Điểm tựa cho nông dân trên bước đường hội nhập

Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 10 năm 1930, đã thông qua Nghị quyết thành lập Tổng Nông hội Đông Dương - tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay. Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị quyết định lấy ngày 14/10/1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam. 91 năm qua, Hội Nông dân Việt Nam không ngừng phát triển, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nông dân bản Nà Chá, xã Chiềng Khoa (Vân Hồ) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả.

           

Cùng với cả nước, Hội Nông dân tỉnh Sơn La ngày càng phát triển. Hội Nông dân có 12 tổ chức hội cấp huyện, 199 tổ chức hội cấp xã, 2.452 chi hội, với tổng số gần 169 nghìn hội viên. Bám sát chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, các cấp Hội Nông dân đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Phong trào đã thúc đẩy nông dân phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống nông dân.

           

Ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Bám sát định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội khảo sát, đánh giá tiềm năng, thế mạnh và mức độ phù hợp của các loại cây phù hợp với thực tế địa phương. Từ đó, đưa ra định hướng cụ thể giúp hội viên nông dân lựa chọn phù hợp để phát triển kinh tế. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đại diện người sản xuất ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp, tạo vùng sản xuất tập trung, sản lượng lớn. Đồng hành cùng nông dân trong phát triển sản xuất, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tổng dư nợ 2.322 tỷ đồng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, với hơn 61 tỷ đồng; đã đầu tư cho 203 dự án, với 1.586 hộ vay trên 56 tỷ đồng.

           

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng trồng cây ăn quả ở Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Sông Mã; trồng cây sơn tra ở Bắc Yên, Mường La; trồng mía nguyên liệu ở Mai Sơn; nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La tại Quỳnh Nhai, Mường La, Phù Yên... Hiện, toàn tỉnh có 28.389 hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, trong đó, 188 hộ SXKD giỏi Trung ương; 1.252 hộ SXKD giỏi cấp tỉnh; còn lại là hộ nông dân SXKD giỏi cấp huyện và cấp xã. Các hộ SXKD giỏi các cấp đã tạo việc làm cho hơn 12.000 lao động; giúp đỡ vốn, giống cây trồng, vật nuôi và kinh nghiệm sản xuất cho các hộ nghèo. Nhờ vậy, hàng năm có hơn 1.000 hộ nông dân thoát nghèo. Các cấp hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, góp phần cùng toàn tỉnh nâng tổng số lên 83 sản phẩm OCOP. Trong đó, 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; 31 sản phẩm đạt 4 sao; còn lại đạt 3 sao...

           

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội Nông dân tỉnh đã kết nối với Hội Nông dân thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Phước... tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm và bán sản phẩm nông sản cho nông dân. Đồng thời, kết nối với hệ thống các siêu thị BigC, VinMart... trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm nông sản, giúp nông dân yên tâm phát triển sản xuất. Theo đó đã hỗ trợ tiêu thụ được trên 31.700 tấn xoài, mận hậu, trong đó xuất khẩu 2.650 tấn, còn lại tiêu thụ thị trường các tỉnh bạn. Hội đã vận động hội viên nông dân đóng góp hơn 600 triệu đồng tiền mặt và hơn 1 trăm tấn rau củ quả, 450 thùng nhu yếu phẩm, ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch trong tỉnh. Ngoài ra, còn quyên góp ủng hộ Hội Nông dân thành phố Hà Nội 20 tấn rau, củ, quả, trị giá 220 triệu đồng phòng, chống dịch Covid-19.

           

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cán bộ, hội viên, nông dân các cấp đã hiến 24.521 m² đất, góp gần 1,4 tỷ đồng tiền mặt, 43.758 nghìn ngày công lao động sửa chữa, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa, sửa chữa kênh mương nội đồng... góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn trong tỉnh. Đồng thời, quyên góp xây dựng được 106 nhà “Mái ấm Nông dân” cho 106 gia đình hội viên nông dân nghèo.

           

Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập kinh tế, tổ chức hội nông dân các cấp trong toàn tỉnh trở thành điểm tựa vững chắc cho hội viên làm giàu trên chính quê hương và góp sức xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới