Diện mạo mới từ Nghị quyết 30a

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, tỉnh ta có 5 huyện được thụ hưởng chương trình (huyện nghèo), gồm: Phù Yên, Bắc Yên, Mường La, Quỳnh Nhai và Sốp Cộp. Sau 10 năm thực hiện, bộ mặt nông thôn các địa phương thụ hưởng chương trình đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống đồng bào được cải thiện và nâng cao.

Người dân bản Chanh, xã Song Pe (Bắc Yên) được hỗ trợ dê giống theo Nghị quyết 30a.

Mục tiêu cơ bản của Nghị quyết là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở các huyện nghèo xuống dưới 40% vào năm 2010; 25% năm 2015 và 15% năm 2020, tỉnh ta đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương; giao các ngành, UBND các huyện nghèo hướng dẫn, đôn đốc, triển khai thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo đến từng đối tượng được thụ hưởng; tuyên truyền, phổ biến chính sách giảm nghèo tới người dân, qua đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy nội lực, vươn lên làm giàu chính đáng.

10 năm qua, các huyện nghèo đã cử hơn 16.500 lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, kiến thức quản lý kinh tế - xã hội, kỹ năng xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội. Điều động, luân chuyển, tiếp nhận 126 cán bộ từ tỉnh, huyện về xã đảm nhận các cương vị lãnh đạo chủ chốt. Thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú tăng cường về các huyện nghèo, từ năm 2012 đến nay, đã có 49 trí thức trẻ được tăng cường làm phó chủ tịch UBND các xã; kết thúc Dự án, 100% đội viên đều được bố trí, sắp xếp công việc phù hợp.

Bên cạnh đó, các nguồn hỗ trợ, các chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước đã đến được với người dân. Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm và các điều kiện nhằm nâng cao mức sống. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các huyện từ nguồn vốn của chương trình 30a, chương trình 135, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tiến hành nhanh, hiệu quả gắn với huy động, lồng ghép nguồn lực của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp, tập đoàn đã đem lại bộ mặt mới cho nông thôn miền núi. Trong 10 năm (2009-2018), tổng kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trên 2.038 tỷ đồng và nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp: Tổng Công ty Sông Đà, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông I trên 71 tỷ đồng; các huyện nghèo được đầu tư xây dựng 502 công trình, gồm 132 công trình giao thông, 131 công trình thủy lợi cấp huyện, liên xã, 84 công trình nước sinh hoạt, 43 công trình điện sinh hoạt, 11 trường học, 5 cơ sở dạy nghề tổng hợp, 65 nhà văn hóa, 21 bệnh viện, trạm y tế, 8 trung tâm cụm xã và 2 công trình chợ; duy tu, bảo dưỡng 34 công trình hạ tầng.  Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên 3.000 tỷ đồng của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, trên 90.000 lượt hộ nghèo, 6.900 hộ cận nghèo và 2.000 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất; trên 7.000 lượt hộ được vay vốn đầu tư công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 9.500 lượt hộ được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn; gần 3.300 lượt học sinh, sinh viên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay ưu đãi tham gia học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các trường dạy nghề... Qua đó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao đời sống của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Có thể nói, từ những chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng, quan tâm hỗ trợ các điều kiện để phát triển sản xuất đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện thụ hưởng chương trình đã tạo sự thay đổi lớn về hạ tầng thiết yếu, đem lại lợi ích cho người nghèo nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung; tạo ra những chuyển biến tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nền kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch vững chắc. Năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/năm (tăng 12 triệu đồng so với năm 2015); 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành xóa nhà tạm trên địa bàn các huyện nghèo; 184/204 xã có đường ô-tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa, 1.966/3.324 bản có trục đường giao thông được cứng hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật; 100% số xã trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia, 90,8% số bản có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, 80% diện tích cây trồng hàng năm được đáp ứng nhu cầu tưới tiêu; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 45%; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 25,42%; tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại 5 huyện nghèo giảm mạnh... Năm 2018, Phù Yên, Quỳnh Nhai thoát nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 7/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện, trên địa bàn tỉnh còn 3 trong số 5 huyện nghèo là Bắc Yên, Mường La, Sốp Cộp và công nhận mới thêm huyện Vân Hồ.

Về cơ bản, Nghị quyết 30a đã giúp kinh tế - xã hội các huyện nghèo chuyển biến rõ rệt; theo đó, đời sống của nhân dân cũng đã được nâng lên. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao; nhu cầu đầu tư lớn, song nguồn lực chưa đáp ứng được, dẫn tới nhiều công trình kéo dài, chậm phát huy hiệu quả; huy động nguồn lực trong dân, trong cộng đồng còn hạn chế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm... Vì vậy, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, vẫn rất cần tiếp tục có sự nỗ lực từ cấp ủy, chính quyền và nhân dân các huyện nghèo của tỉnh.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới