Diễn đàn cử tri

Xem xét đào tạo và đào tạo lại cho hệ thống y tế thôn bản vùng sâu, vùng xa; Cần có các chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho các hộ gia đình diện thu hồi đất phục vụ phát triển đô thị; Xem xét điều chỉnh quy mô tối thiểu dự án, mô hình thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững

Cử tri kiến nghị: Xem xét đào tạo và đào tạo lại cho hệ thống y tế thôn bản vùng sâu, vùng xa.

UBND tỉnh trả lời: Mạng lưới y tế bản, tiểu khu, tổ dân phố (gọi tắt là NVYT bản) của tỉnh Sơn La tính đến ngày 30/6/2018 có 3.254 nhân viên y tế, đạt tỷ lệ 97,9% (3.254/3.324). UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chỉ đạo các trung tâm y tế rà soát về trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân viên y tế bản, xây dựng Đề án số 02/ĐA-SYT ngày 31/8/2018 về đào tạo nhân viên y tế bản năm 2019, trong đó: Triển khai đào tạo 3 lớp y tá thôn bản cho 105 nhân viên y tế bản chưa được đào tạo về chuyên môn, thời gian đào tạo: 3 tháng. Đồng thời, chỉ đạo triển khai công tác đào tạo và đào tạo lại hằng năm thực hiện như sau:

Về hình thức đào tạo: Cử người có trình độ học vấn từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên đi đào tạo y tá sơ cấp tại các trường cao đẳng, trung cấp y tế; xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn cập nhật, bổ sung kiến thức (đào tạo lại) cho đội ngũ nhân viên y tế bản trên địa bàn. Nội dung này do Trung tâm Y tế thực hiện hoặc do cán bộ trạm y tế thực hiện tại các buổi giao ban y tế bản hằng tháng; phối hợp với các dự án thuộc lĩnh vực y tế (dự án tài trợ, dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số) tổ chức tập huấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, truyền thông phòng chống HIV/AIDS tiêm chủng mở rộng, sử dụng túi thuốc y tế bản... cho đội ngũ nhân viên y tế bản.

Về kinh phí đào tạo: Từ ngân sách nhà nước gồm ngân sách tỉnh, địa phương (huyện, thành phố), các dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số; kinh phí từ các dự án tài trợ; do nhân viên y tế tự chi trả.

Về chất lượng: Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên y tế bản cung cấp kiến thức cơ bản đáp ứng yêu cầu về năng lực chuyên môn cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ở bản, tiểu khu tổ dân phố.

Cử tri kiến nghị: Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về các chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho các hộ gia đình bị thu hồi đất phục vụ cho phát triển đô thị.

UBND tỉnh trả lời: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai, chỉ đạo thực hiện lồng ghép các chính sách để hỗ trợ, tạo việc làm cho các hộ gia đình bị thu hồi đất để phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh như: Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất; Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"; Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Nghị quyết số 133/2016/NQ-HĐND ngày 22/3/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La; Nghị quyết số 124/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của HĐND tỉnh Sơn La về chương trình việc làm tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 2742/QĐ-UBND ngày 25/10/2017 của UBND tỉnh Sơn La về việc Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động và hộ gia đình bị thu hồi đất để phục vụ phát triển đô thị như: Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất tham gia đào tạo nghề; vay vốn theo quy định chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên; tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động bị thu hồi đất tại Trung tâm Dịch vụ việc làm; vay vốn ưu đãi từ Chương trình vốn vay giải quyết việc làm theo quy định.

Cử tri kiến nghị: Xem xét điều chỉnh quy mô tối thiểu dự án, mô hình thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020, vì theo quy định tại Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 1, Quyết định số 423/QĐ-UBND ngày 28/02/2018 của UBND tỉnh Sơn La quy định “Dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Dự án, mô hình đảm bảo tối thiểu 10 hộ dân được hỗ trợ và tối đa 30% số hộ không nghèo tham gia dự án, mô hình” nên khó triển khai thực hiện.

UBND tỉnh trả lời: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó có quy định thực hiện hỗ trợ theo dự án.

Đối với quy mô số hộ tối thiểu tham gia dự án: Đảm bảo có từ  10 hộ dân trở lên, kế thừa quy định tại Nghị quyết số 85/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 của HĐND tỉnh Ban hành định mức hỗ trợ cho một số nội dung của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 năm 2014 - 2015: Đầu tư theo nhóm hộ phải có từ 10 hộ trở lên, triển khai phù hợp với thực tế, đã thực hiện từ năm 2014 đến nay.

Đối với quy định tối đa 30% hộ không nghèo tham gia dự án: Đây là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững nên cần thiết khống chế hộ không nghèo tham gia. Việc quy định mức tối đa đã được sự nhất trí của một số cơ quan, đơn vị có liên quan.

(TH)

Huy Ngoan
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới