Để Mộc Châu đẹp hơn trong mắt du khách

Cao nguyên Mộc Châu được thiên nhiên ưu đãi với các điểm danh thắng nổi tiếng: Hang Dơi, ngũ động bản Ôn, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông, khu hồ sinh thái rừng thông bản Áng, vườn đào, vườn mận, trang trại chăn nuôi bò sữa... tất cả tạo ra sự đa dạng, phong phú về loại hình du lịch sinh thái, dã ngoại, trải nghiệm cả 4 mùa trong năm. Đây là điều kiện thuận lợi cho cao nguyên Mộc Châu khai thác đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Mô hình trồng hoa chất lượng cao của

Công ty cổ phần Hoa Nhiệt Đới (Mộc Châu) - một trong những điểm đến của du khách.

 

Ngày 12/11/2014, huyện Mộc Châu đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2050/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo thống kê, khách du lịch đến với Mộc Châu lưu trú trung bình đạt 1,86 ngày/khách cả 4 mùa trong năm; lượng khách ước đạt trên 1 triệu lượt khách/năm; doanh thu xã hội ước đạt 1.035 tỷ đồng. Hiện, Mộc Châu đã xây dựng và hình thành nhiều loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách như: Du lịch sinh thái, dã ngoại, trải nghiệm; du lịch cộng đồng; du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, danh thắng; du lịch tâm linh... Cùng với đó, đã thu hút trên 30 nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, lập dự án đầu tư vào Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu cũng như trên địa bàn huyện Mộc Châu, trong đó có những dự án trên 1.000 tỷ đồng.

Ông Đinh Hồng Phúc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Pha Luông Mộc Châu, cho biết: Du lịch Mộc Châu hiện nay phát triển chủ yếu theo hình thức tự phát, trào lưu, ồ ạt, thiếu tính cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh. Lấy ví dụ minh họa cho điều mình nói, ông Phúc dẫn chứng: Nhà nghỉ, nhà sàn (homestay) mọc tràn lan, chưa tạo nên sự khác biệt, đặc trưng vốn có của Mộc Châu dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh về giá, làm giảm giá trị thực các dịch vụ du lịch trong lĩnh vực lưu trú, đơn cử, giá nghỉ nhà sàn có nơi 50 nghìn đồng, 40 nghìn đồng, thậm chí chỉ có 20 nghìn đồng/đêm/người, đó là vào những ngày cuối tuần còn những ngày trong tuần hầu như không có khách. Cùng với đó, các điểm tham quan chưa đưa vào khai thác chuyên nghiệp, khách du lịch đi lại một cách tự do, vứt rác bừa bãi, phá hủy cảnh quan, không thu lại nguồn lực tài chính cho nhân dân và địa phương. Các công ty lữ hành cạnh tranh đẩy giá xuống quá thấp làm thiệt hại đến giá trị thực và công sức phục vụ của người làm du lịch tại Mộc Châu, ví dụ tour 2 ngày 1 đêm Hà Nội - Mộc Châu chỉ có 699.000 đồng/người, trong đó tiền xe đã mất 400.000 đồng, chỉ còn 300.000 đồng cho 3 bữa chính, 1 bữa sáng, 1 đêm ngủ, nước uống, vé tham quan, lợi nhuận đến những người làm dịch vụ du lịch Mộc Châu không còn được bao nhiêu. Công tác quảng bá, tuyên truyền chưa đủ mạnh, chưa đủ hấp dẫn, chưa khai thác, giới thiệu hết tiềm năng của du lịch Mộc Châu; nhân lực về du lịch vừa thiếu, vừa yếu... Đến hiện tại, Mộc Châu mới chỉ được coi là du lịch cuối tuần, còn những ngày trong tuần gần như không có khách du lịch.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Lê Văn Hưu, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Mộc Châu, cho biết: Để Mộc Châu phát triển xứng tầm Khu du lịch Quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Mộc Châu cần hoàn thiện quy hoạch, chi tiết. Những nội dung quy hoạch trước đây chưa phù hợp cần được điều chỉnh và công khai để các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch yên tâm đầu tư. Cùng với đó, Mộc Châu cần có cơ chế đặc thù cho Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để mời gọi những nhà đầu tư có tiềm lực đủ lớn đầu tư vào du lịch; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho du lịch, nhất là cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ du lịch; tăng cường thông tin, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch Mộc Châu dưới mọi hình thức, để giới thiệu du lịch Mộc Châu với du khách trong và ngoài nước.

Về góc độ quản lý Nhà nước, để thúc đẩy ngành du lịch huyện Mộc Châu nói riêng và Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nói chung ngày một phát triển, cần phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp như: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển cây, con vùng lõi Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên; loại bỏ các hoạt động du lịch tự phát tại các điểm du lịch đồng chè; tăng cường hiệu lực quản lý môi trường trong các khu du lịch; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp tương hỗ cho phát triển du lịch, kết hợp giữa phát triển sản phẩm nông nghiệp với hoạt động du lịch và dịch vụ như: Xây dựng mô hình thăm quan với bò sữa, đồi chè; khuyến khích nông dân trồng, khai thác dịch vụ thăm quan hoa cải, hoa tam giác mạch, đào, mận. Đồng thời, khuyến khích cơ sở kinh tế xây dựng các mô hình mẫu cho phát triển du lịch như: Triển khai mô hình tham quan du lịch với trang trại trồng trọt, chăn nuôi; sản xuất rau, hoa chất lượng cao. Cùng với đó, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu của các dân tộc, nhất là bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, trang phục, ẩm thực, lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng (xòe Thái, nhảy Tha Khềnh của người Mông, xòe Dao...) khôi phục nghề thủ công, mỹ nghệ: Dệt thổ cẩm, mây tre đan... đẩy mạnh tổ chức các hoạt động sự kiện, trong đó ít nhất mỗi năm tổ chức được 6 sự kiện tiêu biểu gồm: Lễ hội Hết Chá, Lễ hội Cầu mưa; Ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu, ngày hội hái quả, Hội thi hoa hậu bò sữa, Ngày hội trà cao nguyên Mộc Châu...

Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, từ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư đến chỉnh trang nâng cấp cơ sở hạ tầng... sẽ tạo môi trường du lịch hấp dẫn, an toàn, thân thiện để thúc đẩy Khu du lịch quốc gia Mộc Châu phát triển bền vững, đẹp hơn trong mắt du khách trong và ngoài nước.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới