Diễn đàn cử tri

Có phương án di chuyển 62 hộ dân bản Suối Sát ra khỏi vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá; Đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét trình Chính phủ cho phép xây dựng cầu kiên cố bắc qua sông Đà tại khu vực Bến phà Vạn Yên; Cần thông báo kế hoạch xả đáy lòng hồ để tránh thiệt hại cho nhân dân

Cử tri đề nghị: Có phương án di chuyển 62 hộ dân bản Suối Sát, xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên đến nơi ở mới do nơi ở hiện nay thuộc vùng nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra việc sạt lở đất đá, gây mất an toàn cho cuộc sống của các hộ dân trong bản.

UBND tỉnh trả lời: Việc di chuyển 62 hộ dân bản Suối Sát, xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên đến nơi ở mới là cần thiết do toàn bộ khu dân cư của bản Suối Sát, xã Hua Nhàn có 6 điểm sạt lở, các vết nứt, sụt lún đã xuất hiện từ mùa mưa năm 2018. UBND tỉnh giao UBND huyện Bắc Yên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các cơ quan có liên quan xây dựng phương án, tham mưu bố trí nguồn kinh phí thực hiện di chuyển 62 hộ dân ra khỏi vùng thiên tai; đồng thời lập tờ trình xin chủ trương lập dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

Cử tri kiến nghị: Bến phà Vạn Yên thuộc bản Liếm, xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La nằm trên quốc lộ 43 tại Km27, do Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mực nước vùng lòng hồ sông Đà trên địa bàn huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La xuống thấp, phà không hoạt động được gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khu vực, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Do đó, để tạo thuận lợi cho bà con nhân dân trao đổi hàng hoá, phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực Vạn Yên - Phù Yên kết nối với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Sơn La, cũng như kết nối với tỉnh Yên Bái và tỉnh Phú Thọ, đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét trình Chính phủ cho phép xây dựng cầu kiên cố bắc qua sông Đà tại khu vực Bến phà Vạn Yên.

UBND tỉnh trả lời: Vị trí xây dựng cầu nằm trong lòng hồ thủy điện Hòa Bình có mực nước lên xuống không ổn định. Hàng năm, chênh cao giữa mùa nước cạn và mùa nước cao là khoảng 29 m (theo cao trình của thủy điện Hòa Bình). Mùa nước cạn thấp nhất cốt 89 m. Mùa nước cao nhất, cốt cao độ là 118 m, lòng sông rất rộng khoảng 997 m. Vì vậy, việc xây dựng cầu vĩnh cửu tại vị trí này cần phải bố trí cầu có trụ rất cao, chiều dài rất lớn (trên 1.000 m). Kinh phí xây dựng cầu kiên cố tại vị trí này là rất lớn, dự kiến khoảng hơn 1.200 tỷ đồng; các nguồn vốn phân bổ hàng năm cho Bộ GTVT là hết sức khó khăn. Mặt khác, lưu lượng xe qua khu vực thấp  (<200 xe ô tô/ ngày đêm) và việc kết nối với các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái chủ yếu theo hướng QL.32B và QL.37 đến QL.6 tại ngã ba Cò Nòi; kết nối giữa Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội chủ yếu theo hướng QL6. Bộ GTVT sẽ xem xét đầu tư cầu này khi lưu lượng xe tăng lên và nguồn lực cho phép.

Cử tri kiến nghị: Đơn vị quản lý vận hành nhà máy thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình thông báo trước kế hoạch xả đáy lòng hồ để tránh thủy sản nuôi trồng bị sặc bùn gây thiệt hại cho nhân dân.

UBND tỉnh trả lời: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương ban hành Công văn số 1054/SCT-QLNL ngày 05/8/2019 gửi Tập đoàn Điện lực, Công ty Thủy điện Hòa Bình, Công ty Thủy điện Sơn La kiến nghị việc thông báo trước kế hoạch xả đáy lòng hồ để tránh thủy sản nuôi trồng sặc bùn gây thiệt hại cho nhân dân.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có chỉ đạo Công ty Thủy điện Sơn La, Thủy điện Hòa Bình thực hiện kiến nghị của cử tri tỉnh Sơn La về công tác vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện tại Công văn số 4390/EVN-KTSX ngày 21/8/2019.

(TH)

Huy Ngoan
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới