 bị can với các hành vi: hiếp dâm, dâm ô trẻ em, giao cấu với trẻ em, mua bán trẻ em và các hành vi khác. Các địa bàn xảy ra hành vi xâm hại trẻ em nhiều nhất là Sông Mã, Phù Yên, Quỳnh Nhai, Thành phố… Đối tượng phạm tội chủ yếu là những người quen biết, hàng xóm của trẻ em, thậm chí là người ruột thịt, người thân trong gia đình. Các đối tượng thường lợi dụng lúc các cháu ở nhà một mình hoặc ở những nơi vắng vẻ, dụ dỗ các cháu đi chơi, cho tiền, đồ chơi… để thực hiện hành vi xâm hại, đặc biệt có trường hợp cho các cháu uống rượu, bia, uống các chất kích thích khác, gây những tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Đại diện Công an tỉnh báo cáo làm rõ một số nội dung Đoàn Giám sát đề nghị tại buổi giám sát.

Tại cuộc giám sát, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những tồn tại, hạn chế sau 5 năm triển khai, thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét, bổ sung các nội dung cụ thể, liên quan đến xử lý các hành vi xâm hại trẻ em vào các điều luật để tăng sức răn đe; quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ thêm nguồn lực cho tỉnh Sơn La để thực hiện các mục tiêu Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 – 2020 và Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm để các địa phương học tập nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng ngừa xâm hại trẻ em.

Phát biểu tại cuộc giám sát, đồng chí Nguyễn Đắc Quỳnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, kiểm tra, đánh giá, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về trẻ em và các hoạt động về bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các đơn vị, địa phương; đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em, trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng các điểm vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em...

 

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới